Kích kẻ thù cùng bè lũ tay sai

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn tế nôm nửa cuối thế kỷ XIX (Trang 51 - 56)

6. Cấu trúc của luận văn

2.3.1. kích kẻ thù cùng bè lũ tay sai

Văn tế giai đoạn này không chỉ khóc thương cho những anh hùng nghĩa sĩ đã hi sinh vì nền độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; không chỉ khóc thương cho những người thân xấu số thiệt phận, cho những người thân lam lũ vất vả nhọc nhằn… mà còn là tiếng khóc trào phúng thâm thúy sâu cay. “Khóc” (thực chất là cười, là mỉa mai châm biếm, lên án) kẻ xâm lược bị quân ta tiêu diệt (Văn tế Ri – vi – e của Nguyễn Khuyến); cho tên việt gian đi đời nhà ma (Bài điếu tên chó săn Nguyễn Duy Hàn – Khuyết danh); để vạch trần chính sách cai trị, bóc lột dã man của thực dân, phong kiến tay sai (Văn tế

Chỉ bằng một đoạn văn ngắn, Nguyễn Khuyến đã vẽ lên bộ mặt thật của một tên cướp nước:

“Nhớ ông xưa:

Mắt ông xanh lè, mũi ông thò lõ, Đít ông cưỡi lừa, mồm ông huýt chó, Nhà ông bày toàn những chai.

Vườn ông trồng toàn những cỏ.”

(Văn tế Ri – vi – e, Nguyễn Khuyến)

Qua cái nhìn của Nguyễn Khuyến, tên giặc này xuất hiện giống như một con quái vật, hung dữ vô cùng. Cho nên, việc “ông vào làng Mật, để dẹp

Cờ đen, cho yên con đỏ” (thực chất là để giết hại nhân dân), ông bị tiêu diệt,

bị chặt đầu, thật là xứng tội:

“Ai ngờ nó giết chết ông, Nó mang đầu ông đi, Nó bỏ xác ông đó”.

(Văn tế Ri – vi – e, Nguyễn Khuyến)

Ông chết đi rồi mà bản chất thú tính tham lam của ông vẫn còn đó, chúng tôi vẫn luôn nhớ về ông, coi ông như thế:

“Chúng tôi vâng lệnh triều đình, Tế ông: Chuối một buồng,

Trứng một ổ. Ông ăn cho no, Ông nằm cho yên.”

(Văn tế Ri – vi – e, Nguyễn Khuyến)

Kết thúc bài văn tế, thay bằng lời thương xót là tiếng chửi trực diện:

“Khốn nạn thân ông! Đéo mẹ cha nó!”

Trong Bài điếu tên chó săn Nguyễn Duy Hàn, tác giả đã dựng lại chân dung một tên bán nước hại dân trong ngoài bất nhất. Bề ngoài tỏ ra oai phong lẫm liệt, một kẻ sĩ vì dân vì nước, một “góc trời đỏ rực”, “mặt đất sấm vang”, sinh ra trong một “làng văn vật, dòng thi thư”,“đỗ cử nhân”,

làm đến chức “tuần phủ Thái Bình”…Song bên trong lại là một tên “tiểu nhân đắc chí chi thời”, “cướp của giết người”, “miệng lắp đồ le, đít xòe dáng vại”, đỗ cử nhân là do “chó ngáp phải ruồi” để rồi hại dân hại nước:

“Đỏ như vông, đông như tiết, nhờ máu mạnh nhi đưa đi; Cơm là gạo, áo là tiền, đầy túi tham chi thắt lại.

Được thể dễ nói khoác, hết phủ huyện nhi đỗ hồ; Càng quen lèn cho đau, nhè thân hào nhi giở mặt”.

(Bài điếu tên chó săn Nguyễn Duy Hàn – Khuyết danh) Trong Văn tế vụ xin sưu, tác giả đã xây dựng hai bức tranh đối lập: tận cùng dưới đáy xã hội là cảnh lầm than nô lệ của những người dân chân lấm tay bùn ăn đói mặc rách, bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Tất cả chỉ vì nạn sưu cao thuế nặng:

“Tội, tội, tội, đặt mâm xuống, khoai chất lẫn rau; Khổ, khổ, khổ, rương đũa lên, cơm van không muối.

Chồng cũng cày năm ba vạt ruộng, thuế ngày nộp mà làm chẳng thấy ăn; Vợ cũng chạy ba bốn cửa hàng, sưu tăng mãi mà lời không thấy ngọi.

Thương một nỗi, hôm nay chực đình, hôm mai canh điếm, mò cả đêm như vạc khắc canh; Thương một bề, buổi tay gánh đá, buổi tay đào sông, chạy cả ngày như chó phải lói”.

(Văn tế vụ xin sưu – Khuyết danh) Đối lập hình ảnh nhân dân đói khổ lầm than là bọn thống trị thực dân Pháp, cùng phong kiến tay sai. Chúng ra sức vơ vét sức người, sức của của nhân dân:

“Quân Tây kia chỉ một lòng tham; Ôi dân ôi! Thịt thơm nuôi chó, lúa gạo nuôi lừa, người Nam ấy trách chi không tội.

