4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
1.2.3. Tổng quan một số nghiên cứu có liên quan
Sinh kế là một đề tài được nhiều nơi trên thế giới cũng như trong nước quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay người nông dân chịu sự tác động lớn từ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, sự tác động của các khu công nghiệp, sự chênh lệch giàu nghèo, hội nhập kinh tế, sự biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố khác.
Từ trước đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, bài viết đi sâu phân tích về hoạt động sinh kế của người dân, đặc biệt chú ý đến đời sống của cư dân nghèo khổ. Ý tưởng nghiên cứu về sinh kế xuất hiện nhiều trong các công trình nghiên cứu của nhiều tác giả. Các tác giả đều cho rằng khái niệm sinh kế bao hàm nhiều yếu tố ảnh hưởng đến đời sống của cá nhân cũng như từng hộ gia đình. Hiện nay, các đề tài liên quan đến hoạt động sinh kế và bàn về cách thức để xây dựng mô hình sinh kế bền vững cũng vô cùng phong phú. Những câu hỏi tại sao, phải làm như thế nào vẫn đang tìm câu trả lời. Làm thế nào để lựa chọn một sinh kế bền vững, hay nguyên nhân dẫn đến nghèo đói là gì?,…
Theo Trần Tiến Khai và Nguyễn Ngọc Danh (2012), khái niệm tài sản sinh kế rất mềm dẻo và tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể của địa phươngnơi áp dụng. Trong đó, vốn tự nhiên ám chỉ các nguồn lực tự nhiên mà con người có thể sử dụng cho cuộc sống. Vốn tự nhiên rất đa dạng, có thể hữu hình hay vô hình, hoặc dưới dạng hàng hóa công như khí hậu, sinh quyển làm nền tảng cho sản xuất. Vốn tự nhiên có thể được biểu thị bằng các chỉ báo khác nhau như diện tích đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, độ phì nhiêu của đất đai, khả năng được tưới, khả năng tăng vụ, trữ lượng cá, trữ lượng tài nguyên rừng,... Vốn vật chất bao gồm cơ sở hạ tầng cơ bản và các tài sản vật chất cần thiết cho sinh kế. Cơ sở hạ tầng là hệ thống giao thông thuận tiện, nhà ở tốt và được bảo đảm, điều kiện vệ sinh môi trường và cung cấp nước sạch tốt, sử dụng năng lượng sạch và thuận tiện, dễ dàng tiếp cận thông tin truyền thông bằng các phương tiện máy móc thiết bị. Ngoài ra hàng hóa vật chất cho sản xuất như công cụ, thiết bị cũng là các chỉ báo quan trọng. Vốn tài chính ám chỉ đến các nguồn lực tài chính mà hộ gia đình có thể tiếp cận và sử dụng để
đạt được mục đích sinh kế của họ. Hai nguồn vốn tài chính chủ yếu của hộ gia đình là nguồn lực dự trữ và dòng tiền vốn lưu động. Tiền gửi tiết kiệm, dự trữ tiền mặt, tài sản có tính thanh khoản cao như vàng bạc đá quý-gia súc lớn, lương hưu, hay các khoản tiền hỗ trợ từ nhà nước, và tiền gửi của người thân từ nơi khác là những chỉ báo phù hợp. Vốn xã hội chính được hiểu chính là các quan hệ hay sự kết nối giữa cá nhân hay hộ gia đình và các tổ chức, các mạng lưới xã hội. Vốn xã hội có thể được chỉ thị bằng các chỉ báo cụ thể như thành viên của các tổ chức, nhóm, mạng lưới, các đặc quyền có được, vị trí xã hội,...
Từ những khái niệm trên, đã có nhiều nghiên cứu cải thiện sinh kế theo hướng bền vững. Theo tác giả Ngô Quang Sơn (2014), có thể cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số cần gắn với tri thức bản địa bằng các biện pháp như: (1) tuyên truyền giáo dục, vận động nâng cao nhận thức; (2) xây dựng chính sách cải thiện sinh kế phù hợp với văn hóa, tri thức bản địa; (3) chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với văn hóa, tri thức bản địa; (4) xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín của dân tộc thiểu số; (5) xây dựng mô hình phát triển sinh kế bền vững dựa trên tiềm năng các tri thức bản địa.
