Truyền thuyết ở Chi Lăng, Lạng Sơn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội dân gian ở chi lăng lạng sơn (Trang 25 - 26)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.1. Truyền thuyết ở Chi Lăng, Lạng Sơn

Văn học dân gian luôn có xu hướng “hiện đại hóa tác phẩm”[2, tr.45]. Mà hơn thế nữa “Trong bối cảnh hiện đại, văn học dân gian có mối quan hệ chặt chẽ với văn học quần chúng”[1, tr.19-20]. Khi nghiên cứu văn học dân gian ở Chi Lăng, không thể bỏ qua mảng truyền thuyết về vùng đất và con người nơi này. Truyền thuyết là tấm gương phản chiếu muôn mặt phong phú và đa dạng của đời sống nhân dân, “Truyền thuyết sở dĩ có giá trị vì nó đã bổ sung vào chính sử những chi tiết nhiều khi rất chân thực, làm rõ tính cách nhân vật, vai trò, vị trí những nơi xảy ra sự kiện”[46, tr.14]. Chi Lăng - cái tên nơi mà từng tấc đất, từng tên núi, tên hang, tên động, tên suối, tên đình, tên đền, tên chùa ở nơi đây đều gắn chặt với những câu chuyện, gắn với những chiến công lịch sử oai hùng chống giặc, thắng giặc ngoại xâm của dân tộc. Những câu chuyện truyền thuyết ở nơi đây được kể từ đời này sang đời khác với nội dung, chủ đề như: Truyền thống đánh giặc giữ nước, công khai sơn phá thạch tạo dựng đời sống văn hóa cho cộng đồng. Chi Lăng có một vị trí địa lí chiến lược hiểm yếu. Đặt biệt, các yếu tố về điều kiện tự nhiên, xã hội, đời sống văn hóa và truyền thống lịch sử, con người Chi Lăng hiền hòa, sống giàu tình nghĩa là nguồn cảm hứng cho biết bao câu chuyện truyền thuyết sinh động, hấp dẫn.

Trong quá trình làm đề tài này, chúng tôi đã tiến hành thu thập và khảo sát từ những tư liệu địa phương đến tư liệu lưu hành trên toàn quốc. Nguồn tư liệu mà chúng tôi sử dụng để khảo sát truyền thuyết gồm cuốn sách “Kỳ tích Chi Lăng”[42], trong cuốn sách này chúng tôi thu thập được 52 truyện, Ở các cuốn “Chi Lăng lịch sử”[26], “Ai lên xứ Lạng”[46], chúng tôi sưu tầm được thêm 13 truyền thuyết.

Trong quá trình đi sưu tầm truyền thuyết ở Chi Lăng, chúng tôi có tìm hiểu, tiếp cận với những cụ cao tuổi, những người am hiểu về lịch sử văn hóa ở địa phương. Qua đó, chúng tôi có được 10 truyền thuyết như sau:

- Sự tích về Hòn Đá Dấu Trẻ

- Chuyện người anh hùng họ Lương ở đình Tháng Một - Chuyện về di tích đền Cao Đức Thánh Cả

- Chuyện về đền Chầu Năm Suối Lân - Truyền thuyết về đền Chầu Bát

- Truyền thuyết về ngôi đền Chầu Mười - Chuyện ở Đình Làng Mỏ và Đền Cấm - Chuyện về Chùa Nái và đền Quan Nàng - Chuyện về ngôi đền Quán Nàng

- Chuyện về ngôi đền Quỷ Môn quan

Như vậy, cho đến thời điểm này, dựa vào những nguồn tư liệu trên, chúng tôi đã thống kê được hơn 75 truyền thuyết ở vùng Chi Lăng. Có thể đây chưa phải là một con số đầy đủ và so sánh với các thể loại khác của văn học dân gian ở Chi Lăng thì đây là một con số không nhỏ. Với số lượng truyền thuyết như trên đã thể hiện sự phong phú trong vốn văn học dân gian ở Chi Lăng, Lạng Sơn. Quá trình chúng tôi tìm hiểu và sưu tầm truyền thuyết ở Chi Lăng chúng tôi nhận thấy những truyền thuyết qua lời kể của những người dân được hư cấu, sáng tạo sinh động, hấp dẫn. Họ kể lại những câu chuyện một cách nhiệt tình, say sưa, ngôn ngữ kể có khả năng biểu đạt cao. Do vậy, việc sưu tầm những bản kể ấy có ý nghĩa thiết thực góp phần phản ánh sức sống của truyền thuyết trong thời hiện đại, người dân nơi đây luôn yêu mến và tự hào về mảnh đất Chi Lăng anh hùng, giàu truyền thống văn hóa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội dân gian ở chi lăng lạng sơn (Trang 25 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)