* Môi trường kinh tế: Môi trường kinh tế là yếu tố tác động trực tiếp đến nguồn trả nợ của khách hàng bởi đa phần với những khách hàng là doanh nghiệp, nguồn trả nợ xuất phát từ doanh thu và lợi nhuận của phương án kinh doanh. Trong quá trình thẩm định phương án, phân tích tình hình kinh tế của đất nước, khu vực và thế giới có tác động thế nào tới quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh và tiến độ thực thi của phương án từ đó tác động đến khả năng trả nợ của khách hàng. Đặc điểm của nền kinh tế là mang tính chu kỳ. Khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định thì dự báo của cán bộ thẩm định càng sát với thực tế, kết quả thẩm định chính xác và phản ánh đúng xu hướng của thị trường, từ đó có thể đưa ra các điều chỉnh cần thiết. Còn khi thị trường có biến động lớn trong giai đoạn thị trường bùng nổ hoặc khủng hoảng thì cán bộ thẩm định không thể dự báo chính xác diễn biến của thị trường, ảnh hưởng đến việc dự báo rủi ro có thể xảy ra cho dự án.
* Môi trường pháp lý: Các chính sách, cơ chế quản lý đóng vai trò điều chỉnh, định hướng các hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như đối tượng vay vốn trong nền kinh tế. Nếu cơ chế chính sách hợp lý, đồng bộ và có tính hiệu lực cao thì sẽ tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế. Hệ thống các văn bản pháp luật và dưới luật trong việc quy định thẩm định tín dụng cũng như quy định về việc cho vay của các ngân hàng thương mại được quy định chặt chẽ sẽ góp phần tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động cho vay, đảm bảo lợi ích và mục tiêu phát triển của khách hàng, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Môi trường pháp lý thuận lợi tạo điều kiện mở rộng đầu tư nhiều phương án sản xuất kinh doanh/dự án nhằm đạt hiệu quả kinh tế xã hội.
* Sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng: sự cạnh tranh này đòi hỏi phải giảm thời gian, chi phí và thủ tục trong quá trình thẩm định của tổ chức tín dụng. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định tín dụng. Thời gian
được rút ngắn, chi phí giảm có thể tăng khả năng cạnh tranh nhưng cũng tăng thêm rủi ro cho chính tổ chức tín dụng khi kết quả thẩm định không phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh thị trường.
* Tính xác thực của thông tin: Thông tin phục vụ cho công tác thẩm định là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thẩm định tín dụng. Thông tin phục vụ công tác thẩm định bao gồm: thông tin về tư cách pháp lý của khách hàng, thông tin về tình hình tài chính, thông tin về tài sản bảo đảm hay thông tin liên lạc đến việc thẩm định phương án/dự án. Vấn đề thông tin không cân xứng là tất yếu luôn tồn tại trong thị trường tài chính. Chính thông tin không cân xứng đã làm tăng chi phí và thời gian thẩm định gây méo mó các kết quả thẩm định, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của phương án sản xuất kinh doanh/dự án khi tổ chức tín dụng không thể đưa ra các kết quả thẩm định từ các thông tin không chính xác. Vì vậy, cần nắm bắt thông tin chính xác từ các nguồn: thông tin do khách hàng cung cấp, thông tin lưu trữ tại ngân hàng, thông tin phỏng vấn và điều tra khách hàng, thông tin từ những nguồn khác như thông tin từ các ngân hàng khác, từ ngân hàng nhà nước hay từ các công ty nghiên cứu thị trường. Những thông tin phục vụ cho công tác thẩm định càng chính xác thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tín dụng đưa ra những quyết định tín dụng đúng đắn.