6. Bố cục của đề tài
2.3.1. Cái tôi ý thức trách nhiệm với nghề
Chế Lan Viên là một nhà thơ tài năng, nhà hoạt động văn hóa có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Ngay từ khi cầm bút, ông đã xác định rõ làm thơ là một nghề - một nghề đặc biệt, nghề cao cả, nghề thiêng liêng nhất chứ
không phải một nghề “ngứa cổ hót chơi”. Mà đã là nghề thì nhà thơ phải dành trọn tâm huyết, cả cuộc đời và niềm tin của mình vào đó.
Chế Lan Viên coi sáng tác thơ là nghề của “bề sâu”, của sự lao động thầm lặng, nghiêm túc và hết sức sáng tạo. Trong tác phẩm Đời thừa, Nam Cao từng quan
niệm: “Sự cẩu thả trong bất cứ một nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong vănchương thì thật là đê tiện”. Còn Lê Đạt thì lại cho rằng: “Theo tôi thơ là một nghề, đã là nghề thì phải có kỷ luật lao động. Không nên thụ động thắp hương chờ mà phải chủ động gọi hứng đến. Công việc này đòi hỏi một kỷ luật
nghiệt ngã và gian khổ”. Như vậy, dù là nhà văn hay nhà thơ thì công việc sáng tạo
của người cầm bút luôn đòi hỏi một tinh thần lao động nghiêm túc và trách nhiệm. Đây cũng là một vấn đề mà Chế Lan Viên rất quan tâm. Lao động sáng tác, theo ông không phải như nghề làm pháo “Cứ hét lên vì sợ chẳng vào tai” (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ), mà là sự lao động trong thầm lặng, thậm chí có những lúc rất cô đơn, đó là kiểu lao động “cày sâu cuốc bẫm” trên từng trang giấy.
Xuất phát từ quan niệm trên, Chế Lan Viên luôn trăn trở, suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi nhà thơ khi đứng trước cuộc đời. Với ý thức sâu sắc về trách nhiệm với nghề, Chế Lan Viên có một quá trình lao động, sáng tác nghiêm túc, luôn có khát vọng làm mới mình và thơ mình: “Anh làm việc rất kỹ với cả bài thơ và từng câu thơ, từng ý, từng hình ảnh, từng chữ. Có thể nói trong thơ Chế Lan Viên có những bài chưa hay, những bài ta không thích, nhưng bài nào cũng chứa đựng một cái gì đó mới mẻ, hầu như không có bài nào tẻ nhạt, viết cẩu thả” (Nguyễn Văn Hạnh). Bởi vì là nhà thơ, hơn ai hết Chế Lan Viên ý thức được rằng sản phẩm cuối cùng mà họ tạo ra là các tác phẩm - đứa con tinh thần mà nhà thơ để lại cho đời. Tác phẩm ấy là sự kết tinh tài năng, tâm huyết của nhà thơ và khẳng định sự tồn tại của nghề cũng như vị trí, tầm vóc của họ trong cuộc đời “Nhà thơ sống là nhà thơ đẻ ra được tác phẩm”.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhà thơ tự nhận mình là người chiến sĩ trong trận chiến ấy, nhưng khác ở chỗ là không trực tiếp cầm súng mà dùng chính ngòi bút làm vũ khí đấu tranh để có thể hạ hàng nghìn quân giặc. Ông coi vị trí nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy, chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù. Sau năm 1975, ta nhận thấy một sự thay đổi lớn trong quan niệm về vị trí nhà thơ
của Chế Lan Viên. Ông coi việc làm thơ như một việc rất đỗi bình thường, thậm chí “như rác đổ thùng”, như “người diễn xiếc”. Vị trí cao cả của nhà thơ trong thời chiến đã trở nên khiêm nhường trong đời thường “anh là kẻ rất thấp mà, là chổi
thôi mà” (Làm sao) [78, 75]. Giờ đây, có lúc ông tự cười mình vì “mất cả chì lẫn
chài ở trốn vô danh” và muốn “tìm cả chính mình”. Từ chỗ thấy vị trí người làm thơ cao quý vì đóng góp một phần vào sự nghiệp chung của đất nước trong những năm tháng chiến tranh, nay ông lại viết:
“Làm thơ ư? Anh chơi cái trò bi kịch không ra bi, Hài kịch chả ra hài,
Nhưng đã là số phận rồi, cứ phải chơi thôi” (Nghề của chúng ta) [77, 92]
Mặc dù có sự thay đổi trong quan niệm về nghề thơ như vậy nhưng phần lớn các bài thơ được viết sau năm 1975 của Chế Lan Viên đều thể hiện trách nhiệm của nhà thơ với cuộc sống hiện tại. Mà muốn như vậy nhà thơ phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo. Ý thức đó được thể hiện từ cuối tập Ta gửi cho mình Chế Lan Viên có
bài Thơ bình phương - Đời lập phương bộc lộ những suy ngẫm về đời, về thơ, về
nghề thơ thật nghiêm khắc:
“Trăm câu thơ xoá đi cho một câu khỏi ném vào trong gió
Và chắc gì câu kia bay được đến bình minh!
