dân Việt Nam
Để làm rõ khái niệm Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân Việt Nam, cần phải tìm hiểu thuật ngữ đại diện. Trong cuộc sống hàng ngày, thuật ngữ đại diện thường được sử dụng trong các quan hệ, giao dịch dân sự. Đại diện được hiểu là sự “thay mặt cho cá nhân hoặc tập thể” [125, tr.279]. Người đại diện nhân danh cá nhân, tập thể đó tiến hành các hoạt động và hoạt động này thường gắn với lợi ích, bổn phận, nghĩa vụ của người được đại diện.
Trong dân sự đại diện thường được hiểu là việc một người (gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi thẩm quyền đại diện. Người đại diện là người nhân danh người được đại diện xác lập quan hệ với người thứ ba, vì lợi ích của người được đại diện. Người được đại diện là người tiếp nhận các hậu quả pháp lý từ quan hệ do người đại diện xác lập, thực hiện đúng thẩm quyền đại diện.
Đại diện dân sự thường được phân chia thành hai loại: đại diện theo pháp luật và đại diện ủy quyền. Dù xác lập quan hệ đại diện theo loại nào cũng cần phải đáp ứng các tiêu chí: i) Xác định tư cách, năng lực, điều kiện của chủ thể đại diện; ii) Xác định nội dung, giới hạn, phương thức, thời gian đại diện, các lợi ích đạt được đối với hai bên chủ thể; iii) Các chế tài hay trách nhiệm đối với hai bên trong trường hợp có vi phạm thỏa thuận, vi phạm pháp luật, cũng như trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp nếu có.
Từ khái niệm đại diện khá phổ biến trong dân sự, ở các lĩnh vực chuyên ngành, mỗi quốc gia có thể đưa thêm những quy định về chủ thể đại diện, lợi ích đại diện, thời hạn đại diện để bảo hộ pháp lý, đảm bảo tính kinh tế, tính