3.1.1.1. Vị trí địa lí
Yên Khánh là huyện đồng bằng nằm ở phía đông nam của tỉnh Ninh Bình dọc Quốc Lộ 10 nối liền giữa thành phố Ninh Bình với vùng biển Kim Sơn và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 13km ,có tọa độ địa lý: từ 20007’ đến 20016’ vĩ độ Bắc và từ 105057’ đến 106010’ kinh độ Đông (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Khánh, 2015).
Yên Khánh có tổng diện tích tự nhiên 139,0577km2, phía tây bắc giáp thành phố Ninh Bình, phía bắc và đông bắc giáp tỉnh Nam Định, phía nam giáp huyện Kim Sơn, phía tây nam giáp huyện Yên Mô (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Khánh, 2015).
Vị trí địa lý khá thuận lợi trên đây là điều kiện cơ bản để huyện Yên Khánh giao lưu kinh tế, văn hóa với các vùng lân cận. Mặt khác với quy mô diện tích vừa phải, đất đai bằng phẳng lại gần các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế của Ninh Bình nên huyện Yên Khánh có điều kiện để phát huy tiềm năng đất đai và các nguồn lực khác nhằm phát triển kinh tế - xã hội.
3.1.1.2. Địa hình
Yên Khánh là huyện đồng bằng thuần nhất, địa hình tương đối bằng phẳng, cao trình đất đai có xu hướng giảm dần theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Khu vực thấp nhất thuộc các xã Khánh Thành, Khánh Công, Khánh Thủy thường hay bị ngập úng vào mùa mưa lũ, độ cao trung bình 0,6m-3m so với mực nước biển, đất đai chủ yếu là đất phù sa không được bồi đắp hàng năm. Địa hình bằng phẳng tạo tiềm năng phát triển nông nghiệp (trồng lúa, rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày), công nghiệp (chế biến lương thực, thực phẩm và các làng nghề truyền thống) và các ngành dịch vụ.
3.1.1.3. Tài nguyên đất
Với diện tích 13.905,77ha, huyện Yên Khánh có 12 loại đất thuộc nhóm đất phù sa có diện tích 12.127,91ha chiếm 88,02% diện tích tự nhiên, được sự hình thành và bồi đắp của phù sa sông Đáy (Phòng Tài nguyên và Môi trường
huyện Yên Khánh, 2015). Độ dày tầng đất ≥1m, bề mặt ruộng đất bằng phẳng, độ dốc <80, trong đó chủ yếu là đất phù sa trung tính ít chua. Đất tự nhiên của huyện Yên Khánh chủ yếu là đất phù sa ít chua, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đất tương đối khá. Trong 12 đơn vị đất đai của huyện thì có 7 đơn vị thuộc nhóm đất phù sa trung tính ít chua, 2 đơn vị đất thuộc nhóm đất phù sa đều có khả năng trồng lúa, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày.
3.1.1.4. Khí hậu và thủy văn
Yên Khánh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng: mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều và mùa đông khô lạnh, mưa ít. Theo tài liệu thống kê của thủy văn huyện Yên Khánh: nhiệt độ trung bình năm từ 23,00C-23,60C.Tổng lượng mưa trung bình năm đạt 1.890mm-1950mm nhưng lượng mưa phân bố không đồng đều giữa các tháng trong năm. Độ ẩm không khí tương đối cao, bình quân cả năm từ 83%-87%.
Yên Khánh có mạng lưới sông ngòi khá dày. Với tổng chiều dài gần 85km, phân bố rộng khắp trong huyện, các sông thường theo hướng tây bắc – đông nam ra biển; trong đó các trục sông chính: sông Đáy, sông Vạc, sông Mới, sông Dưỡng Điền, sông Năm xã, sông Tiên Hoàng…( Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Khánh, 2015).