Còn theo tác giả Vũ Thị Thanh Minh (2014), để cải thiện sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta cần đặc biệt chú ý vấn đề bảo vệ môi trường, vì (1) tài nguyên môi trường rừng đang bị tàn phá, (2) tài nguyên đất, nước bị suy giảm, ô nhiễm, (3) môi trường không khí bị ô nhiễm, (4) vệ sinh môi trường nông thôn kém, (5) các sự cố môi trường gia tăng.
Theo Phạm Đăng Định (2015), hoạt động sinh kế của cộng đồng nông dân tại các xã Vĩnh Kiên và Phúc An (thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) gồm trồng trọt (sắn, lúa, ngô), lâm nghiệp (keo, bạch đàn), chăn nuôi (lợn, trâu, bò, cá,...) và phi nông nghiệp (chế biến tinh bột sắn ướt, chế biến gỗ dán, đan rọ tôm, buôn bán,...).
Trước hết, trong bối cảnh hiện nay cả nước chỉ còn thực hiện 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, do đó xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững đang trở thành nội dung quan trọng trong triển khai hai Chương trình Mục tiêu quốc gia của Chính phủ Việt Nam. Bởi vậy, hơn lúc nào hết thu nhập của hộ gia đình nông thôn, nhất là nông dân đang trở nên một vấn đề đã và đang được nhiều công trình nghiên cứu đề cập. Sau đây là một số vị dụ điển hình:
Tác giả Nguyễn Tiến Dũng, Bùi Văn Trịnh và Phan Thuận (2014) đã tiến hành nghiên cứu một đề tài nhằm tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân trồng lúa ở Cần Thơ. Đề tài đã tiến hành khảo sát 190 hộ gia đình trồng lúa thuộc các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai thuộc thành phố Cần Thơ để phân tích mức độ ảnh hưởng của ngành trồng lúa đến thu nhập của nông hộ. Các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu này là thống kê mô tả và hồi quy đa biến. Kết quả cho thấy, thu nhập của người trồng lúa vẫn còn thấp. Nghiên cứu cũng xác định các yếu tố như diện tích canh tác, chi tiêu sản xuất, giá lúa, sản lượng lúa và giới tính ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến thu nhập của người trồng lúa ở Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Nhìn chung, thu nhập của bà con nông dân trồng lúa ở Cần Thơ vẫn còn thấp so với thu nhập bình quân của thành phố. Nghiên cứu còn cho thấy các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng lúa như diện tích đất canh tác, chi tiêu cho sản xuất, giá lúa, sản lượng lúa và giới tính chủ hộ. Phát hiện này không chỉ có sự thống nhất với các nghiên cứu trước đó mà còn bổ sung thêm các yếu tố đầu ra ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân trồng lúa. Điều này cho thấy, những phát hiện của nghiên cứu cung cấp thêm bằng chứng thuyết phục về các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng lúa ở Cần Thơ hiện nay. Đồng thời, qua phân tích kết quả khảo sát, nghiên cứu đã cho thấy rằng, người nông dân trồng lúa vẫn chưa thật sự an tâm để làm giàu cho bản thân trên mảnh ruộng quê hương bởi vì giá lúa luôn bấp bênh và năng suất lúa thường không ổn định.
Trong điều kiện hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh cũng khiến cho người nông dân mất đất màu mỡ để sản xuất nông nghiệp, diện tích đất canh tác bị thu hẹp đã làm giảm năng suất lúa. Kết quả là thu nhập của người trồng lúa giảm.
