Hiện thực cuộc sống sau kháng chiến đến nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiện thực và con người trong sáng tác của hữu thỉnh (Trang 41 - 47)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Hiện thực cuộc sống sau kháng chiến đến nay

Thời kì sau chiến tranh, bối cảnh xã hội thay đổi, quan niệm sáng tạo của nhà thơ đã có những chuyển biến sâu sắc: thay vì quan niệm thơ như một hoạt động tuyên truyền chính trị, giờ đây thơ được nhấn mạnh, đề cao trước hết với tư cách là một hoạt động sáng tạo - nhận thức; thơ không được phép quay lưng trước những vấn đề nóng bỏng của hiện thực đời sống, thơ phải gắn liền với thời đại và thời cuộc, thơ phải là tiếng nói trách nhiệm và ý thức xã hội tỉnh táo, trung thực của nghệ sỹ. Thơ có thể bàn về nhiều vấn đề đa dạng của hiện thực song cách thể hiện phải giàu tính tư tưởng, hướng thơ trở về với đời thường, với số phận cá nhân, đào sâu vào tiếng nói nội tâm, đi sâu phân tích, lý giải thế giới cảm xúc, tâm linh sâu kín bí ẩn. Nếu trước đây, điều quan tâm lớn nhất với Hữu Thỉnh nói riêng và các thi sĩ chống Mỹ nói chung là tâm niệm “Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”, thì ở chặng sau, cái nhìn của nhà thơ mang tính hướng nội rất sâu. Những mảnh vỡ tâm trạng, những lo âu khắc khoải, những bể dâu cuộc đời được nói đến một cách rõ ràng qua góc nhìn đời tư. Không còn ở đây cái nhìn của chúng tôi mà là cái nhìn của “chính tôi”. Cái tôi vì thế trở nên đa diện mà mặt trội của nó là những suy tư về cõi người. Đó không phải là cái tôi hiện lên trong quầng sáng sử thi mà là hiện lên trong chính cuộc sống nhiều chiều thường ngày.

Hữu Thỉnh viết dưới góc nhìn của con người đi qua những năm tháng chiến tranh giờ có thời gian nhìn nhận và đánh giá về chính hiện thực cuộc chiến một cách toàn diện hơn. Thơ ông vẫn cất lên tiếng nói của thời đại như thơ ca trước 1975

nhưng đã có những “độ chênh” nhất định về giọng điệu, về cách suy cảm tạo nên dáng vẻ mới cho ngôn ngữ thi ca. Trải qua chiến thắng và chứng kiến những mất mát, ông ý thức được nỗi đau của đất nước, con người. Hữu Thỉnh đã gửi vào trong thơ những suy tư, trăn trở về thân phận, buồn đau khi phải chứng kiến những cảnh ngang trái ở đời và nhiều khi cả nỗi cô đơn, thất vọng về cuộc đời, về con người, khắc khoải lo âu trước sự “mất mùa nhân nghĩa” như Bóng mát, Nghẹn,…Nhà thơ đã cảm nhận được lẽ sống của cuộc đời không hề đơn giản, dễ dàng:

Đời chẳng dễ dàng đâu Sau bao nhiêu lời chúc Ta chẳng dễ dàng đâu Sau bao người đi trước

(Trường ca biển)

Đọc thơ Hữu Thỉnh ta quan tâm trước hết đến những gì nhà thơ muốn phản ánh. Có hai mảng thật sâu đậm trong thơ Hữu Thỉnh: Đất nước, nhân dân, cuộc chiến,... trải nghiệm ở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và thế sự, nhân tình thế thái,... chiêm nghiệm ở thời kỳ đổi mới, như hai mặt thống nhất trong sáng tác của nhà thơ, như thể nếu không có sự trải nghiệm này, thì cũng chắc gì đã có sự chiêm nghiệm kia. Trong hai mặt đó, mặt thì lắng sâu, mặt thì ám ảnh.

Như bất cứ một nhà thơ nào khác, sống và sáng tác trong một thời điểm đất nước đã được giải phóng, Hữu Thỉnh cũng đặc biệt nhạy cảm với những vấn đề liên quan đến hiện thực cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng cho dù hòa bình, vẫn cần có những người hi sinh thầm lặng vì đất nước, vẫn cần những con người cống hiến cho đất nước. Đề tài về đất nước, về người lính vẫn được nhà thơ tiếp tục sáng tác. Đất nước trong thơ Hữu Thỉnh không phải là những khái niệm mà là những gì rất cụ thể, cạnh sát con người, như trời ở trên đầu, đất ở dưới chân, giản dị như đôi khi chỉ là bãi "cát non" ẩn dụ dưới bàn chân người lính:

- Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình Đảo có lính cát non thành Tổ quốc

- Bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ quốc - Bóng chúng tôi che lên Đất Nước

(Trường ca biển)

Bên cạnh hiện thực chiến tranh, Hữu Thỉnh đem đến trong thơ mình một bức tranh hiện thực khác, cũng hết sức sâu sắc. Đó là hiện thực cuộc sống sau chiến tranh và nhất là hiện thực cuộc sống sau những năm đổi mới đất nước. Có rất những suy tư, trăn trở, những vỡ nhẽ,... bất ngờ như chính cuộc sống, như chính "cõi nhân gian ",

như chính thế giới nội tâm của con người... đã được nhà thơ ghi lại sau những "cặn

lắng", những va đập của cuộc đời, với những số phận của con người "đa đoan, chìm nổi". Có thể có cái phiền muộn, xót xa hiện lên từ năm tháng, từ thân phận bất hạnh

của con người. Sau khi chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, với một dân tộc vừa trải qua mấy chục năm bom đạn, chiến tranh ác liệt đã quen, vì thế, chiến tranh không có gì đáng sợ, nhưng nỗi đau nhân tình thế thái thì không quen và ám ảnh vô tận:

Trời đang chớp gió trên đầu

Nụ cười ẩn giữa binh đao, nói gì?

(Trước tượng Bayon)

Tôi nép dưới mái hiên

Cố tin rằng hôm nay không còn ai bất hạnh

(Thơ dưới mái hiên)

Trước thực tại cuộc sống, con người vẫn trăn trở, khao khát đi tìm hạnh phúc. Nhưng, ngay dưới mái hiên nhà mình, Hữu Thỉnh xót xa nhận ra niềm suy tư, trăn trở của những người thân yêu:

Mẹ tôi hát nghìn câu có câu chưa hát

Cha tôi gặp trăm điều có một điều chưa gặp Hạnh phúc

Cây rơm vẫn mơ thành đám mây vàng

(Hạnh phúc)

Khi đất nước được hòa bình, chúng ta vẫn phải trải qua những năm tháng khó khăn chưa từng thấy. Sự gồng mình của một dân tộc trong chiến tranh đã đem lại chiến thắng vẻ vang, tưởng chừng ta được thảnh thơi, tự do, sung sướng nhưng cái giá phải trả do chiến tranh gây nên rất lớn: kinh tế suy kiệt, nghèo nàn, lạc hậu, kéo theo những nổi chìm của nhân tình thế thái, tác động đến mọi người, mọi nơi. Hữu Thỉnh đã trăn trở, muốn tìm ra lẽ sống cho cuộc đời:

Tôi như cây biết giấu lá vào đâu Trong gió bụi cõi người

Nếu giấu lá thì còn đâu bóng mát Bóng mát mà không che nổi chính tôi.

(Bóng mát)

Hữu Thỉnh là người hay suy tư, trăn trở, luôn linh cảm được rất sớm điều có thể đến. Những gì khả dĩ giấu được phần nào trong chiến tranh, có lá rừng che, lại rất có thể bị phơi bày trước một tình thế khắc nghiệt mới. Như cái cây vô tri vô cảm kia, mới "một thoáng làm người", đã buộc phải "đòi bóng lại" chỉ vì: “Bão trời ta coi

khinh/ Bão người không chịu nổi” (Một thoáng làm người). “Bão người” ở đây là nhân tình thế thái.

Cũng như bao trí thức và văn nghệ sĩ khác, khi cuộc sống bước sang thời kỳ đổi mới, Hữu Thỉnh đã nhận thức thêm, đôi khi phải nhận thức lại những giá trị đời sống. Những bài thơ Hữu Thỉnh viết từ cuối những năm 80 thế kỷ XX cho đến mấy năm đầu thế kỷ XXI, in trong tập Thương lượng với thời gian, phản ánh khá rõ điều đó. Nhà thơ có nhận thức sâu sắc về đời sống hiện tại:

Sang thế kỷ với con tàu quá rộng Hoa hồng sang, gai nhọn cũng sang

…Thương cảm, phản thùng, khoan dung, thớ lợ Vé trên tay thanh thản bước lên tàu.

(Sang thế kỷ)

Lúc này nhân loại chuẩn bị lên tàu để tiến sang thế kỷ mới. Nhà thơ đã dùng biểu tượng “con tàu” với ý nghĩa khái quát rất rộng. Thế kỷ XX đã bàn giao cho thế kỷ XXI cả hoa hồng và gai nhọn. Hành trang của đoàn tàu này có đủ cả tốt, xấu, cao cả và thấp hèn, người khoan dung và kẻ phản thùng, thớ lợ,... Tất cả đều có vé lên tàu, đều được chuyển giao sang thế kỷ. Viết lên điều đó nhà thơ muốn nhắn gửi một điều: Sang thế kỷ mới, chúng ta phải đặc biệt chú trọng đến đời sống văn hóa tinh thần của con người, không được để nền văn minh vật chất xua đuổi những vẻ đẹp vĩnh hằng của tạo hóa, của tâm hồn con người.

