6. Cấu trúc của luận văn
1.3.2. Khái lược quá trình phát triển của Văn tế Nôm
Quá trình phát triển của văn tế Nôm từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX được chia làm ba giai đoạn:
Từ thế kỷ X - thế kỷ XVIII
những bài đầu tiên là Văn tế Nguyễn Biểu do Trần Trùng Quang soạn (giai
đoạn cuối nhà Trần - thế kỷ XIII). Theo Thi văn Việt Nam của Hoàng Xuân
Hãn. Trần Trùng Quang vốn dòng dõi nhà Trần, được Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị phò giúp, bèn nổi dậy chống quân Minh, đánh nhau với tướng nhà Minh là Trương Phụ. Trùng Quang cho Nguyễn Biểu sang thương thuyết cùng Phụ yêu cầu được tiến cử sang vua Minh để được cầu phong. Việc bất thành, Nguyễn Biểu mắng thẳng, vạch rõ dã tâm, âm mưu cướp nước của Phụ. Nguyễn Biểu được thả về nhưng bị ngầm hại, chết theo con nước ở cột cầu Lam, cạnh chùa Yên Quốc, Trùng Quang xót thương, tự tay làm bài văn tế này.
Thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX
Sang giai đoạn nhà Lê, những sáng tác bằng chữ Nôm ngày càng phong phú, số lượng tăng lên đáng kể, chất lượng cũng tăng lên vượt bậc so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt là sự thay đổi về quan điểm, cái nhìn về sự sống và cái chết của con người. Nếu văn học Lý, Trần; với Phật giáo là quan niệm “sinh ký tử quy” (sống ở thác về - thân xác là tạm bợ, chết là một phần của cuộc hành trình trong cõi vô thường của kiếp người); với Nho giáo, đó là tinh thần “sát thân thành nhân, xả sinh thủ nghĩa” (chết là sự hy sinh thân mạng để bảo toàn nghĩa lớn); với Đạo giáo, các bậc đạo sĩ tu tiên coi cái chết là sự tan biến của thân mạng là lẽ tự nhiên, sống là một cuộc du chơi, chết là sự trở về, do vậy không cần phải than khóc, buồn thương. Ba tư tưởng này, tuy có chỗ khác nhau song cùng chung một điểm là khắc kỉ với thân xác, coi cái chết là tất yếu và nếu cần thiết phải hy sinh vì những mục đích tinh thần tối thượng. Nói cách khác, những tư tưởng đó bên cạnh những ưu điểm, đều có hạn chế, bất cận nhân tình đối với con người với tư cách là một thực thể sống đầy cảm xúc. Nhưng đến giai đoạn này, văn học nói chung, văn tế Nôm nói riêng đã lên tiếng cho quyền sống, cho giá trị chữ “thân” của con người, từ đó thấy được giá trị nhân văn sâu sắc của văn tế Nôm giai đoạn này. Bên cạnh sự đổi
mới về nội dung, các thể thơ ca dân tộc cũng được vận dụng để sáng tác các bài văn tế giai đoạn này. Tiêu biểu có thể kể đến đại thi hào Nguyễn Du với những bài Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, Văn tế thập loại chúng sinh;
Nguyễn Hữu Chỉnh với Văn tế chị…Đặc biệt là Văn tế thập loại chúng sinh
đã góp phần đáng kể đưa văn tế Nôm giai đoạn này lên một tầm cao mới. Đó không phải là tiếng khóc của tác giả cho một đối tượng cụ thể, có vị thế lớn trong xã hội mà là tiếng khóc cho tất cả những con người thấp cổ bé miệng, lúc sống lam lũ vất vả, chịu nhiều thiệt thòi, đau đớn, lúc chết bơ vơ, không nơi nương tựa. Đó thật sự là tiếng khóc lớn, mang giá trị nhân đạo mới mẻ, sâu sắc. Bằng thể thơ song thất lục bát, kết hợp với nghệ thuật dùng từ, xây dựng hình tượng, thể hiện tâm trạng, giọng điệu,…Nguyễn Du đã nâng tiếng Việt lên một nấc thang mới, làm cho tiếng mẹ đẻ ngày một nghệ thuật hơn, cao quý hơn, đáng trân trọng hơn.