Còn tác giả Nguyễn Lan Duyên (2014) đã sử dụng phương pháp bình phương bé nhất (OLS) để ước lượng mô hình hồi quy nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ ở tỉnh An Giang trên cơ sở hệ thống dữ liệu sơ cấp thu thập từ 598 nông hộ được chọn ngẫu nhiên. Kết quả ước lượng cho thấy các yếu tố như trình độ học vấn, diện tích đất, thời gian sống tại địa phương, khoảng cách từ nơi ở đến đô thị, lượng vốn vay, lãi suất và số lao động có ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ ở An Giang. Kết quả cũng cho thấy nhiều lao động trong độ tuổi vẫn còn sống phụ thuộc, làm giảm thu nhập bình quân đầu người của hộ. Bên cạnh đó, nông hộ sống càng gần đô thị thì sẽ có cơ hội cải thiện thu nhập bởi có thể bán được sản phẩm trực tiếp với giá cao hơn trong khi chi phí vận chuyển, bảo quản thấp hơn, đồng thời có thể tham gia các hoạt động phi nông nghiệp để làm tăng thu nhập. Từ kết quả nghiên cứu và thực tế ở An Giang, nghiên cứu có một số khuyến nghị nhằm nâng cao thu nhập của nông hộ như sau: Nhà nước cần phát triển hệ thống trường lớp ở nông thôn với nhiều hình thức (thường xuyên, không thường xuyên, ngắn hạn,…) và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân (đặc biệt là các chủ hộ trẻ tuổi) đến học để nâng cao trình độ. Cần tạo việc làm cho họ thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, chú trọng những sản phẩm có giá trị cao và có tiềm năng xuất khẩu. Tạo điều kiện khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống ở nông thôn, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các thị tứ, thị trấn hay các cụm tuyến dân cư (vượt lũ). Cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của mọi người trong việc mỗi người cố gắng học lấy một nghề. Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, kết nối trung tâm hành
chính xã, thị trấn, thị xã với nông hộ nhằm phục vụ cho việc vận chuyển sản phẩm dễ dàng và nhanh chóng đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Triển khai các biện pháp để hỗ trợ, tạo mối liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành nghề,… trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện để tổ hợp tác, hợp tác xã đổi mới nội dung hoạt động, mở rộng quy mô, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Xây dựng các khu chợ nông thôn và chợ đầu mối ở các vùng và tiểu vùng sản xuất nông sản tập trung. Đồng thời, nhà nước cần hỗ trợ các tổ chức tín dụng có sự tham gia của nông dân (Quỹ tín dụng nhân dân, Hợp tác xã tín dụng, nhóm tiết kiệm của nông dân và các hình thức hỗ trợ vốn do các tổ chức đoàn thể lập ra,...) để hỗ trợ nông dân. Ngân hàng Nhà nước cần triển khai thực hiện tốt Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các hướng dẫn thực hiện của ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các hình thức cho vay tín chấp đối với nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, cần quan tâm đến chính sách cho vay với kỳ hạn linh động hơn và thủ tục đơn giản hơn. Chính phủ cần xem xét việc chuyển tiền hỗ trợ mua lúa tạm trữ từ doanh nghiệp sang nông hộ để nông hộ có thêm vốn sản xuất, đầu tư phương tiện bảo quản sản phẩm và không bị ép giá bởi các trung gian (thương lái) hay đôi khi chính các doanh nghiệp. Đoàn thể cần phát huy vai trò của mình trong việc thành lập các quỹ hỗ trợ sản xuất, tổ (nhóm) vay vốn để hỗ trợ các thành viên trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nông hộ cần tính toán đến việc tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn để tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận tín dụng, qua đó giúp làm tăng thu nhập.