Nhà thơ đau đớn nhận ra mặt trái của xã hội, nhận ra giữa thực tế và lí tưởng một thời là khoảng cách xa tắp đến mù mịt, khát vọng về sự tốt đẹp, con người sống lương thiện không ngăn nổi nghịch lí trớ trêu, giữa cái thiện cái đẹp thì cái ác cái xấu vẫn đang tồn tại. Không những vậy nếu không giữ được mình cũng có thể trong cuộc sống con người bị nhiễm phải cái xấu:

Vừa trong mơ cùng tôi Cây ra đường đã bụi Vừa dạt dào cùng tôi Biển đã thành sương khói.

(Vừa trong mơ cùng tôi)

Nhà thơ đi trên đường đời vẫn luôn day dứt, luôn hướng tới phẩm giá con người, về một hạnh phúc thực sự không hề tô vẽ. Đây chính là tiến trình thơ Hữu Thỉnh vươn tới hiện thực, nói đúng bản chất cuộc sống và có ích cho đời sống. Trong guồng quay của cuộc sống mưu sinh, tâm hồn con người cũng bộc lộ nhiều chiều sâu mới. Nhà văn có thể mô tả rất nhiều nhân vật qua cá tính và số phận của các nhân vật

ấy. Còn nhà thơ chỉ mô tả tâm hồn mình để người đọc thấy được cuộc sống xã hội. Vì vậy, cái tôi của Hữu Thỉnh mới dằn vặt cũng như biết bao các nhà thơ hiện đại. Nhà thơ đã thể hiện rõ những những trăn trở trước cuộc sống hiện tại. Cái guồng quay của cuộc sống khiến con người phải trải qua biết bao lo toan để tồn tại:

Buổi sáng lo kiếm sống Buổi chiều tìm công danh

Buổi tối đem trí khôn ra mài rũa Tỉnh thức

Những hàng cây bật khóc

(Thương lượng với thời gian)

Nhân vật trữ tình trong bài thơ cũng giống biết bao nhiêu người ở cuộc sống đã tỉnh thức, giật mình sau những ngày lo kiếm sống, tìm công danh, tiền bạc. Thông qua những vần thơ của mình, nhà thơ luôn muốn truy tìm ý nghĩa, bản chất của đời sống và các vấn đề nhân sinh thế sự để rút ra triết lí về cuộc sống.

Công cuộc đổi mới đất nước đã làm cho cuộc sống khởi sắc hơn, mặt khác, con người dường như sống với nhau lạnh lùng hơn, mối quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội lỏng lẻo hơn. Bối cảnh lịch sử và văn hóa mới có cả mặt phải và mặt trái của nó khiến nhà thơ không thể nhìn cuộc sống như trước đây mà buộc nhà thơ phải thích ứng với những thay đổi nhiều khi chóng mặt của cuộc sống. Ý thức nhìn cuộc đời bằng cái nhìn tỉnh táo và thơ ca hiện ra như một hình thức tra vấn không ngừng về đời sống. Hữu Thỉnh đã sẵn sàng chỉ ra hiện thực cuộc sống thời hậu chiến khi niềm vui chiến thắng đã lắng lại, hiện thực đất nước khó khăn lại đặt ra những nghiệt ngã. Thơ Hữu Thỉnh cũng dần dần đi vào những ưu tư, nhận thức mới về thời cuộc:

Anh cứ tưởng sau chiến tranh thì toàn là hạnh phúc Chúng ta đã từng vò võ đợi nhau

Nhưng không phải em ơi, cuốc kêu không phải thế …Tôi cứ tưởng không còn ai xấu nữa

Tôi cứ tưởng tốt với nhau bao nhiêu cũng còn chưa đủ Nhưng không phải, trời ơi, cuốc kêu không phải thế

(Nghe tiếng cuốc kêu)

Nhà thơ đau đớn nhận ra có những mảng đen sau màu hồng, có những điều xấu trong xã hội vẫn tồn tại như một sự hiển nhiên, đau đớn về cách ứng xử lật lọng tráo trở của con người với nhau trong xã hội. Nhà thơ đã băn khoăn về lòng thương người, về tình người trong cuộc sống liệu có bền vững: Có gì bền? Nhân nghĩa có còn đây?(Nghẹn).