Và thế, khi đánh giá nhà thơ, hãy tính công cho những trang giấy không thành.
Những con phù du chết bên đĩa đèn mà không đổi lấy câu thơ nào cả,
Những vầng trán nghiêng xuống bên đèn mà ý vắng tanh.” (Thơ bình phương - Đời lập phương) [76, 70]
Đến Di cảo thơ, chúng ta lại bắt gặp nhiều bài thơ nói về công việc làm thơ và trách nhiệm của người nghệ sĩ. Chế Lan Viên luôn coi làm thơ như cái nghiệp xuất phát từ cõi tâm con người. Nhà thơ đã dùng định nghĩa về nghiệp của đạo Phật để quy chiếu cho công việc làm thơ của mình. Chế Lan Viên cho rằng mình đã mắc nợ nghiệp làm thơ nên suốt đời phải làm thơ để trả nợ dù ông cho rằng tài năng của mình “chưa đầy nửa giọt”. Nhà thơ viết:
“Tôi tài năng chưa đầy nửa giọt
Có hộc tốc chạy đến chân trời cũng là đồ bất lực Sao chỉ ấy kim kia tôi vẫn phải cầm”
(Xâu kim) [77, 72]
Hay trong bài Ấy…ấy…, nhà thơ cũng khẳng định: “Những ấy ấy, kia kia làm anh khổ một đời / Anh làm thơ thế ấy / Sang hàng như vậy / Bỏ vần thế kia / Ngỡ như có một kiếp trước, một tiền nhân / Đã bày ra thế đấy / Và bây giờ anh trả nợ /
Hoài hoài” [78, 96].
Những bài thơ như thế trong thơ Chế Lan Viên giai đoạn sau 1975 không nhiều, nhưng nó đã cho ta thấy một quan niệm mới mẻ về duyên nghiệp của con người. Nói như vậy để ta thấy được sự trả nghiệp của Chế Lan Viên là sự công tâm và ý nghĩa biết bao:
“Theo nghiệp nào đành vác ngà, ngoắt đuôi theo nghiệp đó
Lấy đại ngàn làm đối thủ, lấy trời sao…”
(Đối thủ của voi) [77, 114]
Trong suốt một chặng đường dài sáng tác, Chế Lan Viên trăn trở, suy nghĩ làm mới mình và thơ mình để phù hợp với thời đại. Nhà thơ đã dành không ít bài thơ để định nghĩa về nghệ thuật làm thơ. Với ông, hành trình hoàn thiện một bài thơ tiêu tốn nhiều tâm lực, đòi hỏi sự kiên trì của người nghệ sĩ: “Làm thơ là đem quả ngon ví với môi người / Gửi tên người vào trong hơi gió / Rồi đem gió nhập vào bão dữ /
Và nhặt bên thềm một nhánh hoa rơi” (Làm thơ) [77, 65].
Hành trình làm thơ lúc gian nan, thử thách như người: “tìm trầm giữa ngàn cao lắm hổ”, lúc lại thầm lặng như thi sĩ câm “ra hiệu bằng tay, bằng mắt, bằng toàn thân”. Để tạo nên được những câu thơ hay, người làm thơ phải biết huy động tất cả các giác quan để cảm nhận cuộc sống, để phát hiện ra cái tài ẩn giấu bên trong của mình. Làm thơ luôn đòi hỏi sự đấu tranh không ngừng nghỉ trong tâm hồn và luôn phải đặt ra câu hỏi làm thơ có ích gì?. Đặt ra câu hỏi đó để ta xác định được nhiệm vụ và nghĩa vụ của thơ ca với đời. Người nghệ sĩ luôn phải là trung tâm của bộ ba
nghệ thuật “trang giấy, ngọn đèn và anh”. Có lúc làm thơ giống như một công việc vô nghĩa, như thò tay vào cái túi thủng để tìm đồng tiền vàng, túi thì rách mà tiền thì đã rơi mất từ lúc nào. Nhưng có lúc làm thơ là làm một việc phi thường, không phải ai cũng làm được:
“Thi sĩ vào xứ tuyết tìm ra lửa
Kéo thuyền tình trên lưu vực sông Ngân Không phải địa chất mà săn tìm kim khí lạ Mặt rỗ, lưng gù mà muốn hóa tình nhân.”
