Đơn vị: Nghìn tỷ đồng
3.2.1.2. Vai trò định hướng
Vai trò định hướng chính là việc nhà nước đưa ra được các chương trình, kế hoạch cụ thể cho hoạt động tái cơ cấu. Thực hiện vai trò này, trong giai đoạn 2011 - 2017, nhà nước đã xây dựng và ban hành hệ thống các chương trình, kế hoạch tái cơ cấu từ tổng thể đến cụ thể. Đó là Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 của Chính phủ và hàng chục Đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực của các Bộ chủ quản, Đề án tái cơ cấu kinh tế vùng, Đề án tái cơ cấu kinh tế địa phương, Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước… Cụ thể, về tái cơ cấu ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững"; thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu; phê duyệt 6 Đề án tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông lâm, thủy sản và muối; phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030; ban hành Kế hoạch hành động của ngành công thương thực hiện Đề án tái cơ cấu (40 địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện); Phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
- Các Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế; xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành. Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành. Bộ Tài nguyên và Môi trường chú trọng đến việc xây dựng các văn bản pháp luật đặc biệt liên quan đến đất đai. Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng theo lĩnh vực quản lý đã thực hiện việc tái cơ cấu doanh nghiệp, tổng công ty trực thuộc quản lý.
- Với các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đến cuối 2015 đã có 99 Đề án tái cơ cấu được phê duyệt và thực hiện.
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban hành Kế hoạch hành động, xây dựng Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng Đề án Tái cơ cấu các ngành nghề, đặc biệt là ngành nông nghiệp (58/63 tỉnh thành phố được phê duyệt), ngành công thương (40/63 tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch hành động); Một số địa phương đã chủ động xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh), tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trên địa bàn (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hải Phòng). Trong đó, có một số điển hình sáng kiến đáng ghi nhận về cải thiện môi trường kinh doanh như ở Hà Nam, về phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế ở Bắc Ninh, về thực hiện tái cơ cấu một số chuỗi ngành hàng nông nghiệp ở Đồng Tháp.
Năm 2016, Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó, Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 với những kịch bản rất cụ thể, đặc biệt việc phân công trách nhiệm thực hiện cho các cấp, các ngành, việc xác định các tiêu chí hoàn thành cho tái cơ cấu được Chính phủ đề cập cụ thể trong kế hoạch này. Như vậy, việc định hướng cho tái cơ cấu nền kinh tế đang được nhà nước tiếp cận sâu hơn, cụ thể hơn, tránh những kế hoạch mang tính định hướng chung chung.
3.2.1.3. Vai trò tạo lập thể chế
Giai đoạn 2011 - 2017, từ cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội đến các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế đều có những hoạt động tạo lập thể chế cụ thể theo chức năng, thẩm quyền của mình. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 28/11/2011 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-
2015, Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016
- 2020. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 về Phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/6/2013 về một số nhiệm vụ triển khai trong ba năm 2013 - 2015 nhằm thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020. Qua đó, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tiếp tục được hoàn thiện. Vai trò, hiệu quả, sức cạnh tranh của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế được nâng lên. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, bình đẳng và thông thoáng hơn. Các yếu tố thị trường, các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Hầu hết các loại giá được xác lập theo nguyên tắc thị trường, thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước đối với một số loại hàng hóa - dịch vụ thiết yếu.
Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Đã ban hành và triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định cụ thể hơn, từng bước thực thi có hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành và vận hành khá đồng bộ, gắn kết hiệu quả hơn với thị trường ngoài nước. Giá hàng hóa, dịch vụ đã cơ bản theo nguyên tắc thị trường. Thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với xăng dầu, than, điện, nước, dịch vụ giáo dục, y tế,... gắn với hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, vùng khó khăn. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng ngày càng hiệu quả các nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong xây dựng pháp luật, đã có nhiều Luật được xây dựng, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Phá sản (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi, bổ sung một số điều), Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Thống kê
(sửa đổi); Luật Việc làm… Việc thể chế hóa thành pháp luật các nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp tái cơ cấu giai đoạn 2011-2017 đã thông qua hàng nhiều văn bản pháp luật rất cơ bản. Chính phủ và các Bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định, Thông tư hướng dẫn các hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều nội dung mới trong tái cơ cấu kinh tế như việc xử lý nợ xấu, việc sắp xếp các tổ chức tài chính - ngân hàng, các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đổi mới doanh nghiệp… đã được luật hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện tái cơ cấu và phát huy vai trò của nhà nước.