Rừng nhiệt đới Việt Nam mang những đặc điểm tái sinh của rừng nhiệt đới nói chung, nhưng do phần lớn là rừng thứ sinh bị tác động của con người nên những quy luật tái sinh đã bị xáo trộn nhiều. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về tái sinh rừng nhưng tổng kết thành quy luật tái sinh cho từng loại rừng thì còn rất ít. Một số kết quả nghiên cứu về tái sinh thường được đề cập trong các công trình nghiên cứu về thảm thực vật, trong các báo cáo khoa học và một phần công bố trên các tạp chí.
Ở miền Bắc nước ta từ 1962 đến 1969, Viện Điều tra Qui hoạch rừng đã điều tra tình hình tái sinh tự nhiên theo các “loại hình thực vật ưu thế” rừng thứ sinh ở Yên Bái (1965), Hà Tĩnh (1966), Quảng Bình (1969) và Lạng Sơn (1969). Đáng chú ý là công trình điều tra tái sinh tự nhiên ở vùng sông Hiếu (1962 -1964) bằng phương pháp đo đếm điển hình. Kết quả điều tra đã được Vũ Đình Huề (1975) tổng kết trong báo cáo khoa học “Khái quát về tình hình tái sinh tự nhiên ở rừng miền Bắc Việt Nam”. Theo báo cáo, tái sinh tự nhiên ở rừng miền Bắc Việt Nam mang những đặc điểm tái sinh của rừng nhiệt đới (dẫn theo Nguyễn Thị Thoa, 2014 [37]).
Thái Văn Trừng (1970) [43] trong “Thảm thực vật rừng Việt Nam” đã nhấn mạnh một số nhân tố sinh thái trong nhóm nhân tố khí hậu đã khống chế và điều khiển quá trình tái sinh tự nhiên trong thảm thực vật rừng, đó là ánh sáng.
Nguyễn Văn Trương (1983) [45] trong “Quy luật cấu trúc rừng gỗ hỗn loại” đã đề cập đến mối quan hệ giữa cấu trúc rừng với tái sinh tự nhiên trong rừng hỗn loài. Tác giả đã cho rằng cần phải thay đổi cách khai thác rừng cho hợp lý, vừa cung cấp được gỗ, vừa nuôi dưỡng và tái sinh được rừng. Muốn đảm bảo cho rừng phát triển liên tục trong điều kiện quy luật đào thải tự nhiên hoạt động thì số lượng lớp cây dưới phải nhiều hơn lớp cây kế tiếp nó ở phía trên.
Khi nghiên cứu vai trò của tái sinh rừng ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Trần Xuân Thiệp (1995) đã nhận định rằng vùng Đông Bắc có năng lực tái sinh khá tốt với số lượng từ 8.000-12.000 cây/ha, tỷ lệ cây có triển vọng cao đáp ứng được cho việc phục hồi rừng (dẫn theo Đặng Kim Vui, 2002 [46]).
Trần Ngũ Phương (2000) khi nghiên cứu các quy luật phát triển rừng tự nhiên miền Bắc Việt Nam đã nhấn mạnh quá trình diễn thế thứ sinh của rừng tự nhiên như sau: “Trường hợp rừng tự nhiên có nhiều tầng khi tầng trên già cỗi, tàn lụi rồi tiêu vong thì tầng kế tiếp sẽ thay thế; trường hợp nếu chỉ có một tầng thì trong khi nó già cỗi, một lớp cây con tái sinh xuất hiện và sẽ thay thế nó sau khi nó tiêu vong, hoặc cũng có thể một thảm thực vật trung gian xuất hiện thay thế, nhưng về sau dưới lớp thảm thực vật trung gian này sẽ xuất hiện một lớp cây con tái sinh lại rừng cũ trong tương lai và sẽ thay thế thảm thực vật trung gian này, lúc bấy giờ rừng cũ sẽ được phục hồi” (dẫn theo Nguyễn Đắc Triển, 2015 [42]).
Phạm Ngọc Thường (2003) [41] nhận định rằng quần xã thực vật tái sinh tự nhiên sau nương rãy có tính đa dạng sinh học cao, nó thể hiện tính thích nghi với điều kiện sống trong quá trình phục hồi hệ sinh thái rừng đã mất do canh tác nương rãy.
Lê Ngọc Công (2004) [11] khi nghiên cứu quá trình phục hồi bằng khoang nuôi trên một số thảm thực vật ở Thái Nguyên, cho rằng giai đoạn đầu của quá trình diễn thế phục hồi rừng (giai đoạn 1 - 6 năm), mật độ cây tăng lên sau đó giảm. Quá trình này bị chi phối bởi quy luật tái sinh tự nhiên, quá trình nhập cư và quá trình đào thải của các loài cây.
Ma Thị Ngọc Mai (2007) [29] khi nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình diễn thế đi lên của thảm thực vật đã đưa ra kết luận: trong giai đoạn đầu của quá trình diễn, số lượng loài cây trong OTC và mật độ cây tái sinh giảm dần từ chân đồi lên sườn đồi tới đỉnh đồi.
Nguyễn Thị Thoa (2014) [37] khi nghiên cứu về tái sinh trong các trạng thái rừng trên núi đá vôi ở Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng (Thái Nguyên) cho rằng: số lượng loài cây tái sinh khá phong phú, biến động từ 42 - 74 loài, mật độ cây tái sinh biến động từ 3.187 cây/ha đến 7.133 cây/ha.
Nguyễn Đắc Triển (2015) [42] khi nghiên cứu động thái tái sinh tự nhiên rừng lá rộng thường xanh ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) có nhận định: Các chỉ tiêu cấu trúc tầng cây cao (mật độ, đường kính-D1.3, chiều cao cây-Hvn, diện tích tán lá- St) có ảnh hưởng rõ rệt đến mật độ và chiều cao cây tái sinh dưới tán. Trong đó St có ảnh hưởng mạnh nhất đến mật độ và Hvn, St ảnh hưởng mạnh nhất đến chiều cao cây tái sinh.
Tóm lại, ở nước ta đã có nhiều công trình nghiên cứu về tái sinh rừng, tập trung về tái sinh rừng lá rộng thường xanh, tái sinh sau canh tác nương rẫy. Tuy nhiên, vấn đề nghiên cứu tái sinh dưới tán rừng trồng, thảm cây bụi, thảm cỏ còn ít.