So với các phương pháp đo đạc truyền thống, kỹ thuật đo GPS động xử lý sau có những ưu điểm sau:
- Không cần xây dựng lưới khống chế đo vẽ, chỉ cần một số điểm khống chế ở trong hoặc gần khu vực đo vẽ để bố trí trạm cố định và quy chuẩn hệ tọa độ nếu cần thiết.
- Trong quá trình đo đạc, không cần thông hướng giữa các trạm đo - Độ chính xác cao, cỡ một vài centimét.
- Khả năng tự động hoá rất cao, kỹ thuật viên chỉ cần thực hiện một số thao tác đơn giản ngoài thực địa.
- Tất cả số liệu đo đều ở dạng số.
- Yêu cầu nguồn nhân lực không cao, mỗi máy động chỉ cần 1 kỹ thuật viên, còn máy cố định mà được bố trí ở nơi an toàn thì có thể không cần người theo dõi.
- Người đo đồng thời là người vẽ sơ đồ, lại có khả năng tiếp cận trực tiếp điểm đo nên ít xảy ra sự nhầm lẫn như trong phương pháp toàn đạc.
- So với kỹ thuật đo động thời gian thực (RTK), đo động xử lý sau chỉ cần máy thu 1 tần số có kinh phí thấp hơn so với máy thu 2 tần số. Và cũng không cần hệ thống thu tín hiệu phức tạp và Radio Link truyền tín hiệu như kiểu đo RTK.
- Đo GPS động xử lý sau có thể sử dụng số liệu đo từ các dịch vụ trạm base và sử dụng lịch vệ tinh xử lý sau nhằm tăng độ chính xác xử lý baseline.
Bên cạnh những ưu điểm trên thì đo GPS động xử lý sau còn có những nhược điểm:
- Mặc dù không cần thông hướng giữa máy cố định và máy động, nhưng yêu cầu về mức độ thông thoáng phía trên máy thu là cần thiết, nên khả năng triển khai trong khu vực dân cư dày đặc hoặc khu vực cây cối cao là khó thực hiện được.
- Đường di chuyển của máy động phải thông thoáng để tránh hiện tượng trượt chu kỳ.
- Người đo vẫn phải trực tiếp tiếp xúc với điểm đo, vì thế những địa hình hiểm trở, khó khăn thì khó thực hiện.
- Các thiết bị GPS đo động còn khá nặng, không thuận tiện cho việc di chuyển. - So với kết quả đo RTK, thì đo PPK không cho kết quả ngay ngoài thực địa và do đó cũng khó kiểm soát được chất lượng kết quả đo, có những thời điểm trượt chu kỳ mà ta không biết ở thực địa.
Vì vậy từ những ưu và nhược điểm trên, trong quá trình đo đạc nên có sự linh hoạt và kết hợp các phương pháp với nhau để đạt hiệu quả cao nhất.
2.3.2. Đánh giá về khả năng ứng dụng công nghệ GPS đo động xử lý sau trong đo đạc địa chính
Từ những phân tích đã được trình bày ở trên, có thể nêu ra một số đánh giá về khả năng ứng dụng GPS đo động xử lý sau trong đo đạc địa chính:
- GPS đo động xử lý sau có thể áp dụng để đo vẽ chi tiết ở những khu vực thông thoáng như đất trồng cây hàng năm, đất mặt nước,…Nếu có thể áp dụng, GPS đo động có khả năng tự động hóa rất lớn do số liệu có thể nhập xuất tự động, tương thích với các phần mềm đo vẽ bản đồ tự động, thuận tiện cho việc tạo lập vào cơ sở dữ liệu.
- GPS đo động xử lý sau sẽ có hiệu quả hơn so với phương pháp khác ở những vùng đất trồng cây hàng năm mà các cây có mật độ nhiều và cao không quá 3-4m.
- GPS đo động xử lý sau có độ chính xác tương đối cao, có thể thành lập lưới khống chế đo vẽ. Vấn đề là cần xác định được rõ độ lặp lại của kết quả và khả năng nhận được 100% lời giải Fixed. Nếu giải quyết vấn đề này thì GPS động xử lý sau có thể áp dụng để thành lập lưới các điểm trạm đo để phục vụ các phương án đo đạc bản đồ địa chính ở khu vực bị che khuất nhiều. Bằng phương pháp kết hợp vừa đo chi tiết, vừa tạo ra các điểm khống chế đo vẽ một cách thuận tiện cho việc đo vẽ bằng các phương pháp truyền thống khác mà không cần lập hệ thống đường chuyền liên tục giữa các điểm tọa độ hạng cao.
- Sự kết hợp của GPS đo động xử lý sau với các phương pháp khác sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác đo đạc ở những khu vực có địa hình, địa vật không đồng nhất.