Để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty, ngoài việc ổn định doanh thu, tăng số lượng bán thì quản lý tốt chi phí cũng là một giải pháp khá hiệu quả. Vì mức chi phí mà công ty bỏ ra khá cao, nhất là chi phí quản lý doanh nghiệp. Do đó, công ty phải có những biện pháp thích hợp nhằm giảm thiểu tối đa về mặt chi phí:
- Hạ thấp chi phí quản lý doanh nghiệp là nhiệm vụ mà công ty phải cố gắng thực hiện, bởi vì chi phí quản lý doanh nghiệp luôn chiếm trên 14,5% trong tổng chi phí của công ty. Công ty nên giảm chi phí quản lý doanh nghiệp còn dưới 10% trong tổng chi phí của công ty, chỉ chi với những khoản cần thiết, thích hợp, tiết kiệm tối đa những khoản chi phí văn phòng, tiếp khách, giao dịch và hạn chế chi phí công tác.
- Đối với chi phí bán hàng chẳng hạn như chi phí hoa hồng, khuyến mãi, tiếp thị,… khi phát sinh sẽ làm giảm lợi nhuận nhưng xét về khía cạnh khác sẽ làm tăng doanh thu, tăng thêm thị phần cho công ty. Những khoản chi này cần thực hiện theo kế hoạch mà công ty đề ra theo từng giai đoạn phát triển, những khoản thời gian thích hợp. Chi phí quảng cáo phải có kế hoạch rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó, công ty cần tuyển chọn nhân viên bán hàng có trình độ, năng lực thực hiện công tác bán hàng. Đưa nhân viên trẻ đi học tập, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn.
- Để đạt được mức chi phí đề ra, nhân viên nói riêng cũng như công ty nói chung cần phải có ý thức tự giác, không lãng phí tài sản chung, đòi hỏi sự phấn đấu hoàn thành kế hoạch với năng lực và quyết tâm của mỗi cá nhân đặc biệt là sự động viên, gương mẫu của cấp lãnh đạo để nhân viên phấn đấu và noi theo.
- Chi phí vận chuyển cũng là một trong những vấn đề rất đáng quan tâm, đặc biệt hiện nay công ty đang mở rộng thêm thị phần. Mặc dù trong thời gian qua chi phí vận chuyển đang chuyển biến tốt nhưng bên cạnh đó công ty cần đầu tư, mua sắm thêm thiết bị vận chuyển để giảm thiểu được chi phí trong khâu vận chuyển cũng như khâu tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng kế hoạch vận chuyển hợp lý để giảm thiểu được mức chi phí.
- Khâu bảo quản cũng là một khâu quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của công ty. Mặc dù, chính sách của công ty là bán sản phẩm theo đơn
hàng, bán theo số lượng lớn, giảm thiểu thấp nhất việc bảo quản sản phẩm sau khi nhập kho. Vì vậy, cần xây dựng kế hoạch nhập khẩu cụ thể khi kiểm tra kho, khi kiểm tra hàng tồn, khi nhận được đơn đặt hàng để đảm bảo giao hàng đúng hẹn và giảm thiểu tối đa chi phí bán hàng. Mạnh dạn đầu tư mở rộng kho bãi, kho bảo quản nhằm tránh tình trạng phải thuê ngoài làm cho chi phí tăng lên, đổi mới trang thiết bị cất trữ để đảm bảo được chất lượng sản phẩm bên cạnh đó giảm thiểu được mặt chi phí.