Hình ảnh gần gũi, chân thực và sống động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách tiểu thuyết trần chiến (Trang 89 - 95)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Hình ảnh gần gũi, chân thực và sống động

Trước hết, là các hình ảnh lớn, có tính đại diện, mang tính cộng đồng. Về phương diện này, cả ba tiểu thuyết đều đề cập đến hình ảnh gia đình một cách cụ

thể, gần gũi và chân thực. Ở tiểu thuyết Bốn chín chưa qua là một mô hình gia

đình nông thôn với những bất ổn mà ban đầu thuộc về phía người chồng. Sự tham lam của anh Toán khiến mô hình gia đình của anh mở rộng, dù sự mở rộng về phía sau chưa được pháp lí ở quê hương công nhận. Chính vì thế, cái được gọi là gia đình của Toán trong vùng đất mới Tây Nguyên có rất nhiều ảnh thờ:

ảnh thờ bố mẹ Toán, ảnh thờ bố mẹ Xuyên, ảnh thờ bố mẹ Thơm, ảnh thờ chồng của Thơm, ảnh thờ của Xuyên. Về các con, Toán có đủ cả cấu trúc “con anh, con tôi, con chúng ta”, bao gồm: thằng Téo (Minh), cái Tèo (Mẫn) là con của Toán, thằng Lâm là con của Thơm và cái Thúy là con của Toán và Thơm. Nhưng cuối cùng Toán cũng ra đi mà nguyên nhân do chính anh kết luận: “Chết vì đã sống quá nhiều”. Đây là một mô hình gia đình không mới trong xã hội nông thôn Việt Nam từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ XX. Sự vận động của mô hình này khiến cho chúng ta cảm thấy những con người như Toán, Xuyên, Thơm vừa đáng giận lại vừa đáng thương. Nó phán ánh một thực trạng xã hội sau khi Đất nước tiến hành công cuộc đổi mới.

Hình ảnh gia đình trong tiểu thuyết Đèn vàng là một gia đình trí thức thủ

đô thời kinh tế thị trường đã xâm lấn gần như trọn vẹn nền kinh tế hàng hóa tập trung bao cấp. Vĩnh là một nhà báo yêu nghề nhưng tình yêu nghề của anh lại không dễ chia sẻ một cách ngọn ngành và cảm xúc với Trâm. Cuộc sống, nghề nghiệp đã đưa Vĩnh đến với những cơ hội khác, trong đó có Lạc Thư. Lạc Thư và Vĩnh có mối đồng cảm khá sâu sắc trong nghề nghiệp. Cả hai đều trọng tình nghĩa, không quá nặng nề về kinh tế. Lạc Thư đã bỏ chồng và một mình nuôi

đứa con gái vì chồng của cô quá thực dụng, can thiệp cả vào những tình cảm

thiêng liêng của Thư. Vĩnh may mắn hơn, Trâm làm kiểm toán nhưng rất biết chăm lo hạnh phúc gia đình. Hai vợ chồng yêu nhau từ trong gian khó nên Trâm rất tin yêu chồng. Vĩnh cũng không hẳn là tham lam nhưng anh cũng không phải là người nghiêm túc trong tình yêu, coi trọng sự chung thủy. Anh vẫn yêu thương vợ con nhưng cũng “sắt son” với bồ bịch. Khi sự vụ đã ảnh hưởng nghiêm trọng thì Vĩnh và Thư đã biết dừng lại. Đây là một biểu hiện của một kiểu mô hình gia đình mới trong xã hội hiện đại. Hai vợ chồng vẫn nêu cao trách nhiệm với con cái và ông bà hai bên, vẫn biết ở mỗi người đều có những khoảng trời riêng nhưng cũng sẵn sàng tha thứ cho nhau khi bên có lỗi đã thực sự ăn năn, hối cải.

