Tăng trưởng ngành hàng bánh kẹo giai đoạn 2006 - 2010 là 35% đã đưa Việt Nam trở thành “thiên đường” cho các doanh nghiệp bánh kẹo trong nước và kéo theo một cuộc xâm thực mạnh mẽ của các tập đoàn đa quốc gia. Bước sang giai đoạn 2010-2014, mức tăng trưởng của ngành bánh kẹo chỉ đạt mức 10%. Theo dự báo mới nhất, giai đoạn 2015 - 2019, mức tăng trưởng chững lại chỉ khoảng 8 - 9%. Đó là một thách thức mà tất cả các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo tại Việt Nam phải đối diện.
Tuy nhiên, so với đà tăng trưởng 1,5% của ngành bánh kẹo thế giới, 3% của khu vực Đông Nam Á và mức tiêu thụ bánh kẹo trung bình của người Việt chỉ mới đạt 2 kg/người/năm so với 2,8 kg/người/năm của thế giới, Việt Nam vẫn được coi là mảnh đất tiềm năng.
Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam đã bắt đầu bước vào một cuộc cạnh tranh về chất lượng. Cuộc cạnh tranh đã khởi động cách đây vài năm, đặc biệt từ sức ép của bánh kẹo nhập khẩu và của cả các tập đoàn bánh kẹo lớn tổ chức sản xuất ngay tại Việt Nam.
Hình 3.18: Thị phần các doanh nghiệp bánh kẹo tại Việt Nam 2017
Nguồn: zing.vn
Mondelez Kinh Đô
Mondelez Kinh Đô là một thành viên của tập đoàn Mondelēz International. Ra mắt tại Việt Nam vào tháng 7 năm 2015 sau khi mua lại mảng bánh kẹo của tập đoàn Kinh Đô, Mondelez Linh Đô hiện có trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) và hai nhà máy sản xuất tại Bình Dương và Hưng Yên.
Tuy là một tên tuổi mới trên thị trường, doanh nghiệp lại sở hữu bề dày lịch sử hoạt động tại Việt Nam. Thành lập năm 1993, công ty bánh kẹo Kinh Đô đã có những tăng trưởng vượt bậc khi xây dựng những thương hiệu sản phẩm bánh quy và bánh bông lan dẫn đầu thị trường. Hôm nay, một tương lai tươi sáng đang rộng mở với Mondelez Kinh Đô – khi đội ngũ nhân viên tài năng và giàu kinh nghiệm trong sản xuất, quảng bá và kinh doanh các thương hiệu dẫn đầu ngành trước đây nay được chắp cánh bởi kinh nghiệm và nguồn lực toàn cầu của Mondelēz International. Trong ngành bánh kẹo, Mondelez hiện diện trên 160 quốc gia, nhưng tại Việt Nam vẫn là một tân binh. Với một tân binh thì việc xây dựng hệ thống vững chắc hết sức quan trọng. Sau khi nhận chuyển giao từ Kinh Đô, Mondelez Kinh Đô hiện tại vẫn đang thống trị thị trường bánh kẹo trong nước với tỷ trọng vượt trội so với các đối thủ.
Bibica
Bibica hiện chiếm khoảng 4% thị phần ngành bánh kẹo trong nước, xếp thứ ba, sau gã khổng lồ Mondelez, ông lớn đang sở hữu thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô và Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị. Nhưng nếu chỉ tính các thương hiệu bánh kẹo nội địa, hãng này chính là thương hiệu lớn thứ hai.
Sau thời gian dài lùm xùm với đối tác là Lotte, hiện cơ cấu cổ đông của Bibica khá cô đặc và cân sức với 44,03% cổ phần từ phía Lotte và 43,73% từ nhóm cổ đông của SSI. Theo ông Trương Phú Chiến, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần bánh kẹo Bibica, các cổ đông lớn đã có sự đồng thuận trong các quyết định đầu tư để doanh nghiệp phát triển.
Trong khi đối thủ chậm lại để bắt nhịp với thị trường, Bibica sẽ tăng tốc, gia tăng năng lực và quy mô để có thể lấy được thị phần. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp đặt chỉ tiêu tăng trưởng mỗi năm trong khoảng 20-25%.
Cùng với việc gia tăng năng lực sản xuất, hãng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống phân phối và tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới. Năm 2016, doanh nghiệp này có 95.000 điểm bán. Mục tiêu năm 2017 nâng lên thành
115.000 điểm bán, đến 2018 sẽ phát triển lên 125.000 điểm. Đơn vị này cũng đã xuất khẩu ra 21 nước, kể cả thị trường khó tính như Nhật.
Hải Hà
Tiền thân là một xí nghiệp nhỏ với công suất 2000 tấn/ năm. Ngày nay, Công ty đã phát triển thành Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà với qui mô sản xuất lên tới 20.000 tấn/ năm, chiểm 3% thị phần ngành bánh kẹo Việt Nam.