Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Một số giải pháp quản lý các dự án xây dựng đầu tư xây dựng cơ bản
4.3.7. Đổi mới và nâng cao trình độ, năng lực cho các chủ đầu tư và cán bộ
quản lý dự án
Trên thực tế hiện nay một số chủ đầu tư, chủ dự án vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản nên công tác quản lý còn yếu kém, chất lượng chưa đạt yêu cầu, chưa đúng quy định, bên cạnh một số chủ đầu tư dự án thực hiện nghiêm túc trình tự quản lý dự án theo quy định vẫn còn một số đơn vị chủ đầu tư, chủ dự án chưa chấp hành đầy đủ các quy định về quản lý dự án đầu tư dẫn đến chất lượng công tác quản lý dự án đầu tư của các chủ đầu tư, chủ dự án chưa cao, chưa lập ra một kế hoạch thực hiện cụ thể. Về bố trí vốn đầu tư của các chủ đầu tư, chủ dự án vẫn còn hiện tượng bố trí vốn một cách dàn trải, nhất là đối với cấp huyện, cấp xã. Trong quá trình thực hiện dự án, vẫn còn một số công trình
kéo dài tiến độ so với kế hoạch, tiến độ triển khai một số công trình còn chậm, một số công trình phải điều chỉnh bổ sung trong quá trình thực hiện, nhiều công trình thi công xong chậm làm thủ tục quyết toán công trình, một số công trình thuộc huyện quản lý đã có quyết định phê duyệt quyết toán nhưng chưa có nguồn thanh toán.
Nguyên nhân của tình trạng trên số lượng và năng lực của cán bộ các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ; một số chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chưa thực hiện đầy đủ các quy định về công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng; quy trình và phương pháp thực hiện còn nhiều bất cập. Điều kiện năng lực quản lý, thực hiện dự án của một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án còn hạn chế, chưa phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước; quy trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, chưa cập nhật hoặc nắm bắt hết các quy định mới của Nhà nước. Nhiều chủ đầu tư, Ban QLDA tham gia thực hiện dự án không đáp ứng điều kiện năng lực... Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần tập trung trang bị những kiến thức quản lý cơ bản về quản lý dự án đầu tư xây dựng, các kiến thức về pháp luật đầu tư, Luật xây dựng, các thông tin về đầu tư xây dựng một cách đầy đủ... Xây dựng tinh thần tận tuỵ với công việc, có trách nhiệm cao, có năng lực tổ chức, có đầu óc sáng tạo và đổi mới, ý thức tổ chức kỷ luật cao, tác phong làm việc phải dân chủ. Vì lợi ích lâu dài cần có phương hướng đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.
Trong quản lý đầu tư và xây dựng, vốn đầu tư được Nhà nước giao cho chủ đầu tư quản lý. Do đặc điểm của hoạt động đầu tư XDCB là lượng vốn lớn, thời gian đầu tư xây dựng kéo dài, việc quản lý các dự án đầu tư XDCB là hết sức quan trọng phải lựa chọn được người làm chủ dự án có đủ năng lực, có kinh nghiệm chuyên môn về quản lý xây dựng, có tố chất cần thiết về quản lý và nghiệp vụ chuyên môn, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên và tập thể lao động. Vì vậy trong quá trình chỉ đạo lập, thẩm định phê duyệt dự án cần chọn được cán bộ QLDA đảm bảo yêu cầu mới quyết định đầu tư. Từ thực trạng đó để nâng cao chất lượng quản lý trong quản lý đầu tư XDCB từ NSNN, bộ máy thực thi công tác quản lý cần được kiện toàn, nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động làm việc trong lĩnh vực này. Có cơ chế, hình thức thưởng phạt và xử lý nghiêm minh những vi phạm, sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gây lãng phí, thất thoát nguồn lực tài chính cua Nhà nước.
- Tổ chức lại ban quản lý dự án đảm bảo là chủ đầu tư thực sự gắn trách nhiệm trong quá trình sử dụng vốn đầu tư, quản lý tài sản khi dự án kết thúc đưa vào sử dụng.
- Quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ của chức danh chủ đầu tư.