Các công trình nghiên cứu về đô thị hóa trên thế giới và Việt Nam

Một phần của tài liệu 20210729_132742_NOIDUNGLA_DAOHUONG (Trang 45 - 48)

Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.3. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN

1.3.1. Các công trình nghiên cứu về đô thị hóa trên thế giới và Việt Nam

Cho đến nay có rất nhiều công trình nghiên cứu về các hình thái đô thị và quá trình đô thị hóa trên thế giới và trong khu vực. Đô thị hóa trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu, nhiều tổ chức quốc tế như UNESCO, UNDP, WB, ADB đã nghiên cứu đô thị hóa đề làm sáng tỏ những mối liên kết giữa toàn cầu hóa và ĐTH. Các thành phố đang ngày càng trở thành động lực quan trọng cho quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế ở các quốc gia và khu vực trên thế giới. Đô thị hóa không chỉ góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng khu vực II, khu vực III, giảm tỉ trọng khu vực I mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các đô thị. Ở Đông Nam Á, các đô thị phần lớn là các trung tâm công nghiệp và trung tâm kinh tế nên quá trình phát triển đô thị thường song song với quá trình phát triển kinh tế. Đô thị còn là nơi chịu ảnh hưởng của toàn cầu hóa thông qua các hoạt động thương mại.

Ở những nước có đô thị hóa nhanh, nhất là những nước thuộc “thế giới thứ 3” đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội. Tình trạng thất nghiệp, thiếu nhà ở, thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường, chệnh lệch giàu nghèo, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng. Các siêu đô thị ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á tập trung nhiều lao động chân tay, lao động có thu nhập thấp nên xã hội bất ổn, bạo lực gia tăng và có nguy cơ xảy ra chiến tranh

đô thị. Hiện tượng đô thị hóa đảo ngược, đô thị hóa giả tạo đã xảy ra ở nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh khiến cho mặt trái của đô thị hóa ngày một thêm sâu sắc.

Sau một số nghiên cứu về thực tiễn đô thị hóa, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy đô thị hóa cần phải song song với tái cấu trúc đô thị để khác phục những tồn tại và chữa những căn bệnh do đô thị hóa mang lại. Mỗi nhóm nước phải đối mặt với những thách

thức khác nhau về đô thị hóa vì thế cần tạo nên sự cân bằng, đồng đều giữa tỉ lệ tăng dân số đô thị với tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức độ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, xây dựng một hệ sinh thái đô thị toàn cầu dựa trên những đặc điểm lịch sử,thể chế chính trị, chức năng đô thị, quy mô dân số và trình độ phát triển kinh tế đô thị cho riêng mỗi quốc gia cũng là giải pháp hữu hiệu. Những nước đang trong quá trình chuyển đổi nông thôn thành đô thị cần có những sách lược khác biệt với những nước đô thị hóa đã đi vào giai đoạn ổn định.

Ở Việt Nam, các nội dung về đô thị hóa đã được nghiên cứu tương đối toàn diện. Có thể kể đến nghiên cứu của Đàm Trung Phường (1995) [51] và (2005) trong Đô thị

Việt Nam [52]; Đào Hoàng Tuấn (2008) trong cuốn Phát triển bền vững đô thị: những vấn đề lý luận và kinh nghiệm của thế giới [66], Đào Hoàng Tuấn và cs. (2009) trong cuốn

Phát triển bền vững hệ thống đô thị ở Việt Nam: Một số vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn

[68]. Hoàng Bá Thịnh (2014) [58] trong Đô thị hóa và quản lý đô thị hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. Phùng Hữu Phú (2009) [50], Đô Thị hóa ở Việt Nam- Từ góc nhìn nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Lê Cao Đoàn (2000) [25], Vai trò và mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, thành thị và nông thôn trong phát triển - các quan điểm có ý nghĩa triết lý phát triển. Trần Thị Lan Anh (2014) [3] trong công trình nghiên cứu “Thực trạng đô thị hóa, phát triển đô thị và những yêu cầu cần

đổi mới ở Việt Nam” đã chỉ ra được thực trạng đô thị hóa ở Việt Nam, những vấn đề thách thức hiện đang đối mặt như hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng đô thị còn đạt thấp. Hoàng Bá Thịnh và cs (2014) [58] trong công trình nghiên cứu “Đô thị hóa và quản lý quá trình đô thị hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên” đã chỉ ra rằng mức độ đô thị hoá vùng Tây Nguyên ở ngưỡng trung bình (đứng vị trí thứ 3/6) so với các vùng kinh tế - xã hội khác trên phạm vi cả nước, tỷ lệ đô thị hoá vùng Tây Nguyên cao hơn vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chỉ kém mức độ đô thị hoá của vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ

(57,10%). Nguyễn Quang Giải (2017) [29] trong nghiên cứu “Tiến trình đô thị hóa Bình Dương và việc lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững” cho thấy tiến trình đô thị hóa của Bình Dương giai đoạn 1997 - 2014 đã đề xuất phát triển đô thị theo hướng kết hợp giữa mô hình đô thị nén, chùm đô thị và đô thị vệ tinh được xem là cơ sở vững chắc để tiến trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững đối với tỉnh Bình Dương. Các công trình nghiên cứu trên đã góp phần làm sáng tỏ những luận cứ khoa học, những vấn đề lý luận liên quan đến đô thị hóa trong giai đoạn hiện nay. Các công trình nghiên cứu này cũng đã khái quát hóa những vấn đề thực tiễn thành lý luận, tạo cơ sở cho việc hoạch

định những chính sách phù hợp. Đồng thời cũng chỉ ra những vấn đề thực tiễn đang diễn ra cần có hệ thống lý luận soi đường, định hướng.

Quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam được sắp xếp, phân tích và bình luận theo từng giai đoạn lịch sử, phân tích những luận điểm để chứng minh rằng quá trình phát triển đô thị cần lấy tăng trưởng kinh tế làm trọng tâm trên cơ sở vận dụng lý thuyết các cực tăng trưởng. Thực hiện đô thị hóa cần chú ý đến lý thuyết phát triển đô thị dựa vào kinh tế và lý thuyết phát triển kinh tế lấy con người làm trung tâm.

Trên quan điểm, coi những thay đổi về dân cư - lao động là một thành phần tạo nên đô thị hóa, tác giả Đào Hoàng Tuấn đã phân tích mối quan hệ giữa nông thôn và đô thị thông qua dòng di cư tự phát từ nông thôn đến các đô thị lớn ở Việt Nam [68]. Qua nghiên cứu thực tiễn đô thị hóa ở một số đô thị ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Thế giới đã kết luận: gia tăng dân số đô thị và di cư nông thôn - đô thị là một trong 5 thành phần chuyển đổi rõ rệt trong bối cảnh đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay [44]. Cơ cấu lao động đang chuyển dịch khá nhanh ở các đô thị lớn cũng là điều kiện tốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đô thị. Dân số tăng nhanh là nguồn lực nhưng lại trở thành áp lực cho phát triền KT - XH đô thị nếu không có những chính sách sử dụng lao động, quy hoạch đô thị, chiến lược phát triển kinh tế hợp lý.

Từ khi đô thị hóa được nghiên cứu dưới góc độ địa lý KT - XH thì mối quan hệ giữa nông thôn và đô thị đã được chú ý nhiều hơn. Một số luận án tiến sĩ đã nghiên cứu về đô thị hóa nhưng ở các khía cạnh khác nhau, như: Vận dụng phương pháp phân tích đa tiêu chí đánh giá mức độ đô thị hóa nhằm góp phần xây dựng các quan điểm phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, lấy Hà Nội làm ví dụ của tác giả Nguyễn Hữu Đoàn [26], Nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến việc

quản lý và sử dụng đất của Đào Thị Thanh Lam [38].

Trong những năm gần đây các ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về đô thị hóa ở Việt Nam. Đó là các nghiên cứu về tác động kinh tế xã hội môi trường của quá trình đô thị hóa đối với các vùng nông thôn xung quanh các đô thị lớn. Những đề tài này cũng đã cung cấp những cơ sở khoa học cho các cơ quan liên quan đến việc hoạch định cuộc sống, kế hoạch và quá trình phát triển đô thị, quan hệ phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề quản lý sử dụng đất trong quá trình đô thị hóa là một vấn đề nóng bỏng cũng đã và đang được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu.

Như vậy, đã có một số công trình nghiên cứu về đô thị hóa được thực hiện ở Việt Nam, tập trung ở các vùng có tốc độ đô thị hóa cao như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Qua các nghiên cứu này có thể nhận thấy, đô thị hóa đang lan rộng và phát triển với tốc độ tương đối nhanh trên địa bàn nhiều tỉnh thành của cả nước và quá trình này đã làm cho cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của nhiều địa phương có sự thay đổi đáng kể.

Một phần của tài liệu 20210729_132742_NOIDUNGLA_DAOHUONG (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w