Trong một công trình nghiên cứu của mình, tác giả Chu Thị Kim Loan và Nguyễn Văn Hướng (2015) đã khái quát thực trạng nguồn lực và ảnh hưởng của chúng tới thu nhập của nông hộ tỉnh Thanh Hóa qua kết quả điển cứu tại hai huyện Hà Trung và Thọ Xuân. Kết quả nghiên cứu được tổng hợp chủ yếu từ số
liệu điều tra của 80 nông hộ, phương pháp phân tích chính là thống kê mô tả và hồi qui đa biến. Nghiên cứu cho thấy chất lượng lao động, qui mô đất đai và lượng vốn của các nông hộ điều tra còn ở mức thấp. Thu nhập của nông hộ ở mức bình quân 72 triệu đồng/năm, đặc biệt thu nhập từ tiền lương, tiền công đóng góp một tỷ lệ khá cao trong tổng thu nhập của hộ. Các nguồn lực của nông hộ như qui mô đất sản xuất, số lượng và trình độ học vấn của lao động, giá trị phương tiện sản xuất tỷ lệ thuận với thu nhập của hộ, trong đó qui mô đất sản xuất có ảnh hưởng lớn nhất. Ngoài ra, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, giới tính của chủ hộ và vị trí địa lý cũng có tác động tới thu nhập của nông hộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn lực lao động, qui mô đất đai và nguồn vốn của các nông hộ điều tra còn ở mức tương đối thấp. Trung bình, một nông hộ có 3,2 lao động với trình độ tốt nghiệp phổ thông cơ sở, 7.758 m2 đất và 41,6 triệu đồng tiền vốn. Thu nhập của nông hộ ở mức bình quân khoảng 72 triệu đồng/hộ/năm; điều đáng chú ý là thu nhập từ tiền lương, tiền công đóng góp một tỷ lệ khá cao trong tổng thu nhập của nông hộ. Hệ số ước lượng của các biến nguồn lực như qui mô đất sản xuất, số lượng và trình độ học vấn của lao động, giá trị phương tiện sản xuất của nông hộ mang dấu dương và có ý nghĩa thống kê; trong đó qui mô đất sản xuất có ảnh hưởng lớn nhất tới thu nhập của nông hộ. Điều này ngụ ý nông hộ có thể cải thiện các nguồn lực này để tăng thu nhập. Do vậy, chính quyền địa phương nên tiếp tục khuyến khích nông hộ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch đất đai và phát triển ngành nghề. Những nông hộ có thế mạnh về các ngành nghề phi nông nghiệp có thể chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thu nhập từ ngành này và chuyển dịch đất đai cho các nông hộ khác canh tác. Đồng thời, công tác giáo dục và đào tạo cũng nên được tăng cường hơn, không chỉ với các nông dân hiện tại mà cả thế hệ học sinh, thanh niên - những công dân tương lai đóng góp nhiều vào thu nhập của nông hộ ở địa phương. Ngoài ra, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay cũng có tác động tới thu nhập của nông hộ. Vì thế, thúc đẩy phát triển thị trường tín dụng nông thôn cũng
là điều cần thiết để tăng cơ hội cho nông hộ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý và thủ tục đơn giản, từ đó nâng cao thu nhập.
Còn theo tác giả Lê Đình Hải (2017), trong công trình nghiên cứu về thu nhập của nông hộ tại huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội), tác giả cho biết: Việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập hỗn hợp của của các nông hộ trên địa bàn huyện Ba Vì, TP. Hà Nội là rất cấp thiết bởi vì nó là cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho nông hộ trên địa bàn nghiên cứu. Để đạt mục tiêu nghiên cứu, trong nghiên cứu này, tác giả đã tiến hành khảo sát trực tiếp 60 hộ nông dân trên địa bàn huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Kết quả phân tích mô hình hồi quy tuyến tính đa biến đã chỉ ra được 3 nhân tố có ảnh hưởng một cách đáng kể đến thu nhập hỗn hợp của nông hộ trên địa bàn nghiên cứu, bao gồm: (1) Qui mô vốn vay, (2) Diện tích đất của nông hộ, (3) Áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Kết quả nghiên cứu có thể làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao thu nhập hỗn hợp cho các nông hộ trên địa bàn huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, bao gồm các nhóm giải pháp sau đây: (i) Tạo vốn cho hộ nông dân; (ii) Giải quyết và điều chỉnh quan hệ ruộng đất; (iii) Tăng cường công tác khuyến nông và tập huấn kỹ thuật cho hộ nôngdân. Từ đó tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao thu nhập