Đồng thời với đó là nhà thơ nhận ra những đổi thay, sự hiện hình của những bụi bặm, thớ lợ, những mặt trái của cuộc sống:

Kẻ phản phúc vừa lau tay sạch sẽ Cười súng sính

Trong bộ cánh thớ lợ Xe máy rú rồ dại

Chậu cảnh biến thành vật lót tay Hè phố bị hắt nước loang lổ Càng cố chứng minh là kẻ vô can Càng thú nhận là nạn nhân kế tiếp Luật nhân quả

Ngủ gật trên bậc cửa

(Bất hạnh)

Lời thơ đã thể hiện bi kịch khi con người chợt nhận ra giữa thực tế và lý tưởng một thời là một khoảng cách xa tắp đến mù mịt; khát vọng về sự tốt đẹp, lương thiện không ngăn nổi cái nghịch lý, trớ trêu, cái xấu cái ác hoành hành. Đọc những câu thơ trên, mỗi con người chúng ta cũng cảm nhận được mặt trái của xã hội hiện đại, dường như nhiều cái tốt đẹp đã bị đảo lộn. Đây cũng chính là những trăn trở chung của con người khi mong muốn tìm được lẽ sống đích thực.

Sau năm 1986, các nhà thơ nỗ lực khám phá sự phong phú của “cái tôi ẩn

giấu”, họ đã dám phơi bày những hoài nghi, đau thương, mất mát trong cuộc

sống. Hữu Thỉnh cũng bộc lộ ngay cả góc khuất của tâm hồn, đào sâu, lí giải, trăn trở của cái tôi. Trong đó còn có cả quá trình nhà thơ tự làm thanh khiết tâm hồn mình. Cảm nhận được sự thay đổi của cuộc sống, Hữu Thỉnh luôn đi tìm cõi thiện trong con người:

Cõi thiện xa xăm câu kinh vượt dốc Mây vừa đi vừa ngoái lại trông người

(Ngẫu cảm)

Trong nhiều bài thơ khác, ta cũng thấy những triết lí hướng thiện này. Nó trở thành bình phong che chở con người trước sự cô đơn, đau buồn của cuộc đời. Vì lẽ đó, thơ Hữu Thỉnh, dù chất chứa tâm trạng buồn nhưng vẫn không lạnh lẽo, mà vẫn toát lên vẻ hồn hậu của một tâm hồn luôn biết gạn lọc để vượt lên trên bùn lầy của cuộc sống:

Tôi cố lách qua cặn lắng của đời mình Dưới đáy cốc của hy vọng

Có lẽ đó là chỗ con người cần đến thơ nhất, con người cần sự bao dung trong những lầm lạc, rất nhiều lầm lạc, và thơ, với tư cách là "lời của trái tim" thường tìm

ra lối đi của mình. Trong cuộc sống ấy, tác giả lại càng ý thức về phẩm giá, về cách sống của con người:

Tôi hỏi đất:

- Đất sống với đất như thế nào? - Chúng tôi tôn cao nhau Tôi hỏi nước:

- Nước sống với nước như thế nào? - Chúng tôi làm đầy nhau

Tôi hỏi cỏ:

- Cỏ sống với cỏ như thế nào? - Chúng tôi đan vào nhau Làm nên những chân trời Tôi hỏi người:

- Người sống với người như thế nào?

(Hỏi)

Các sự vật khách quan đều mang tính biểu tượng cho lối sống nương tựa, cùng nhau sinh tồn và phát triển, một cách ứng xử văn hoá: “tôn cao”, “làm đầy”, “đan

vào” để “làm nên” những điều tốt đẹp. Nhưng có câu hỏi đã được ấp ủ, thôi thúc, day

dứt từ lâu mà tác giả không trả lời được. Đó là câu hỏi về người sống với người. Hơn bao giờ hết, ý nghĩa của câu hỏi này đặt ra vấn đề muôn thuở con người phải sống thế nào cho đúng. Qua đây, tác giả muốn nhắn nhủ mọi người về triết lí sống vượt ra khỏi chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, hẹp hòi, biết vị tha và biết sống vì người khác để cùng nhau tiến bộ, biết đoàn kết để cùng vươn tới những điều kì diệu trong cuộc sống.

Như vậy, thơ Hữu Thỉnh luôn hướng về hiện thực đời sống, mỗi bài thơ ông là một chiêm nghiệm, một suy tư về thế thái nhân tình. Có thể khẳng định thơ Hữu Thỉnh mang đậm những suy tư về cõi người. Những vần thơ của ông luôn ở trong trí nhớ của người yêu thơ đương thời, tham dự vào những vui buồn của họ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiện thực và con người trong sáng tác của hữu thỉnh (Trang 41 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)