8. Cấu trúc của luận văn
2.1.2.1. Dân số và sự gia tăng dân số
Có thể nói các hoạt động của con người có ảnh hưởng quan trọng, gây nên những biến đổi cơ bản của môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng.
Theo số liệu thống kê năm 2011, Hải Dương có số dân là 1.718.895 người, đông dân thứ 5 trong các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, đông thứ 11 trong 63 tỉnh thành trên cả nước. Gia tăng dân số là 0,95%, hiện nay gia tăng dân số đang thay đổi theo chiều hướng giảm dần nhưng vẫn còn khá cao. Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh là 1.039 người/km2, cao gấp 3,9 lần cả nước. Sự phân bố dân cư không đồng đều, khu vực đồi núi mật độ khoảng 700 người/km2, khu vực đồng bằng khoảng 1.157 người/km2. Tỉ lệ dân số thành thị là 21,9% (nhưng mật độ dân số ở thành thị rất cao), tỉ lệ dân số nông thôn là 78,1% [19].
Dân số đông, mật độ dân số cao, sự gia tăng dân số nhanh đã gây áp lực lớn lên nguồn nước vì nhu cầu nước cho phát triển nông nghiệp để gia tăng lương thực thực phẩm, phát triển công nghiệp để gia tăng hàng hóa và gia tăng thêm nhiều hình thức dịch vụ, đặc biệt là nhu cầu nước cho sinh hoạt của con người.
Dân số đông và sự gia tăng dân số nhanh là nguyên nhân chính gây áp lực lên nguồn nước, đặc biệt là ở vùng đô thị có mật độ dân số cao, nước mặt bị ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải, nước thải sinh hoạt xả vào kênh rạch chưa qua xử lý. Tình trạng lấn chiếm lòng, bờ sông kênh rạch để sinh sống, xả rác và nước thải trực tiếp trên bề mặt gây ô nhiễm nước mặt, cản trở lưu thông của dòng chảy, tắc nghẽn cống rãnh tạo nước tù. Môi trường yếm khí gia tăng phân hủy các hợp chất hữu cơ, không những gây mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn nước và môi trường mà còn gây khó khăn trong việc lấy nguồn nước mặt để xử lý thành nguồn nước sạch cấp cho nhu cầu xã hội.
Hoạt động của con người tới môi trường nước thể hiện ở các mặt sau: - Các chất thải rắn, nước thải sinh hoạt: Nước thải sinh hoạt có các thành phần rất đa dạng, bao gồm các chất hữu cơ không phân rã hay phân rã chậm, như các chất thải từ xác động vật, xương, mỡ, lông, vi khuẩn (bao gồm cả các loại vi khuẩn gây bệnh, siêu vi trùng, các sản phẩm của sinh vật như trứng của các loại sâu, ròi)…Khi nước thải sinh hoạt chảy trên mặt đất thường mang theo các loại rác rưởi: vỏ trứng, xác chết động vật, các chất hữu cơ hỗn hợp như giấy, quần áo rách, các chất dẻo, các nguyên liệu tổng hợp, các loại chất tẩy rửa, các loại cặn bã thực phẩm…các loại nước thải hầu hết chưa qua xử lý mà được đổ trực tiếp vào nguồn nước tự nhiên gây ô nhiễm lớn cho môi trường nước. Trong thành phần các chất hữu cơ từ nước thải của khu dân cư có khoảng 40-60% protein, 25-50% hidrat cacbon, 10% chất béo. Các hợp chất này chủ yếu làm suy giảm oxi hòa tan trong nước dẫn đến suy thoái tài nguyên thủy sản và làm giảm chất lượng nước sinh hoạt [20].
- Chất thải rắn, nước thải bệnh viện:Ở tỉnh Hải Dương, với 22 bệnh viện cấp tỉnh, huyện và nhiều cơ sở y tế công, tư nhân hàng ngày thải ra khoảng 4 tấn chất thải rắn và 4000 m3 nước thải y tế [19]. Các chất thải rắn y tế nguy hại bao gồm: chất thải lây nhiễm sắc nhọn, lây nhiễm không sắc nhọn, chất thải có
nguy cơ lây nhiễm, chất thải giải phẫu, chất thải hóa học nguy hại, chất thải chứa kim loại nặng (thủy ngân từ nhiệt kế, huyết áp kế bị vỡ).
Đặc biệt nguy hiểm khi nước thải bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh, có thể dẫn đến dịch bệnh cho người và động vật qua nguồn nước khi sử dụng nguồn nước này vào mục đích tưới tiêu, ăn uống... Khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn) sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước, và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái.