Lợi nhuận là kết quả cuối cùng của quá trình hoạt động kinh doanh. Hay nói đúng hơn, theo kinh tế học, lợi nhuận chính là phần tài sản mà nhà đầu tư nhận thêm sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan đến đầu tư đó (bao gồm cả chi phí cơ hội) (Mankiw, 2009). Trong các ngân hàng thương mại, lợi nhuận được hiểu như là phần lợi ích còn lại sau khi đã tất toán các khoản chi phí phát sinh.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều tìm kiếm lợi nhuận theo ba phương pháp. Đầu tiên, các ngân hàng thu lời từ việc kinh doanh tiền tệ: nhận tiền gửi riêng lẻ, tổng hợp thành nguồn vốn lớn để đem cho vay. Thứ hai, các ngân hàng cũng có thể thu lợi nhuận trên các dự án đầu tư của họ. Và một phần nhỏ lẻ sau cùng, các ngân hàng thương mại đôi khi cũng kiếm tiền thông qua kênh thu phí khách hàng.
Về mặt học thuật, lý thuyết trật tự phân hạng trong cấu trúc vốn (Myers, 1984) đã lập luận rằng các doanh nghiệp thích tài trợ cho các dự án đầu tư mới từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Họ chỉ tìm kiếm các nguồn vốn vay bên ngoài khi mà nguồn nội bộ không còn đủ cho các kế hoạch sinh lời hấp dẫn của họ. Như vậy, khi có sẵn các nguồn lợi nhuận giữ lại, ta sẽ kỳ vọng mối quan hệ nghịch biến giữa lợi nhuận và đòn bẩy tài chính. Tương tự, kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Rajan và Zingales (1995), Titman và Wessels (1988) cũng đã xác nhận dấu kỳ vọng tương quan này.
Do vậy, dựa trên nền tảng lý thuyết và kết quả thực nghiệm trước đây, nghiên cứu này sẽ kỳ vọng mối quan hệ nghịch biến giữa lợi nhuận và đòn bẩy tài chính
2.4.2 Nhân tố ROE
Chỉ tiêu Tỷ suất sinh lời ROE phản ánh hiệu quả của vốn tự có, hay nói chính xác hơn là nó thực hiện công việc đo lường mức sinh lời đầu tư của vốn chủ sở hữu. Trên thực tế, các nhà đầu tư tại các ngân hàng thương mại thường rất quan tâm đến chỉ tiêu này vì nó phản ánh được khả năng tạo lãi của một đồng vốn mà họ đã bỏ ra để đầu tư vào chính ngân hàng họ kỳ vọng (Trần Ngọc Thơ và cộng sự, 2007).
Theo Lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn, các doanh nghiệp với tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu cao sẽ chịu ít rủi ro hơn. Có lẽ chính vì vậy mà họ đã chấp nhận một hạn mức đòn bẩy tài chính tương đối cao trong tổng nguồn vốn huy động so với các doanh
nghiệp khác. Đồng thời, dường như họ cũng muốn gia tăng hiệu quả sử dụng vốn tự có và rồi từ đó nâng cao hơn nữa tỷ suất sinh lời cho các chủ sở hữu. Ngoài ra, kết quả thực nghiệm trong nghiên cứu của Buferna và cộng sự (2005) cũng đã tìm thấy mối tương quan thuận giữa biến Tỷ suất lợi nhuận ROE và biến Đòn bẩy tài chính.
Vì thế, dựa trên những lập luận trên, ta sẽ kỳ vọng Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) có tác động tích cực đến Đòn bẩy tài chính (LEV)