5. Kết cấu của đề tài
1.3.1. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về đất đai của một số huyện
1.3.1.1. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về đất đai của huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội
Huyện Mê Linh nằm ở phía Tây Bắc của thành phố Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội 30 km. Huyện có 18 đơn vị hành chính trực thuộc, hệ thống giao thông tương đối phát triển, có đường ô tô, đường sắt, đường sông, gần sân bay quốc tế Nội Bài và có đường cao tốc Hà Nội - Nội Bài chạy qua nối đường 18 đi qua cảng nước sâu Cái Lân, đồng thời nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Mê Linh có vị trí rất thuận lợi cho phát triển và giao lưu kinh tế - văn hoá - xã hội của thủ đô Hà Nội với các tỉnh trong nước và nước ngoài.
Huyện Mê Linh có tổng diện tích đất tự nhiên 14.131,91 ha. Diện tích đất tự nhiên của các xã trong huyện phân bố không đồng đều, lớn nhất là xã Văn Khê 1.317.20 ha, chiếm 9,26% diện tích đất toàn huyện, nhỏ nhất là xã Vạn Yên 313,14 ha, chiếm 2,2% diện tích đất toàn huyện. Hiện nay Mê Linh đã khai thác đưa vào sử dụng cho nhu cầu các ngành 13.683,74 ha, bằng 96,18% diện tích tự nhiên.
- Về giao đất, cho thuê và thu hồi đất: UBND huyện Mê Linh đã ban hành nhiều chỉ thị về tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất trên địa bàn huyện, chủ tịch UBND huyện đã ban hành hàng trăm quyết định xử lý vi phạm hành chính về đất đai như lấn chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích, giải tỏa lò gạch trái phép. Đến năm 2018, huyện đã xử lý được hơn 1000 trường hợp lấn chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích (tiêu biểu là các xã Tiền Phong, Tráng Việt, đặc biệt là giải tỏa hành lang đường 23B…). Tình trạng lấn chiếm đất, sử dụng đất không
đúng mục đích xây dựng lò gạch trái phép đã được ngăn chặn và đẩy lùi, đặc biệt người dân ngày càng có ý thức chấp hành pháp luật về đất đai.
- Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và đăng ký đất đai: Việc cấp giấy chứng nhận đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện từ năm 1996 đến 2018 đã cấp được 43.315 giấy chứng nhận đất ở, đạt 80%.
- Công tác kỹ thuật và nghiệp vụ địa chính: UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đã thực hiện việc xác định địa giới hành chính, lập hồ sơ địa chính mới theo sự chỉ đạo của UBND thành phố, hiện tại toàn huyện có 16 xã, 2 thị trấn. Việc xác định ranh giới của huyện với các huyện và tỉnh khác đã được xác lập, riêng phía đông giáp huyện Đông Anh còn có tranh chấp chưa được giải quyết dứt điểm.. Các mốc địa giới hành chính được UBND huyện quản lý chặt chẽ. Tổng diện tích đất đai theo địa giới hành chính huyện Mê Linh là 14.251,19 ha.
Công tác đánh giá đất, phân hạng đất trong sản xuất nông nghiệp đã được UBND huyện tiến hành phân hạng đất nông nghiệp làm cơ sở để thu thuế đất nông nghiệp khi thi hành Luật Đất đai 1993. Bản đồ thổ nhưỡng của huyện đã được nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng từ trước năm 1993.
Công tác định giá các loại đất hàng năm được huyện công bố công khai làm căn cứ pháp lý cho các cấp chính quyền thực hiện công tác quản lý tài chính nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện.
- Về giải quyết tranh chấp đất đai: Từ năm 2009 đến 2018, UBND huyện Mê Linh đã ban hành Quyết định giải quyết và Văn bản trả lời 430 vụ việc về tranh chấp đất đai; định kỳ hàng năm huyện tổ chức đối thoại và xác minh trên 50 vụ việc, đơn thư khiếu nại của nhân dân.
- Về công tác thanh tra, kiểm tra đất đai: Từ 2009-2018, UBND huyện Mê Linh đã thành lập 26 đoàn thanh, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực đất đai, tính đến hết năm 2018, huyện UBND Mê Linh đã chỉ đạo quyết liệt các ban ngành vào cuộc trong công tác xử lý lấn, chiếm, sử dụng đất sai mục đích và xử lý được 1.016 trường hợp vi phạm.
1.3.1.2. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về đất đai của quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội
- Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thống kê đất đai hàng năm trên địa bàn quận được tiến hành thường xuyên theo định kỳ. Số liệu, báo cáo hoàn thiện đúng tiến độ và chính xác giúp cho công tác QLNN về đất đai được cụ thể hóa và hiệu quả.
- Công tác giao đất, cho thuê đất, công tác giải phóng mặt bằng, giao đất giãn dân được quận quan tâm, chỉ đạo sát sao. Rất nhiều dự án trọng điểm đã được thực hiện và hoàn thiện như: dự án đường 32, đường Lê Đức Thọ đi Xuân Phương, đường Lê Văn Lương kéo dài, mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, dự án Bảo tàng lịch sử quốc gia, khu đô thị Tây Hồ Tây, khu công nghệ cao sinh học, khu đô thị Nam Thăng Long, xây dựng vùng hoa Tây Tựu…; Giao đất giãn dân cho 97 hộ dân ở khu Rộc Tràng - Thượng Cát, 51 hộ dân ở xã Mễ Trì, 38 hộ dân khu Gốc Sữa - Xuân Đỉnh… Trong nhiều năm qua, quận Bắc Từ Liêm đã bố trí đất đai cho nhiều khu tái định cư, giải phóng được lượng quỹ đất lớn, góp phần thu hút nhiều dự án đầu tư về địa bàn huyện.
- Công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thống kê, kiểm kê đất đai được triển khai tích cực. Hàng năm, công tác cấp GCN đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu; công tác thống kê, kiểm kê đất đai thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, góp phần quản lý chặt chẽ Nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
- Công tác quản lý tài chính về đất đai, quản lý và phát triển thị trường bất động sản, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. UBND quận Bắc Từ Liêm đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, số lượng các hồ sơ giao dịch tăng nhiều theo các năm.
- Công tác thanh tra, kiểm tra đất đai, giải quyết các tranh chấp và các khiếu kiện của người dân là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý, UBND quận Bắc Từ Liêm đã thanh tra được nhiều vụ việc sử dụng đất sai mục đích, giải quyết nhiều đơn, thư khiếu kiện của nhân dân.