Sao không thấy ba anh chức sắc nay hiểu thị, mai hiểu thị, sắc dễ nên trui; Sao không trộ mấy đứa nhà giàu, người phạt bạc, kẻ phạt tiền, giàu kia cũng đói.”

(Văn tế vụ xin sưu - Khuyết danh) Nghệ thuật lên án, tố cáo kẻ thù trong Văn tế cây Trôi của Nguyễn Hữu Xước có sắc thái độc đáo, kín đáo. Tác giả không hề đao to búa lớn, cả bài văn tế là một hình tượng ẩn dụ về Cây Trôi trước và sau trận hồng thủy. Trước đó là một cây Trôi cổ thụ cao lớn, cành lá xum xuê, đem lại giá trị lớn lao về vật chất và tinh thần cho quê hương:

“Nhớ trôi xưa:

Cây cả hơn bồ; cành to bằng cối. Lớn hết ai ôm; cao không kẻ với. Muôn giống dây leo; tứ bề u nổi.

Chống giời rũ xuống lòa xòa; đạp đất đứng lên vọi vọi.

Dẻo dai gan sắt, trải xuân thu những mấy trăm năm; súc sỉu da mồi kể Giáp Tý biết bao nhiêu tuổi.

Lời ca, vịnh vào hàng thánh triết, há bất tài mà được sống lâu; câu ví, đem sánh vào bậc thế thần, phải vô dụng chi mà thác vội.

Mấy đạo trồng sương trổ tuyết, cắm tiêu lên cho thiên hạ quan chiêm; đòi phen quạt nắng che mưa, ghé bóng lại để hương thôn tụ hội.

Ong giữa mùa xuân vui vẻ, cánh cắp hoa bay tới lừng lừng; trẻ đang tiết hạ sum vầy, dùi ném quả vứt lên thụi thụi.

Những ước bền quai dai cuống, trong làng cũng một cảnh xinh thay; càng mong rậm lá xây cành, trên đất hãy muôn đời rắn rỏi”.

Ấy thế mà, chỉ qua một trận đại hồng thủy, tất cả đã mất sạch sành sanh, chỉ còn lại một cây Trôi chết tang thương trong nỗi tiếc thương của mọi người và muôn vật:

“Thương ôi!

Muôn kiếp cây trôi, đôi dòng nước sối.

Chua xót lòng hoa dạ cỏ, sầu năm canh đồng nội dế kêu; sụt sùi bác gió thầy mưa, khóc ba tháng đường đi bùn lội.

Chim nhớ tổ bay qua bay lại, con rỉa lông con đập cánh lung tung; kiến tiếc hang leo xuống leo lên, lũ cắp trứng lũ tha mồi tủi hủi.

Đau lòng khôn cất mặt, dãy tre làng cúi mãi xuống cong cong; xót ruột phải trằn mình, đoạn đường cái nằm dài ra thuội thuội.”

(Văn tế cây Trôi - Nguyễn Hữu Xước)

Trong Văn học quốc ngữ nửa sau thế kỷ XIX của Lại Văn Hùng, soạn giả ghi chú thích (8,9): Năm Dần (tức năm Bính Dần 1866), năm Tý (tức năm

Giáp Tý 1864, vì năm đó ở Nghệ Tĩnh có bão lớn. Như vậy, bài văn tế cây trôi có lẽ được sáng tác vào những năm 1868 đến 1873) [235; 18], thời gian này

thực dân Pháp đã xâm lược nước ta; căn cứ vào những hình ảnh ẩn dụ của bài văn (chống giời, đạp đất, dẻo dai, muôn kiếp, chua xót, sầu năm canh, Đau

lòng khôn cất mặt, dãy tre làng cúi mãi xuống cong cong; xót ruột phải trằn mình, đoạn đường cái nằm dài ra thuội thuội …), chúng ta có thể khẳng định

rằng, tác giả dùng hình tượng cây trôi để nói về đất nước, con người Việt Nam trước và sau khi thực dân Pháp xâm lược. Trước kia là vẻ đẹp thanh bình với bao nét đẹp về vật chất và tinh thần, là niềm tự hào của biết bao thế hệ, từ khi thực dân Pháp tràn tới đã cướp đi tất cả, để lại một cảnh tượng tang thương. Tất cả đã thể hiện nỗi đau đớn, xót xa cho dân tộc, nỗi căm hận kẻ thù thầm kín, mãnh liệt của tác giả qua bài văn tế.

Có thể nói, những bài văn tế Nôm trào phúng giai đoạn này thực sự đã trở thành một thứ vũ khí sắc bén nhằm tấn công kẻ thù cùng bè lũ tay sai, góp

phần lên án, vạch trần bản chất cướp nước và bán nước của chúng. Đồng thời như những tiếng kèn đồng cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng kẻ thù của nhân dân ta, dân tộc ta.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn tế nôm nửa cuối thế kỷ XIX (Trang 51 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)