5. Kết cấu của luận văn
4.2.1. Giúp các hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm
Thực tiễn sản xuất hiện nay cho thấy, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Định Hóa gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là nguyện vọng của các hợp tác xã nông nghiệp khi được hỏi trong quá trình điều tra phỏng vấn. Do đó, muốn sản xuất hàng hóa có hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao thì vấn đề quan trọng là phải nghiên cứu, mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Trong xu thế phát triển hiện đại, mọi quá trình sản xuất đều do thị trường quyết định chứ không phải chỉ làm những gì mình có. Cho nên huyện Định Hóa cần định hướng cho các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, bán cho ai. Việc sản xuất phải xuất phát từ thị trường, do thị trường và vì thị trường quyết định. Nếu như kinh tế thời tự cung tự cấp, sản xuất với mục đích tự phục vụ nhu cầu, hàng hoá ít có sự trao đổi, tư duy sản xuất khép kín; thời kinh tế kế hoạch hoá tập trung sản xuất theo chỉ tiêu kế hoạch với mục đích phục vụ Nhà nước, hàng hoá làm ra phải giao nộp sản phẩm, Nhà nước thống nhất thu mua; còn ở thời kinh tế thị trường, bà con sản xuất cái do thị trường mách bảo với mục đích phục vụ nhu cầu thị trường, hàng hoá tự do trao đổi, tư duy sản xuất cũng phải năng động, sáng tạo.
Để giúp các hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận được thị trường tiêu thụ sản phẩm trước hết phải giúp các hợp tác xã nông nghiệp nâng cao kiến thức về kinh tế thị trường. Do đó, để cung cấp thông tin và trang bị kiến thức kinh tế thị trường hiện đại tới các hợp tác xã nông nghiệp, huyện Định Hóa cần tổ
chức các lớp tập huấn về kinh tế thị trường, về hội nhập kinh tế quốc tế. Qua các lớp tập huấn đó, các hợp tác xã nông nghiệp sẽ hiểu được cần sản xuất cái gì? Sản xuất với số lượng là bao nhiêu? Tổ chức sản xuất như thế nào, phối hợp các yếu tố ra sao? Sản xuất sản phẩm ra để bán cho ai? Ngoài ra, cần trang bị phương cách tiếp cận thông tin trong nền kinh tế thị trường cho các hợp tác xã nông nghiệp. Thị trường luôn có sự biến động, vì vậy nắm bắt, khai thác và xử lý thông tin có hiệu quả là yếu tố quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vận dụng một cách sáng tạo, khoa học các quy luật của kinh tế thị trường vào quá trình sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp.
Trong thời gian tới, huyện Định Hóa cần tiếp tục tổ chức các hội nghị trao đổi, thống nhất, ký kết hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh về cung ứng vật tư, phân bón, giống, giá thu mua, bao tiêu sản phẩm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ đó, các hợp tác xã nông nghiệp sẽ được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và họ sẽ yên tâm sản xuất khi sản phẩm đầu ra đã được các doanh nghiệp bao tiêu. Bên cạnh đó, đa phần các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay đều đang vắng bóng doanh nghiệp, hoặc nếu có thì vẫn chưa làm tròn vai trò, khi các doanh nghiệp chỉ chú trọng cung ứng vật tư đầu vào mà không quan tâm đến đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, trong khi việc tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quan trọng trong quá trình liên kết. Và từ những thực tế trên, để thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết “4 nhà”, huyện Định Hóa cần đề xuất với tỉnh Thái Nguyên có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp liên kết cùng các hợp tác xã nông nghiệp, cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền để các hợp tác xã nông nghiệp tuân thủ quy định trong quá trình thực hiện liên kết. Ngoài ra, các cơ quan, ban ngành cần nghiên cứu thông tin thị trường, định hướng sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã nông nghiệp, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu sản phẩm; hỗ trợ kinh phí, đồng hành cùng các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức chương trình hoạt động xúc tiến thương mại nhằm
quảng bá sản phẩm, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật giúp các hợp tác xã nông nghiệp mở rộng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm để phát huy hiệu quả.