Phần 2 Tổng quan tài liệu nghiên cứu
2.2 Cơ sở thực tiễn
2.2.2. Kinh nghiệm quản lý đất nông nghiệp ở một số địa phương trong nước
* Tỉnh An Giang
An Giang là một trong các tỉnh có ưu thế đặc biệt về điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp như có diện tích đất nông nghiệp lớn (chiếm 84% diện tích tự nhiên), đất đai bằng phẳng với loại đất chủ yếu là đất phù sa (chiếm 64%) thích nghi với nhiều loại cây trồng khác nhau, lại có khí hậu ôn hòa, nguồn nước ngọt phong phú. Với khoảng 70% dân số là nông dân sống ở nông thôn, những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn luôn được tỉnh ta đặt lên hàng đầu để tạo động lực cho sự phát triển bền vững.
Với ưu thế đặc biệt để sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản nước ngọt (sản lượng cao nhất nước), kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng gạo, thủy sản, rau quả đông lạnh của tỉnh ta chiếm tỷ lệ gần 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Tỉnh An Giang ta đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng kể trong quá trình thi hành Luật Đất đai. Cụ thể đã lập xong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2001 - 2010, hiện đang triển khai lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020 làm cơ sở cho việc định hướng, bố trí đất cho các ngành một cách khoa học. Việc công bố công khai quy hoạch sử dụng đất được cải thiện đáng kể đã góp phần để người dân tham gia trực tiếp vào quá trình quy hoạch. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân cơ bản đã hoàn thành (toàn tỉnh đã cấp GCNQSDĐ ở được 14.665 ha và đất nông nghiệp 275.251 ha, đạt trên 94,5% diện tích đất mà hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng).
Tỉnh An Giang đã có nhiều chính sách ưu đãi về đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực đất nông nghiệp tỉnh đề ra chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp:
+ Hộ nghèo sẽ được miễn toàn bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp; hộ gia đình, cá nhân không phải hộ nghèo được miễn thuế trong phần hạn mức;
+ Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.
Với việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa thì phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp và sản xuất hàng hóa là nhu
cầu tất yếu khách quan. Một trong nhưng biện pháp quan trọng nhất để phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp là giải pháp tập trung ruộng đất để tổ chức sản xuất ở quy mô lớn hơn. Đây chính là nội dung đổi mới chủ yếu trong đổi mới chính sách pháp luật đất đai đã được cụ thể hóa trong Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2003. Dựa vào cơ sở pháp lý này, UBND tỉnh khuyến khích khu vực nông thôn thực hiện phong trào "dồn điền, đổi thửa" để khắc phục tình trạng manh mún do quá trình giao đất trước đây, có điều kiện quy hoạch lại đồng ruộng, sử dụng được các dịch vụ công nghiệp, giao thông, điện, thủy lợi, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, v.v. và áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp. Từng người nông dân, hộ gia đình nông dân hay một nhóm hộ gia đình có năng lực làm nông nghiệp có thể tập trung ruộng đất hình thành các trang trại để có một địa bàn hoạt động rộng hơn, đa dạng hơn và công nghiệp hơn (Trần Hòa Thuận, 2012).
* Tỉnh Thái Bình
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đất đai được quản lý chặt chẽ theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của chủ sử dụng đất ngày càng được nâng lên; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất ngày càng giảm. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai như bán đất trái thẩm quyền, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa không đúng đối tượng, lấn chiếm đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang xây dựng nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng. Trước thực trạng đó, ngày 25/3/2015, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện rà soát, tổng hợp những vi phạm về đất đai; công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt theo quy định; kiên quyết không thực hiện thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với công trình không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, đặc biệt quản lý chặt chẽ đất chuyên trồng lúa nước; nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng và xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp…
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, những năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan truyền thông từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai bằng nhiều hình thức như: hội nghị truyền thông, hỏi đáp, tờ rơi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đôn đốc UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 - 2015 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án sử dụng đất trồng lúa để chuyển sang mục đích phi nông nghiệp. Trong 4 tháng đầu năm 2015, tiếp tục tham mưu, đề nghị chuyển mục đích 379,81ha đất trồng lúa để thực hiện 18 dự án trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích đất nông nghiệp chuyển sang mục đích đất phi nông nghiệp 10.551,5ha. Thực hiện Quyết định số 372 của UBND tỉnh, tổng diện tích đất nông nghiệp chuyển mục đích để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng 197,68ha, số tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất 3.843,67 tỷ đồng, góp phần quan trọng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo (Minh Nguyệt, 2015).
