Viễn thông (Telecommunication) được hiểu là việc truyền thông tin bằng con đường điện tử, giữa những điểm cách xa nhau về mặt địa lí. Trước kia, khi nói đến viễn thông là nói đến việc truyền các cuộc nói chuyện qua đường điện thoại, thì ngày nay viễn thông chủ yếu thực hiện việc truyền các dữ liệu số, bằng cách sử dụng các máy tính để truyền các dữ liệu từ điểm nọ tới điểm kia. Sản phẩm và dịch vụ viễn thông thường rất đa dạng và phong phú: Từ dịch vụ điện thoại vùng cho tới các dịch vụ điện thoại tầm xa, từ dịch vụ truyền thông không dây, truyền hình cáp tới truyền thông qua vệ tinh, các dịch vụ Internet, vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý là quyết định cách thức tích hợp các dịch vụ viễn thông này như thế nào vào các HTTT và các tiến trình nghiệp vụ của tổ chức sao cho các hệ thống đó có thể mang lại giá trị kinh doanh cao nhất.
a, Các yếu tố cấu thành hệ thống viễn thông
Hệ thống viễn thông (Telecommunication System) là tập hợp các yếu tố phần cứng và phần mềm tương thích, phối hợp với nhau để truyền thông tin từ điểm này đến điểm khác. Các hệ thống viễn thông cho phép truyền văn bản, ảnh đồ họa, âm thanh và video. Các yếu tố cấu thành hệ thống viễn thông bao gồm:
Các máy tính để xử lý thông tin.
Các thiết bị đầu cuối hay các thiết bị vào/ra để gửi/nhận dữ liệu.
Các kênh truyền thông để truyền dữ liệu hoặc âm thanh giữa các thiết bị nhận/gửi trong một hệ thống mạng. Các kênh truyền thông sử dụng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau như: đường điện thoại, cáp quang, cáp xoăn và truyền thông không dây.
Các bộ xử lý truyền thông như Modem, bộ tập trung (Concentrator), bộ phân kênh (Multiplex), bộ kiểm soát truyền thông (Controller) và bộ tiền xử lý (Front- End Proccesor) với chức năng hỗ trợ truyền và nhận thông tin.
Phần mềm truyền thông (Telecommunications Software) có nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động vào/ra và quản lý các chức năng khác của mạng truyền thông.
Modem
Modem là thiết bị chuyển đổi tín hiệu số từ máy tính ra tín hiệu tương tự cho kênh tương tự và ngược lại.
Máy chủ
Máy chủ (Host Computer) thường là những máy tính lớn hoặc máy mini, cung cấp năng lực tính toán, truy nhập vào các cơ sở dữ liệu, cung cấp các chương trình ứng dụng và điều hành toàn mạng.
Bộ tiền xử lý
Bộ tiền xử lý (Front - End Processor) là máy tính hoặc thiết bị xử lý thường được dùng để xử lý các tác vụ vào/ra và một số tác vụ khác, trước khi vào máy chủ.
Thiết bị đầu cuối
Thiết bị đầu cuối (Terminal) thường được hiểu là những thiết bị vào/ra được gán vào mạng, không có trí tuệ và bộ nhớ. Máy vi tính có thể đóng vai trò như một thiết bị đầu cuối, nhưng nó thuộc thiết bị đầu cuối thông minh.
Bộ tập trung
Bộ tập trung (Concentrator) là một máy tính viễn thông có chức năng thu thập và lưu trữ tạm thời các thông báo đến từ các máy trạm chờ cho tới khi các thông báo được tập hợp đủ rồi mới gửi đi.
Bộ phân kênh
Bộ phân kênh (Multiplexer) là thiết bị cho phép một kênh truyền thông truyền đồng thời dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Thiết bị này sẽ thực hiện phân chia kênh truyền thông, sao cho kênh này có thể được chia sẻ cho nhiều thiết bị truyền thông. Bộ phân kênh có thể chia một kênh truyền thông tốc độ cao thành nhiều kênh có tốc độ thấp hơn hoặc gán cho mỗi nguồn truyền thông một khoảng thời gian rất ngắn quyền sử dụng đường truyền tốc độ cao đó.
Bộ kiểm soát
Bộ kiểm soát (Controller) là một máy tính chuyên dùng, thực hiện chức năng theo dõi dòng truyền thông giữa CPU và các thiết bị ngoại vi trong một hệ thống viễn thông.
b, Các chức năng cơ bản của hệ thống viễn thông
Để có thể thực hiện truyền và nhận thông tin từ một điểm tới điểm khác, một hệ thống viễn thông phải thực hiện rất nhiều chức năng khác nhau:
Truyền thông tin.
Thiết lập các giao diện giữa người nhận và người gửi. Chuyển các thông báo theo đường truyền hiệu quả nhất.
Thực hiện các thao tác xử lý thông tin cơ bản để đảm bảo rằng các thông báo đúng loại đến đúng người nhận.
Thực hiện các thao tác hiệu chỉnh dữ liệu, ví dụ kiểm tra những lồi truyền thông và tái tạo lại khuôn dạng cho dữ liệu.