Đến giai đoạn Triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn, chính sự càng rối ren, nhân tâm càng li tán. Cảnh người, cảnh đời bị nhấn chìm trong kiếp nạn binh đao. Chiến tranh liên miên chết chóc nhiều. Tiếng khóc thương, nỗi ai oán được phản ánh đậm nét trong thơ văn, đặc biệt là Văn tế. Trong giai đoạn này, bên cạnh những bài văn tế “thường tình” (chữ dùng của Bùi Văn Nguyên) như Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái; Văn tế Lê Ngọc Hân của Phan Huy Ích; và cả bài Văn tế vua Quang Trung của Ngọc Hân công chúa. Nổi lên như một đề tài lớn của văn học thời kỳ này là hình ảnh, số phận của các tướng sĩ, những con người mà cả số phận gắn liền với hòn tên mũi đạn, mấy phen nhọc nhằn, một đời lao khổ lại được phản ánh nhiều trong thi ca, đặc biệt là văn tế. Tiêu biểu cho đề tài này là những bài Văn tế tướng sĩ trận vong và Văn
tế tướng sĩ rằm tháng bảy của của Phan Huy Ích. Bài thứ nhất được tác giả dành tặng, khóc thương cho những nghĩa sĩ triều đại Tây Sơn giai đoạn đầu, bài thứ hai viết cho triều Gia Long giai đoạn sau. Đó thật sự là những viên
ngọc quí, đặt nền tảng vững chắc cho văn tế Nôm phát triển rực rỡ trong giai đoạn sau.
Nửa cuối thế kỷ XIX
Đến giai đoạn này, văn tế Nôm đã kế thừa một cách chọn lọc về nội dung và nghệ thuật so với các giai đoạn trước đó. Có thể nói, đây là thời kỳ rực rỡ nhất, đạt nhiều thành tựu nhất về qui mô và giá trị của văn tế Nôm thời trung đại, là thời kỳ diễn ra sự hòa hợp sâu sắc về tư tưởng, ngôn ngữ nghệ thuật giữa văn tế Nôm với đời sống nhân dân, vận mệnh dân tộc. Nếu giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, như đã nói ở trên, văn tế Nôm đã lên tiếng cho quyền sống, cho giá trị chữ “thân” của con người, song hầu hết mới chỉ là tiếng khóc của cá nhân dành cho cá nhân. Còn đến giai đoạn này, không chỉ là tiếng khóc của cá nhân dành cho cá nhân mà đó còn là tiếng khóc chung cho cả dân tộc trong cảnh nước mất nhà tan, dân làm nô lệ. Điều này cũng xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử, đối tượng được tế của văn tế Nôm giai đoạn này. Bên cạnh đối tượng được tế là những anh hùng nghĩa sĩ, những con người vô danh trong xã hội, văn tế Nôm giai đoạn này còn “tế” (thực chất là cười, là mỉa mai, lên án tố cáo) bọn thực dân cướp nước và bè lũ bán nước tay sai, cùng những thói hư tật xấu trong xã hội đương thời. Về nghệ thuật, nếu như ở giai đoạn trước, văn tế Nôm còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ thi pháp văn tế Trung Quốc như tính khuôn mẫu về ngôn ngữ, điển tích điển cố, biện pháp tu từ…, thì đến giai đoạn này mặc dù chủ yếu vẫn được viết theo thể phú Đường luật, song văn tế Nôm đã được dân tộc hóa, dân chủ hóa cả về nội dung và nghệ thuật. Từ đối tượng, cảm hứng đến ngôn ngữ, nghệ thuật xây dựng hình tượng, giọng văn. Điều này, chúng tôi sẽ làm sáng tỏ trong chương 2 và chương 3 của luận văn.