5. Kết cấu của luận văn
3.3.1. Các yếu tố khách quan
- Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác nói chung, hợp tác xã nông nghiệp nói riêng, Đảng và Nhà nước đã ban hành các Nghị quyết, văn bản Luật và dưới luật. Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước ta quy định một hành lang pháp lý rất chung, trong khi hợp tác xã nông nghiệp lại rất đa dạng, rất khác
nhau, đối tượng khác nhau, ngành nghề khác nhau, địa bàn hoạt động khác nhau, có cả vấn đề về trình độ dân trí. Hiện nay nước ta có khoảng gần 11.000 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm gần 60% các hợp tác xã. Trong số các hợp tác xã nông nghiệp này, hiện có rất nhiều loại hình như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Tuy nhiên, nếu chiếu theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013thì các hợp tác xã nông nghiệp không biết đứng ở đâu trong đó cả. Một khó khăn nữa đối với các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là nước ta chưa đủ cơ sở pháp lý và các chính sách để hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, hợp tác xã nông nghiệp có địa bàn hoạt động thường ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nên sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ. Do đó, hợp tác xã nông nghiệp phải có các chính sách ưu tiên so với các hợp tác xã khác.
Ngoài công tác về chính sách, pháp luật, công tác quản lý nhà nước về hợp tác xã hiện nay, đặc biệt hợp tác xã nông nghiệp đang còn nhiều hạn chế. Trong Luật Hợp tác xã năm 2012 có giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, nhưng các bộ ngành phải thành lập bộ phận, các tổ chức để thực hiện quản lý nhà nước về vấn đề này. Hiện nay, Bộ Kế hoạch - Đầu tư có Vụ hợp tác xã, tại các Sở Kế hoạch - Đầu tư thì các nội dung liên quan đến hợp tác xã thường nằm ở phòng Đăng ký kinh doanh và thường họ hiểu biết rất hạn chế về hợp tác xã. Ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhưng ở các Chi cục địa phương hiện nay chỉ có Chi cục Phát triển nông thôn, không có Chi cục Hợp tác xã. Sự không thống nhất về cơ quan, bộ phận quản lý dẫn đến những khó khăn về quản lý các hợp tác xã nông nghiệp.
- Sự phối hợp của các ban ngành, các tổ chức đoàn thể trong tổ chức thực hiện chính sách phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.
Trong giai đoạn 2015-2017, các cơ quan, ban ngành, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện Định Hóa như phòng Nông nghiệp, trạm Thú y, trạm
Khuyến nông, Đài Truyền thanh - Truyền hình, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, phòng Kế hoạch - Tài chính đã tích cực phối hợp để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ phụ trách của huyện, xã còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và phải kiêm nhiệm nhiều việc khác nên việc tham mưu giúp cấp ủy Đảng, chính quyền đối với phát triển hợp tác xã nông nghiệp của huyện có nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều khi các cơ quan, đơn vị liên quan chưa thực sự quan tâm giúp đỡ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn về tổ chức, con người, vốn, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện.
- Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội + Về điều kiện tự nhiên
Định Hóa là huyện miền núi có tiềm năng để phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng và kinh tế trang trại. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện. Bởi huyện có tiềm năng lớn về cung cấp các nguyên liệu đầu vào cho các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất kinh doanh, như cung cấp gỗ cho các hợp tác xã chế biến lâm sản; cung cấp chè tươi cho các hợp tác xã sản xuất, chế biến chè…Nếu được đầu tư khai thác hợp lý, đó sẽ là những tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện nói chung, phát triển hợp tác xã nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Định Hóa cũng gặp không ít khó khăn. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của huyện có nhiều mặt không thuận lợi như: là huyện duy nhất của tỉnh Thái Nguyên không có tuyến quốc lộ nào đi qua, gây khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp; địa hình đồi núi, chia cắt và hạ tầng giao thông còn thấp kém chưa đáp ứng được cho nhu cầu phát triển; thời tiết hàng năm diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại, mưa, bão thường xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp.
+ Về kinh tế - xã hội
Mặc dù còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đã đạt được bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, một số mục tiêu quan trọng đặt ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Kinh tế tập thể và kinh tế hộ tiếp tục được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên bên cạnh đó, nguồn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu chi ngân sách ngày càng lớn dẫn đến khả năng cân đối thu chi ngân sách trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn; tập quán canh tác và nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn; trình độ dân trí chưa đồng đều giữa các vùng; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, một bộ phận nhân dân còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự cầu thị và vươn lên để thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đây đang là các yếu tố gây khó khăn cho phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.