Nguồn vốn đầu tư XDĐB có thể được huy động từ các chủ thể trong nền kinh tế cả ở trong và ở ngoài nước. Ở trong nước, nguồn vốn này có thể được tạo lập từ khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Sự tham gia, phối hợp đầu tư vốn giữa các chủ sở hữu trong nền kinh tế nhiều thành phần cho thực hiện dự án XDĐB làm xuất hiện tính chất đa dạng về hình thức đầu tư trong việc tạo ra sản phẩm ĐB. Quá trình làm thực hiện đầu tư theo tính chất này gọi là đa dạng hóa sở hữu hay ĐDH vốn đầu tư XDĐB.
Vậy, ĐDH vốn đầu tư XDĐB là quá trình hình thành và đưa vào sử
dụng nguồn vốn trong đó có sự tham gia, phối hợp đầu tư của nhà nước và các thành phần kinh tế khác theo một cơ chế xác định nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng các tuyến ĐB đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với quan niệm trên, xét ở bình diện vĩ mô, việc đầu tư vào các dự án XDĐB nếu chỉ dựa vào nguồn vốn của khu vực Nhà nước mà không có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác thì không được gọi là ĐDH. Tuy nhiên, xét ở tầm vi mô, nếu một dự án XDĐB chỉ thuần túy là vốn đầu tư nhà nước, nhưng có những dự án khác lại chỉ thuần túy là vốn đầu tư tư nhân thì vẫn hiểu là ĐDH vốn đầu tư XDĐB. Những dự án XDĐB có sự liên kết, hợp tác của cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước cũng là dự án đầu tư ĐDH. Một dự án hạ tầng GTĐB mang hình thái vật chất thuần túy (100%) dựa vào nguồn vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước vẫn là dự án ĐDH. Trong các dự án này, ngoài nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, việc vận hành và đưa vào sử dụng còn có thêm nguồn vốn mang hình thái phi vật chất bao gồm cơ chế, chính sách quản lý,
công nghệ thông tin, môi trường an ninh xã hội gắn với hoạt động GTĐB do Nhà nước đầu tư.
Tiếp cận từ kinh tế chính trị học, ĐDH vốn đầu tư XDĐB được xem xét trên cả ba mặt quan hệ là sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối.
- Về quan hệ sở hữu, ĐDH vốn đầu tư XDĐB chính là quá trình tham
gia vốn đầu tư của các chủ thể trong nền kinh tế nhiều thành phần vào các dự án để tạo ra hình thức doanh nghiệp trong lĩnh vực ĐB. Trong nền kinh tế có nhiều quan hệ sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, thì ĐDH sở hữu vốn đầu tư XDĐB chính là quá trình hình thành nguồn vốn để đưa vào đầu tư bởi các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế. Vốn đầu tư XDĐB được hình thành từ ĐDH là một lĩnh vực của ĐDH sở hữu trong nền kinh tế nhiều thành phần.
- Về quan hệ tổ chức, quản lý, ĐDH vốn đầu tư XDĐB tất yếu đưa đến
một cơ chế quản lý mới trong đó Nhà nước không còn là chủ duy nhất quản lý dự án đầu tư như khi chưa được ĐDH, mà nó đã thu hút việc quản lý của chủ đầu tư. Nguyên tắc quản lý cũng không còn cứng nhắc bởi các quyết định của Nhà nước như khi dự án đầu tư chưa được ĐDH, mà ở đây các chủ đầu tư còn phải tuân theo nguyên tắc thị trường. Tức là việc quản lý dự án đầu tư XDĐB phải chấp nhận cạnh tranh theo nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu. Mức độ can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào hình thức đầu tư này cũng phải điều chỉnh để có thể dung nạp và phát huy vai trò tích cực của cơ chế thị trường.
- Về quan hệ phân phối, đa dạng hóa vốn đầu tư XDĐB sẽ đưa đến kết
quả là có công trình đưa vào sử dụng. Trong quá trình sử dụng công trình, nhà đầu tư sẽ thu hồi được vốn và có lợi nhuận. Việc phân phối lợi nhuận do sử dụng công trình tất yếu sẽ theo nguyên tắc vốn góp. Ngoài ra, nhà đầu tư khi tham gia vào quản lý hoặc thi công còn nhận được thu nhập do những đóng góp đó tạo ra. Tức là sự tồn tại ĐDH về vốn đầu tư XDĐB là điều kiện để tồn tại ĐDH hình thức phân phối thu nhập, xác lập tính đa dạng của lợi ích kinh tế trong nền kinh tế nhiều thành phần thuộc lĩnh vực kinh tế này.
Về thực chất, ĐDH vốn đầu tư XDĐB chính là quá trình tập trung vốn xã hội để giải quyết một khoản đầu tư lớn trong khi Nhà nước không thể đảm nhiệm tốt hơn được. Trong ĐDH vốn đầu tư, ngoài chủ đầu tư là nhà nước, còn có các tư nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các tổ chức tài chính, trung gian tài chính và các cá nhân hay các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế. Trong nền kinh tế hiện đại, các chủ thể này quan hệ bình đẳng và hoạt động tự chủ dưới sự dẫn dắt bởi các quy luật thị trường và có sự quản lý, giám sát của Nhà nước.