Gia đình trong tiểu thuyết Cậu ấm là gia đình lớn, trải qua nhiều thời kì khác nhau của lịch sử. Gia đình cậu ấm Vận là gia đình trí thức trung lưu. Từ đời ông Thản, bố cậu ấm đã duy trì được nền nếp vừa hiện đại lại vừa truyền thống. Nhà ở kiểu Tây nhưng nghi lễ truyền thống, sinh hoạt trong gia đình lại hài hòa giữa văn minh Hà thành và văn minh phương Tây. Điều đáng lưu ý, đây là mô hình gia đình gần như mẫu mực. Vợ chồng, con cái tuy có lúc này lúc khác nhưng đạo nghĩa thì vẫn giữ trọn thứ tự tôn ti trên dưới. Bà Hiền Thục rồi đến con dâu Như Ý đều là những người phụ nữ sống có trước sau. Ông Thản, tuy có nhiều điều kiện, nhưng cũng không lấy vợ hai mặc dù đàn ông giàu có ở đầu thế kỷ XX, lấy nhiều vợ là chuyện rất bình thường. Đến cậu ấm Vận, tuy có lúc sa ngã theo bản năng đàn ông và máu nghệ sĩ với Tuyết nhưng cả hai cũng

xác định dừng lại, để những gì đẹp đẽ trên Đãn Trừu không bị phai. Sau là Tín,

con trai của Vận cũng rất chăm chỉ học hành, lao động và chiến đấu, Tín cũng mang trong mình tình yêu với Dịu rất ngọt ngào nhưng Tín vẫn biết đạo làm con. Đây là một trong những mô hình gia đình của Hà Nội văn minh, thanh lịch, để lại cho chúng ta rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ về mối quan hệ giữa gia đình và thời cuộc.

Bên cạnh đó là hình ảnh về mô hình những gia đình phải ở ghép trong một ngôi nhà tại Hà Nội. Nguyên nhân phải ở chung nhà là thời kỳ xã hội tiến

hành cải cách tư sản, đấu tố địa chủ. Đó là trường hợp gia đình của Vĩnh trong

Đèn vàng, là gia đình của Vận trong Cậu ấm. Cả hai gia đình này đều có những nét khá giống nhau. Nhà hai tầng, trong nhà nhiều tài sản quý, xung quanh đều có những cây long não và hoa cảnh rất đẹp. Họ phải ở ghép với những gia đình quê Thanh Hóa, ban đầu rất lễ phép, sau đấy giảm dần thái độ biết ơn, rồi tự cho

mình buông tuồng, suồng sã để hợp với quần chúng. Tuy mỗi gia đình một tầng

riêng nhưng cả gia đình Vĩnh và Vận đều phải chịu cảnh gia đình mới đến vay

mượn đủ thứ cho sinh hoạt từ thìa mỡ, đến lít nước mắm, rồi rất tùy tiện trong

sinh hoạt chung và vệ sinh cá nhân. Thi thoảng họ lại phải lắng nghe những chửi bới rất tục tằn, thô lỗ ; chứng kiến những tiếng đánh tát lẫn nhau thô bạo ; thậm

chí là những lời xỉa xói về giai cấp, bóng gió về bóc lột rất cay nghiệt từ những

gia đình mới đến. Tác giả gọi vui những gia đình mới đến là những người “Hà

Nội quê”.

Tiếp đến là những hình ảnh cụ thể hơn nhưng được sử dụng nhiều lần như một ám ảnh nghệ thuật. Đó hình ảnh bờ đê sông Cái sạt lở. Trong cái làng của

Toán ở tiểu thuyết Đèn vàng được miêu tả: Nhưng làng Đóm mỗi ngày mối leo

lét. Bởi sông Cái lở, những hộ có đất ngoài bãi phải bỏ đi khá nhiều, kẻ vác rá ăn xin quanh các lễ hội, người vào tận cao nguyên lập nghiệp. Trong Đèn vàng

là cái làng của Trâm, vợ Vĩnh: Nhưng hai năm rồi dòng chuyển, con nước vặn

về bên này, chảy xói vào, bờ sông dựng đứng thành vại đêm đêm lở ùm ùm. Mỗi sáng ra, nhìn vạt cà chua trôi xuống sông một ít, lòng người như xát muối. Cả hai hình ảnh quen thuộc đều gợi lên thực tại những xót xa, những kiếp sống khó nhọc, những sự bất lực của con người trước thiên nhiên và gợi lên cả cảnh xóm làng li biệt. Cũng là dòng sông sụt lở ấy nhưng làng quê của vợ Vĩnh sau đó một vài tuần còn được chính quyền chú ý còn làng quê của Toán dường như chưa thấy dấu hiệu của cải tạo, bồi đắp, nó cứ biền biệt trôi đi vào quên lãng.

