7. Bố cục của luận văn
2.2.3.3. Các khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng
Tăng cường công tác xã hội hóa trong đầu tư phát triển các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao tại các khu điểm DL trọng điểm đang là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh nhằm phát triển DL theo hướng bền vững. Xây dựng, đưa vào khai thác các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật; khôi phục lại các loại
hình vui chơi giải trí dân gian; phát triển các loại hình vui chơi giải trí chuyên đề như công viên chuyên đề, khu giải vui chơi giải trí chuyên đề tại các khu, điểm DL. Hình thành hệ thống các trung tâm vui chơi giải trí hỗn hợp về văn hoá, thể thao phục vụ cho nhiều đối tượng ở các tuyến DL, điểm dừng chân, điểm tham quan để thu hút và giữ chân du khách. Đặc biệt ưu tiên phát triển thế mạnh DL biển với các loại hình nghỉ dưỡng biển đảo, vui chơi giải trí chất lượng cao. Bên cạnh đó, các sản phẩm DL văn hóa gắn với di sản, lễ hội, DL sinh thái... được ưu tiên phát triển nhằm đảm bảo sự cân bằng và hài hoà trong quá trình phát triển DLBV.
Hiện nay, trên toàn tỉnh có hơn 10 khu vui chơi giải trí, hơn 60 điểm tham quan, khu di tích với nhiều loại hình đa dạng, 6 nhà thi đấu thể thao, 01 sân vận động đạt chuẩn… Mặt khác, tỉnh còn hỗ trợ các địa phương xây dựng điểm DL văn hoá cộng đồng gắn với hoạt động biểu diễn văn hoá nghệ thuật dân gian buôn Lê Diêm (huyện Sông Hinh), buôn Xí Thoại (huyện Đồng Xuân), buôn Hoà Ngãi (huyện Sơn Hoà). Từ năm 2013 đến nay cũng đã tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật “Chào Phú Yên – điểm đến hấp dẫn và thân thiện” tại tháp Nhạn phục vụ du khách định kỳ vào tối thứ 7 hàng tuần (ước tính có 200 – 300 lượt khách/đêm biểu diễn).
Song song đó, nhằm đảm bảo tính bền vững trong phát triển các sản phẩm DL, công tác đầu tư, tôn tạo các di tích, danh thắng cũng được tỉnh chú trọng triển khai. Cụ thể, giai đoạn 2011 – 2015, Phú Yên đã đầu tư nâng cấp, tu bổ các công trình thiết yếu tại một số khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh như: mộ và đền thờ Lương Văn Chánh, thành An Thổ - nơi sinh Tổng Bí thư Trần Phú, khu di tích Tàu Không số vịnh Vũng Rô, khu di tích Căn cứ tỉnh Phú Yên trong kháng chiến và nhà thờ Bác Hồ ở Sơn Định, khu di tích núi Nhạn – Tháp Nhạn, khu di tích gành Đá Đĩa, khu di tích Bãi Môn - Mũi Điện… xây dựng biển chỉ dẫn đường đến các di tích. Đến nay, toàn tỉnh có 19 di tích cấp quốc gia, 37 di tích cấp tỉnh.
Mặc dù có lợi thế tài nguyên DL, tuy nhiên ngành DL tỉnh nhà vẫn chưa thể phát huy được tiềm năng và sức hấp dẫn đối với du khách. Một trong những hạn chế đó chính là tỉnh còn thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí nhất là giải trí về đêm. Điểm
đến hấp dẫn, song dịch vụ đi kèm như khách sạn nhà hàng, dịch vụ vận chuyển vẫn còn thiếu thốn. Các điểm đến của tỉnh như Đầm Ô Loan, Khu bảo tồn Krong Trai, ghềnh Đá Đĩa… nằm khá rải rác và cách xa nhau, du khách muốn đến hết những tuyến điểm này sẽ mất khá nhiều thời gian và kinh phí đi lại. Bên cạnh đó, lợi thế lớn nhất của Phú Yên là DL nghỉ dưỡng biển, nhưng chỉ mới dừng lại ở các hoạt động tham quan, chụp ảnh, hoạt động karaoke, bơi lội… Dù được đánh giá là điểm đến thân thiện, hấp dẫn và nhiều tiềm năng, nhưng nói DL Phú Yên đã khiến du khách hài lòng thật sự thì chưa hẳn. Riêng khoản cảnh đẹp thiên nhiên, bãi biển hoang sơ, tự nhiên thì không bàn cãi. Điều mà du khách chưa hài lòng nhất vẫn là dịch vụ DL ở đây còn quá nghèo nàn, đơn điệu chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của du khách. Nhìn chung, hệ thống cơ sở vui chơi, giải trí và dịch vụ bổ sung vẫn là một trong những điểm yếu gây cản trở đến mục tiêu phát triển bền vững của ngành DL Phú Yên, cần thiết phải khắc phục.