3.5.1. Thuận lợi.
- Công nghiệp ôtô là ngành dẫn dắt sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ và vì vậy, cũng là ngành có ảnh hưởng lớn đến phát triển công nghiệp và của nền kinh tế nói chung. Điều này phù hợp với hoàn cảnh của VN, nhất là khi chúng ta đang thực hiện chủ trương CNH, HĐH và tiến tới trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa vào năm 2020.
- Sản phẩm ô tô sẽ ngày càng thông dụng và trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân. Một quốc gia được coi là bước vào giai đoạn "motorization" (ô tô hóa) khi trung bình có trên 50 ô tô/1.000 dân. Hiểu theo nghĩa rộng, motorization
là quá trình ô tô trở nên phổ biến và trở thành phương tiện thiết yếu của người dân khi thu nhập được nâng cao. Hiểu theo nghĩa hẹp, đó là thời kỳ bùng nổ nhu cầu sở hữu và sử dụng dòng xe du lịch dưới 9 chỗ
Năm 2010, số lượng xe/1.000 dân của Việt Nam là 18,7; năm 2012 là 22,5. Những con số đó cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn trước của motorization. Cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập bình quân/người sẽ ngày càng gia tăng; hạ tầng giao thông ngày một phát triển và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Có thể khẳng định rằng, giai đoạn motorization chắc chắn sẽ xảy ra tại Việt Nam trong giai đoạn bắt đầu trong khoảng từ năm 2020 đến năm 2025, khi trung bình có trên 50 xe/1.000 dân; GDP/người >3.000 USD.Đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt mức cao khoảng 800-900 nghìn xe/năm. Dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trưởng mạnh, chiếm trên 70% thị trường. Dòng xe tải, xe buýt sẽ dần bão hòa, thị phần sẽ giảm dần từ sau 2010.
- Tác động của ngành công nghiệp ôtô đến cán cân thương mại quốc gia, cụ thể: Nếu Sản phẩm ôtô sẽ ngày càng thông dụng mà không có ngành sản xuất ôtô thì dự báo trung bình với nhu cầu ôtô của nước ta năm 2025 khoảng 800 -900 ngàn xe và năm 2030 khoảng 1,5 -1,8 triệu xe thì sẽ tốn khoảng 12 tỉ USD để nhập khẩu xe vào năm 2025 và 21 tỉ USD/năm vào năm 2030.
Đó là chưa tính đến những yếu tố khác như tạo công ăn việc làm, thu ngân sách. Dù được xem là yếu kém, nhưng công nghiệp sản xuất ô tô VN đã đóng góp cho ngân sách thông qua các loại thuế tính trong năm 2009 là 10.358 tỉ đồng và 2010 là gần 8.000 tỉ đồng; đã tạo việc làm cho hơn 52.400 lao động với mức lương bình quân 4,1 triệu đồng/người/tháng, chưa kể các đóng góp về thuế và việc làm do hệ thống đại lý và các nhà cung cấp của các DN sản xuất trong ngành mang lại. Xuất khẩu phụ tùng hàng năm cũng mang lại giá trị kim ngạch khoảng 1,5 - 2 tỉ USD trong những năm gần đây.