Hình ảnh về những nấm mộ và nỗi ám ảnh khi nhìn vào những tấm hình

thờ người chết cũng được nhà văn gợi tả khá mạnh. Trong tiểu thuyết Bốn chín

chưa qua, đó là nấm mộ của bà Năm, mẹ vợ của Toán sau khi bốc. Nấm mộ đã xong, nằm chênh chếch miệng huyệt cũ, nom gọn ghẽ đến bé nhỏ. Đến khi ông

Năm chết, Toán về, thấy : Mộ ông Năm đắp cao, vuông vức nằm cạnh nấm mồ

nhỏ của bà vợ. Mưa tháng tư chưa đủ để những mầm cỏ lên, thành thử trông cứ trơn chuối như thành vại. Đó còn chính là nấm mộ của Toán ở cuối tác phẩm,

nấm đất mới đắp phủ kín tấm áo quan bên dưới, bên trong là anh còn chưa kịp cạo râu,… Những ngôi mộ dường như đang gợi hình về chính cuộc đời của những người nằm xuống. Cuộc đời bà Năm có vẻ “chênh vênh” nên bà đã chết trước ông Năm ; ông Năm chết sau nhưng chắc chẳng còn ai được các cháu gần

gũi chăm nom, tất cả cứ trơn chuối ; cuộc đời Toán sống hối hả, tham lam nên

sau khi đưa mẹ về quê an táng bên cạnh cha, Vận thấy mình trở lại bãi tha ma.

Hai ngôi mộ song thân, một mới một cũ, giờ trông có vẻ bề thế, nhưng ít hôm nữa sẽ giản dị như những nhà bên cạnh, lâu lâu thành nấm lùn, trăm năm nữa thành vô chủ, chắc thế. Có lẽ, nhà giàu, sống có trước sau nên khi chết đi, mồ mả cũng bề thế chăng? Và cả những quy luật phủ định của thời gian nữa.

Về nỗi ám ảnh về những tấm hình người chết được miêu tả khá cụ thể

trong cảm nhận của Toán ở tiểu thuyết Bốn chín chưa qua. Đầu tiên là việc anh

về nhà chịu tang bố vợ, sau đó anh sang nhà Thơm quét dọn thu xếp bán nhà.

Toán lau bàn thờ, ảnh hai thân Thơm nhìn rõ nghiêm khắc, như thể mày là cái

thằng nào mà đụng vào con gái tao. Rồi đến giá treo ảnh của chồng Thơm với

độc bát hương, anh ta trẻ, trông hiền lành lắm, so với vợ thì non nớt hơn nhiều.

Anh dồn ảnh của các cụ để mang vào Tây Nguyên. Đêm xuống, Toán thắp ba

nén hương rồi tắt đèn. Ba chấm đỏ như ba con mắt nhìn anh nghiêm khắc. Các

cụ đấy, thân sinh ra Thơm, ra anh, rồi ông bà Năm, những người đáng kính nay đã thành thiên cổ cả. Sau cùng là những ám ảnh của Thơm khi lần cuối cùng Toán ra Bắc vì Xuyên ốm nặng và qua đời. Anh trở vào Tây Nguyên cùng con

gái Mẫn và mang theo ảnh của vợ. Bên trên có bàn thờ lục thân phụ mẫu và bố

cu Tí. Bức thứ tám là người phụ nữ còn trẻ nhưng héo hon, đôi mắt buồn nghiêm nghị nhìn xuống cả nhà. Trong tiểu thuyết Cậu ấm, đó là hình ảnh bàn thờ tổ tiên và ảnh bố mẹ Vận. Khi gia đình Đằng Tứ bên trên không có ý thức giữ gìn không gian thờ tự thiêng liêng của gia đình Vận, vợ chồng Vận buộc phải mua gạch xây ngăn lại, buộc phải chấp nhận tự thu hẹp không gian lại dù đã được

phân chia ngay từ đầu. Trên bàn thờ, ông Đỗ Như Thản và bà Hiền Thục chừng

như cũng đồng ý, dịch bát hương mà chả ỏ ê phạt con cháu. Cũng là vì trước đó vợ chồng Vận về tận quê, mộ xin. Nhìn vào những bức ảnh thờ tự là việc rất bình thường trong không gian văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Nhưng khi đi vào tiểu thuyết của Trần Chiến, nó đã trở thành những dấu ấn riêng, góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển tâm lí nhân vật của nhà văn.