Chuyển đổi các thông báo từ một tốc độ (ví dụ tốc độ của máy tính) sang một tốc độ khác (ví dụ tốc độ của đường truyền) hay chuyển đổi dữ liệu từ khuôn dạng này sang khuôn dạng khác.
Về nguyên tắc, hệ thống viễn thông phải kiểm soát được dòng thông tin. Rất nhiều hoạt động được máy tính điện tử thực hiện. Một mạng viễn thông thường bao gồm nhiều yếu tố phần cứng và phần mềm khác nhau. Những yếu tố này cần phối hợp hoạt động với nhau để thực hiện chức năng truyền thông. Các thành phần khác nhau trong một hệ thống mạng có thể “giao tiếp”, “nói chuyện” được với nhau thông qua việc tuân thủ một bộ các quy tắc chung. Bộ các quy tắc và các thủ tục liên quan đến truyền thông giữa hai điểm trong mạng gọi là một giao thức (Protocol). Mỗi một thiết bị trong mạng đều phải có khả năng diễn dịch được giao thức của thiết bị khác.
Các chức năng chính của các giao thức trong một mạng viễn thông là nhận diện mỗi thiêt bị trong đường truyền, xác nhận sự hoàn hảo của việc nhận thông báo, xác nhận một thông báo cần phải được truyền lại vì thông báo đó không được diễn dịch đúng, khôi phục lại dữ liệu nếu có lỗi xảy ra.
c, Các loại tín hiệu
Thông tin được truyền đi trên mạng viễn thông ờ dạng các tín hiệu số hoặc tương tự. Tín hiệu tương tự (Analog Signal) được biểu diễn ờ dạng sóng liên tục và được truyền qua môi trường truyền thông. Các tín hiệu tương tự được dùng để truyền các cuộc nói chuyện (Voice).
Tín hiệu số (Digital Signal) được biểu diễn ở dạng sóng rời rạc. Tín hiệu số truyền dữ liệu đã được mã hóa thành 2 trạng thái: 1-bits và 0-bits.
Tín hiệu số được dùng để truyền dữ liệu. Phần lớn các máy tính truyền thông bằng các tín hiệu số. Mặc dù vậy, với các mạng điện thoại truyền thống được thiết lập để xử lý các tín hiệu tương tự thì chúng sẽ không xử lý được các tín hiệu số nếu không có một quá trình biến đổi tín hiệu số thành tín hiệu tương tự. Về nguyên tắc, tất cả các tín hiệu số phải được chuyển đổi thành tín hiệu tương tự, trước khi chúng có thể được truyền đi trong hệ thống vốn chỉ dành để truyền tín hiệu tương tự. Thiết bị thực hiện chyển đổi này gọi là MODEM (viết ghép các ký tự đầu của từ tiếng anh MOdulation và DEModulation). Một MODEM sẽ thực hiện chức năng biến đổi các tín hiệu số của một máy tính thành dạng tương tự để có thể truyền chúng qua đường điện thoại và chức năng chuyển các tín hiệu tương tự trở lại dạng tín hiệu số để một máy tính khác có thể tiếp nhận và xử lý được chúng.
Có hai giải pháp cho vấn đề truyền dữ liệu máy tính:
Sử dụng thiết bị MODEM: Việc sử dụng MODEM và mạng điện thoại tương tự là khả dĩ trong nhiều ứng dụng, tuy nhiên giải pháp này có những hạn chế về tốc độ truyền dữ liệu và tỷ lệ lỗi.
Sử dụng mạng số: Việc sử dụng mạng số cho phép truyền trực tiếp các tín hiệu 0,1. Giải pháp này có ưu điểm cơ bản là tốc độ truyền cao hơn và tỷ lệ lỗi thấp hơn.
d, Các kênh truyền thông
Kênh truyền thông (Communication Channel) được hiểu là một đường truyền dữ liệu từ một thiết bị này đến một thiết bị khác trong mạng. Một kênh truyền thông có thể sử dụng các loại môi trường truyền khác nhau: cáp xoắn, cáp đồng trục, các quang, sóng điện từ, vệ tinh và các môi trường truyền thông không dây khác.
Mỗi loại môi trường truyền thông có những ưu thế và hạn chế riêng của chúng. Các môi trường truyền thông tốc độ cao thì thường đòi hỏi chi phí lớn nhưng chúng cho phép hạ chi phí dành cho truyền thông mỗi bit. Ví dụ, nếu sử dụng kết nối qua vệ tinh thay vì sử dụng đường điện thoại thì chi phí truyền thông mỗi bit sẽ thấp hơn. Các kênh truyền thông được xếp thành hai nhóm: Kênh truyền hữu tuyến (dây xoắn đôi, cáp đồng trục hoặc cáp quang) và kênh vô tuyến (kênh vi sóng, kênh vệ tinh, sóng vô tuyến hoặc hồng ngoại).
Để xác định được phương tiện truyền thông phù hợp nhất cho một ứng dụng cụ thể cần xem xét các yếu tố: Năng lực đường truyền, độ tin cậy, chi phí, khoảng cách truyền và khả năng di động của người sử dụng mạng.