(Thơ về thơ) [77, 124]
Chế Lan Viên quan niệm, thơ phải là tiếng nói cất lên từ chính cuộc sống. Nhiệm vụ của thơ là phải thêm vị muối cho đời, thêm tiếng cười cho cuộc sống nở hoa, thơ phải có trách nhiệm tìm kiếm và khám phá những ngóc ngách sâu kín nhất của tâm hồn với sự nhân văn sâu sắc. Nhà thơ cho rằng, thơ phải có ích, có giá trị cho đời, đem hương thơm mật ngọt để dâng cho đời. Có như vậy thì thơ mới thật có ý nghĩa:
“Câu thơ có nghĩa đơn mà tâm hồn phải kép
Viết cái ấm của ta mà không quên cái rét của mình”
(Hai xứ) [77, 190]
Song không chỉ có vậy, điều Chế Lan Viên lo sợ nhất là những tác phẩm của mình không giúp gì được cho đời. Nỗi đau ấy không chỉ riêng Chế Lan Viên mà là nỗi đau chung cho cả thời đại bấy giờ, nó xuất phát từ trái tim, trách nhiệm của nhà thơ chân chính đối với nghề. Điều đó làm ông đau khổ mà thốt lên:
“Ngăn con đê ùa vỡ bằng các câu thơ mệnh yểu
Hãy trồng một nhành cây buông trái ngọt bên thềm”
Một trong những quan niệm mới mẻ nữa của Chế Lan Viên trong quan niệm về thơ là thơ phải hướng tới những độc giả bình thường. Thơ cao cả là thơ dành cho mọi tầng lớp trong xã hội bởi lúc này hoàn cảnh đã thay đổi. Những điều trước kia chưa có cơ hội nói đến hay những người chưa được quan tâm đến thì nay được giãi bày một cách chân thật, không né tránh:
“Những phong thư anh gửi cho hư vô đều bị trả về
Dù tem vẽ vĩ nhân, thần thánh
Chi bằng anh đưa cho cô hàng xóm ở hàng rào bên cạnh
Viết cho độc giả bình thường gần gụi đọc thơ anh.”
(Thơ cao cả) [78, 129]
Chế Lan Viên cũng xác định thơ và nhà thơ ở giai đoạn này phải khác với thơ của thế kỷ trước. Thơ phải là sự đồng điệu trong tâm hồn con người, và nhà thơ phải để hồn mình hòa quện cùng nhiều yếu tố thì thơ mới thật sự có giá trị:
“Ta lôi thơ xuống bùn, chạm vào đất đen Nói chuyện thường ngày, vặt vãnh, quàng xiên Lột trần áo bào và mũ triều thiên
Thơ cầm bị gậy đi ăn xin ở bên đường nhân loại trẩy.”
(Thơ thế kỷ 21) [78, 205]
Trong Di cảo thơ có rất nhiều bài thơ liên quan đến nghề thơ, tất cả đều thể
hiện những nỗi day dứt khôn nguôi, sự trách nhiệm nghiêm túc của ông trước cuộc sống. Tuy nhiên điều mà Chế Lan Viên nhận thấy, sống trong cuộc sống hiện đại với nhiều đổi thay, nhà thơ không thể chỉ biết áp dụng cái cũ mà phải biết nắm bắt nhanh cuộc sống để phản ánh và sáng tạo kịp thời. Có như vậy tác phẩm của mình sẽ được làm mới, sẽ đứng vững và trường tồn với thời gian. Nhà thơ không thấy mình lạc hậu trước thời đại. Và để đạt được điều đó, Chế Lan Viên cho rằng cần phải đổi mới, cả trong hình thức nghệ thuật lẫn nội dung.
Việc thay đổi thơ ca sao cho phù hợp với thời đại là yêu cầu bức thiết nhằm đáp ứng được những vấn đề mới của xã hội. Đề hòa nhập được vào cuộc sống mới, cả nhà thơ và nghệ thuật đều phải tự thay đổi mình, nếu không, thơ ca sẽ chết mòn. Cái cũ không thể làm nên được những vần thơ có giá trị, do đó phải từ bỏ những cái cũ, thậm chí là phải lộn trái mình để tìm ra cái mới:
“Làm thơ như đồng thuộc
Sức ì luôn trói buộc Cái cũ đã thành thần
Cóc khô thành tài năng!
Hay là ta lộn trái
May có gì mới chăng.”
(Lộn trái) [77, 105]
Việc đổi mới thơ ca phải diễn ra trên mọi phương diện, từ thể tài đến ngôn ngữ, giọng điệu, hình ảnh, từ nội dung đến hình thức. Trong đó, giọng điệu là phương diện thay đổi lớn nhất trong thơ ca Chế Lan Viên sau năm 1975: “Giọng cao bao nhiêu năm, giờ anh hát giọng trầm / Tiếng hát lẫn với im lìm của đất / Vườn lặng yên mà
thơm mùi mít mật / Còn hơn anh rồ giọng hát vang ngân” (Giọng trầm) [77, 187].
Bên cạnh đó, Chế Lan Viên còn rất quan tâm đến việc thay đổi ngôn ngữ thơ để tạo cảm hứng và trải nghiệm mới của thơ. Việc tìm tòi những thể loại mới sao cho phù hợp với việc truyền tải những nội dung mới cũng được nhà thơ chú trọng thể hiện.
Như vậy, đi suốt hành trình năm mươi năm sáng tạo, Chế Lan Viên được đánh giá không những là nhà thơ lớn, mà còn là người có tài, có tâm và có ý thức trách nhiệm đối với nghề, ông “Dấn thân hết mình” với thơ, vì thơ và cho thơ. Những vần thơ như thế sẽ mãi là “Những lá thơm hái lúc về già” luôn được các thế hệ sau nâng niu, trân trọng.