Một hình ảnh nữa được trở đi trở lại trong cả ba cuốn tiểu thuyết của Trần Chiến đó là các nhân vật xỉa răng. Điều đặc biệt là mỗi lần nhà văn miêu tả động tác xỉa răng của các nhân vật là thường gắn liền với những tình tiết hoặc biến cố

quan trọng trong cốt truyện. Ở tiểu thuyết Bốn chín chưa qua, khi Toán bị vợ

hỏi đột ngột về việc có anh đã có người khác phải không. Cái tăm đang xỉa dở

chọc cứng vào lợi, chẳng biết đau. Vào Tây Nguyên, lúc ông Hiếu gọi Thơm lên nhà, bảo cô về động viên chồng nên đi làm thêm, ông Hiếu sẽ giới thiệu cho, còn việc bán bánh rán thu nhập ít, mình Thơm làm là đủ. Đây cũng là bước

ngoặt của Toán. Miêu tả ông Hiếu nói chuyện với Thơm, nhà văn viết: Cái tăm

đưa đi, đưa lại choanh choách, miệng súc xả oằm oặp. Trong Đèn vàng, để làm được chùm phóng sự thuyết phục về thực trạng dạy thêm - học thêm, Vĩnh phải gặp được những tác giả điển hình cho sự thuyết phục đó. Những ẩn số được giải

mã sau cái nhấp tợp rượu, xỉa răng tanh tách của thầy Nguyễn Lâm Bình dạy ôn

thi ca kíp kín ngày. Khi con gái Nguyễn Thanh Tú lên tòa soạn gặp Vĩnh về việc có kẻ đã gửi thư đến trường bảo Vĩnh nợ tiền quán sá kèm theo tấm danh thiếp

của anh. Vĩnh giải thích cho con rồi dẫn con đi ăn tối. Ăn tối xong, Vĩnh ngầy

ngà, tước nhỏ cái tăm, chọc choanh choách rồi mới lại lựa lời nói với con về chuyện tại sao mình phải lánh gia đình lên tòa soạn ở một thời gian. Ở tiểu

thuyết Cậu ấm, hôm đầu tiên Như Ý lên Đãn Trừu, cô lịch sự, nghiêm khắc bảo

Vận về nhà, tối ấy vợ chồng ăn cơm xong, Như Ý lấy tăm cho Vận, tác giả viết:

Vợ chồng ăn cơm, chuyện rời rạc, những ân cần thăm hỏi thỏm vào bóng tối. Ngụm nước que tăm, đưa ngập ngượng đón lạnh lẽo. Rồi một lần đi mua thức ăn về cải thiện một bữa ngon, Vận trở lại cửa hàng bún bị chiếm mất chỗ, cãi

nhau cũng chả lấy lại được, hình ảnh xỉa răng cũng hiện lên: Hận con nhà mậu

tự dưng bán sớm lên nửa tiếng mọi khi tám giờ mới đi ăn về mở cửa đi ra đi vào đái ỉa xỉa răng chán kia mà,… Lấy tăm xỉa răng, rồi súc miệng là một hoạt động rất đỗi quen thuộc sau khi ăn của con người trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Việt Nam xưa nay nhưng khi vào tiểu thuyết của Trần Chiến,

mỗi nhân vật lại có những biểu hiện và ý nghĩa riêng, làm cho sự việc trở nên ấn tượng đặc biệt và thú vị.

Tóm lại, những hình ảnh trong tiểu thuyết của Trần Chiến vừa quen thuộc lại vừa mới mẻ. Quen thuộc vì nó là cuộc sống hằng ngày đã và đang diễn ra. Mới mẻ ở chỗ, những hình ảnh đó đã được mang thêm những giá trị mới, thậm chí lần đầu tiên nó đi vào tiểu thuyết hiện đại như những tín hiệu thẩm mĩ đầy chất tạo hình và gợi cảm cho tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách tiểu thuyết trần chiến (Trang 89 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)