* Thành phố Hồ Chí Minh
Từ khi có Luật Đất đai năm 1987 thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản về công tác Quản lý Nhà nước về đất nông nghiệp và quản lý quy hoạch nhằm thể chế hóa chính sách và pháp luật đất nông nghiệp của Đảng và Nhà nước trên địa bàn. Trong đó đặc biệt là Thành phố đã ban hành Quyết định số 4755/QĐ-UB ngày 26/9/1988 về khung giá các loại đất theo quy định của Nghị định số 87/CP ngày 17/8/1994 của Chính Phủ. Năm 2002, UBND thành phố đã ban hành chỉ thị số 08/CT-UB ngày 22/4/2002 nhằm chấn chỉnh và tăng cường QLNN về đất nông nghiệp trên địa bàn. Hàng nghìn vụ việc vi phạm tổ chức pháp luật của các cơ quan và cá nhân trên địa bàn thành phố đã góp phần ổn định công tác Quản lý nhà nước về đất nông nghiệp ở địa phương. Sau khi Luật Đất nông nghiệp 2003 được ban hành, Cơ quan Thành phố cũng đã triển khai thực hiện tuy nhiên, cũng như tình hình chung trong cả nước thì việc quản lý vẫn còn nhiều phức tạp, bức xúc đang cần khắc phục.
* Tỉnh Thái Nguyên
Căn cứ các quy định của Luật Đất đai năm 2003, tỉnh đã xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về đất nông nghiệp phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, trong đó có các Nghị quyết về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất(QH, KHSDĐ), cấp GCN, bồi thường giải phóng mặt bằng, giá đất; các quy định về cơ chế tài chính, về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, được dư luận đánh giá cao, nhất là công tác giao đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thông qua QH, KHSDĐ, tài nguyên đất bước đầu đã được đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ được môi trường sinh thái; phát huy được nguồn lực đất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng nông thôn mới, quỹ đất sản xuất nông nghiệp đã được khoanh định một cách hợp lý theo nguyên tắc bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất chuyên trồng lúa nước, đất có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, bảo đảm an ninh lương thực; đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc khôi phục, phát triển và bảo vệ rừng, nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 47% năm 2011; diện tích đất chưa sử dụng từng bước được khai thác đưa vào sử dụng một cách hợp lý, từ năm 2005 trở lại đây tỉnh Thái Nguyên đã đưa hơn 14.000 ha đất chưa sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp và các mục đích phi nông nghiệp khác. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được cải thiện đáng kể, nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, địa phương trong tỉnh. Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất nông nghiệp, lập hồ sơ địa chính, cấp GCN, xây dựng cơ sở dữ liệu đất nông nghiệp được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành đo đạc và lập bản đồ địa chính ở 162/181 phường, xã với diện tích trên 338.000 ha đạt 95,82% diện tích tự nhiên. Hệ thống bản đồ địa chính được lập bằng công nghệ số, có độ chính xác cao và chi tiết đến từng thửa đất đáp ứng yêu cầu về cả số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh đã cấp trên 437.000 GCN các loại đất với diện tích trên 163.000 ha đạt gần 60% diện tích cần cấp, trong đó có 4 đơn vị cấp huyện đạt diện tích cấp giấy trên 80%. Công tác kiểm kê đất nông nghiệp theo chỉ thị 31/CT-TTg của thủ tướng Chính phủ và thống kê đất nông nghiệp hàng năm đều đảm bảo chất lượng và thời gian theo quy định. Công tác thông tin, lưu trữ đất nông nghiệp đang từng bước được hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu quản lý, nhu cầu của các ngành, các cấp và của người dân.