* Nhân tố con người: là nhân tố cơ bản và quan trọng nhất quyết định đến chất lượng thẩm định tín dụng. Hoạt động thẩm định tín dụng do con người thực hiện, mang yếu tố chủ quan của con người, chính vì vậy phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thẩm định. Trong tất cả các bước của quy trình thẩm định, cán bộ tín dụng luôn là người trực tiếp thự hiện tư việc thu thập, khai thác xử lý thông tin và quyết định cho vay. Có thể nói quá trình thẩm định của cán bộ tín dụng có tính quyết định đến chất lượng công tác thẩm định. Thật vậy, nếu cán bộ tín dụng làm sai quy trình, thẩm định qua loa, không chính xác hoặc vi phạm lợi ích nghề nghiệp sẽ dẫn đến các quyết định sai lầm gây tổn thất cho ngân hàng, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn, thời gian thực hiện trong nhiều năm và có tầm ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế xã hội của quốc gia. Ngược lại, nếu cán bộ tín dụng có trình độ chuyên môn giỏi, kinh nghiệm thực tế nhiều, am hiểu nhiều về lĩnh vực thẩm định và có ý thức trong công việc thẩm định thì sẽ làm cho chất lượng thẩm định tín dụng được nâng cao. Vì vậy, việc nâng cao trình độ, năng lực và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng phải được đặt lên hàng đầu.
- Trình độ chuyên môn của cán bộ thẩm định: công tác thẩm định tín dụng là phức tạp đòi hỏi cán bộ thẩm định phải có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm cũng như am hiểu rất nhiều lĩnh vực khác về kinh tế, chính trị, pháp luật. Khi cán bộ thẩm định có chuyên môn, thực hiện đúng quy trình thẩm định đề ra thì kết quả thẩm định có độ tin cậy cao và ngược lại khi cán bộ thiếu hiểu biết về thị trường, pháp luật có thể đưa ra những dự báo và nhận xét sai lầm. Bên cạnh đó, kinh nghiệm trong công tác thẩm định giúp cán bộ thẩm định
xử lý được những tình huống phức tạp cũng như tính toán nhanh nhậy, chính xác các chỉ số và khả năng đưa ra quyết định chính xác.
- Đạo đức của cán bộ thẩm định: Kết quả thẩm định dựa vào đánh giá chủ quan cán bộ thẩm định, nó không chỉ phụ thuộc vào trình độ chuyên môn mà còn phụ thuộc vào chính đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thẩm định đó.
* Vấn đề thông tin và xử lý thông tin: Thẩm định tín dụng được tiến hành trên cơ sở phân tích các thông tin trực tiếp và gián tiếp liên quan đến phương án sản xuất kinh doanh/dự án. Đó là thông tin về thị trường trong nước và quốc tế, thông tin về hoạt động kinh tế nhà nước...Nguồn thông tin được thu thập từ nhiều nguồn: thông tin từ chính khách hàng, thông tin từ các cơ quan chức năng, thông tin từ các tổ chức tín dụng khác hay từ chính đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, việc lựa chọn, sàng lọc những thông tin trên nhằm đảm bảo tính đầy đủ và chính xác là một vấn đề khó khăn. Nếu những thông tin này không được thu thập một cách chính xác sẽ làm cho công tác thẩm định gặp khó khăn, có thể dẫn đến quyết định cho vay sai lệch.
* Quy trình và các phương pháp thẩm định tín dụng
- Công tác thẩm định tín dụng luôn được thực hiện theo một quy trình cụ thể. Đối với phương án sản xuất kinh doanh/dự án cho vay, có rất nhiều khía cạnh cần thẩm định như: điều kiện vay, năng lực tài chính của khách hàng vay vốn, tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh/dự án, khả năng trả nợ của khách hàng...Mỗi nội dung cho phép đánh giá một mặt cụ thể của phương án sản xuất kinh doanh/dự án, tổng hợp các nội dung này là căn cứ đánh giá toàn diện phương án sản xuất kinh doanh/dự án. Cán bộ thẩm định không thể cùng một lúc thực hiện tất cả các công việc mà phải theo một trình tự cụ thể được ngân hàng thương mại đề ra. Tuy nhiên, quy trình không phải là dập khuân mà có sự điều chỉnh theo loại phương án sản xuất kinh doanh/dự án về quy mô cũng như tính chất của dự án. Việc đưa ra một quy trình khoa học, hợp lý góp phần rút ngắn thời gian thẩm định, giảm chi phí thẩm định và đưa ra kết quả thẩm định chính xác.
- Phương pháp thẩm định tín dụng là cách thức xử lý những thông tin thu được liên quan đến phương án sản xuất kinh doanh/dự án. Có nhiều phương pháp thẩm định tín dụng: phương pháp thẩm định theo trình tự, phương pháp so sánh đối chiếu các chỉ tiêu, phương pháp phân tích độ nhậy, phương pháp dự báo, phương pháp triệt tiêu rủi ro, phương pháp phân tích các tư liệu do doanh nghiệp xuất trình, phương pháp nắm bắt thực trạng qua phỏng vấn hay phương pháp nắm bắt thực trạng qua điều tra thực địa, phương pháp thẩm định định tính hay thẩm định định lượng. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp thẩm định nào phù hợp với khoản tín dụng để đưa ra kết luận cuối cùng về hiệu quả của phương án sản xuất kinh doanh/dự án là cần thiết.
* Tổ chức điều hành công tác thẩm định tín dụng: Công tác thẩm định tín dụng được thực hiện qua nhiều bước và có sự phối hợp của nhiều cán bộ nhất là các phương án sản xuất kinh doanh/dự án có quy mô lớn, phức tạp. Do vậy, công tác thẩm định tín dụng đòi hỏi có sự quản lý điều hành một cách khoa học và thống nhất ở tất cả các khâu. Khi cán bộ thẩm định được phân công trách nhiệm cụ thể phù hợp với chuyên môn, trình độ đồng thời có sự liên kết giữa các bộ phận đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thẩm định, như vậy sẽ mang lại kết quả thẩm định tốt. Ngược lại, việc sắp xếp nhân sự và hình thức quản lý không tốt sẽ gây nên sự không thống nhất, chồng chéo lẫn nhau dẫn đến mất thời gian công sức và tiền của.
* Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác thẩm định tín dụng: thời gian và độ chính xác của kết quả thẩm định tín dụng chịu ảnh hưởng lớn của thực trạng trang thiết bị, công nghệ của ngân hàng thương mại. Trang thiết bị công nghệ là công cụ phục vụ rất đắc lực cho công tác thẩm định tín dụng như khai thác và xử lý thông tin, hỗ trợ các phần mềm tính toán...ngày nay, phương tiện kỹ thuật còn thay thế con người trong việc tính toán các chỉ số phức tạp, vừa cho kết quả đúng đắn, vừa rút ngắn được thời gian. Với trang thiết bị hiện đại, phần mềm chuyên dụng thì việc thu thập thông tin và dự báo sẽ được tiến hành một cách nhanh chóng và chính xác, giảm rủi ro phát sinh trong quá trình xử lý
thông tin khi tính toán thủ công. Từ đó, chất lượng thẩm định tín dụng ngày càng được nâng cao, kịp thời nắm bắt cơ hội cho vay.