4.4.2.1. Cơ sở thực hiện giải pháp
Căn cứ vào việc cụ thể hóa các chính sách, pháp luật có liên quan chưa được kịp thời, sát sao so với thực tiễn tại địa bàn huyện Mai Châu. Với tiềm năng du lịch đang phát triển của huyện nhưng các chính sách vẫn còn là những ràng buộc hạn chế cho sự phát triển này. Chính vì thế, các thành phần tham gia vào đầu tư du lịch bị bó hẹp chưa được mở rộng.
4.4.2.2. Nội dung của giải pháp
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp có liên quan đến du lịch. Cần chú trọng hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách đầu tư cho du lịch, giải quyết tốt các vấn đề có tính liên ngành như: Cơ chế chính sách về thuế, đầu tư, xuất nhập cảnh, hải quan…tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển nhanh.
4.4.2.3. Tổ chức thực hiện giải pháp
Để đạt được mục tiêu đó trong những năm tới du lịch cần chú trọng đến các vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đối với du lịch.
Về thuế, cần ưu tiên thuế nhập khẩu với thuế suất bằng thuế suất nhập tư liệu sản xuất đối với các trang thiết bị khách sạn, cơ sở vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển khách du lịch, vật tư phục vụ du lịch mà trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng được yêu cầu hiện đại hoá cơ sở du lịch theo yêu cầu của du khách. Có chế độ hợp lý về thuế, về giá điện, nước trong kinh doanh khách sạn, rà soát điều chỉnh phương pháp tính thuế, lệ phí, các hình thức vé liên quan đến du lịch.
Về chính sách đầu tư, cần áp dụng một cách linh hoạt nhất, ưu đãi nhất đối với các nhà đầu tư. Để thay đổi cơ cấu đầu tư, huyện Mai Châu cần áp dụng các chính sách ưu tiên giảm miễn thuế hoặc không thu thuế có giới hạn đối với các vùng khác nhau và ngay cả trong một khu du lịch có các chức năng khác nhau hoặc các loại hình kinh doanh du lịch mới, ngoài các quy định hiện hành của Nhà nước: được thuê đất với mức giá hợp lý trong khung giá Nhà nước quy định; được hỗ trợ tuyển dụng lao động và hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động đối với trường hợp các dự án sử dụng lao động tại địa phương; cam kết đảm bảo tiến độ trong việc đền bù giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư thực hiện dự án; được hỗ trợ về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; đối với các dự án đầu tư cho du lịch ở các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho thuê đất lâu dài; được quan tâm đầu tư phát triển CSHT phục vụ triển khai dự án; giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, gọn; trong quá trình thực hiện, cần nghiên cứu và ban hành riêng chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với đầu tư cho du lịch Mai Châu.
Thứ hai, áp dụng cơ chế “mở cửa” thông qua đơn giản hóa thủ tục xin visa du lịch bao gồm: giảm các yêu cầu hành chính về thư cho phép, giảm phí làm visa, cho phép loại hình visa nhập cảnh nhiều lần để thúc đẩy thương mại và kéo dài được thời hạn của visa.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực du lịch, phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững.
Thư tư, rà soát quy hoạch, các dự án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư cũng cần được xem xét về nội dung và mức độ ưu tiên nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển chung của ngành.
Thứ năm, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn nghề và các tiêu chuẩn có liên quan khác, ban hành các chế tài để tạo cơ chế tự giám sát, kiểm soát. Phối hợp với các tỉnh hình thành các mạng lưới liên kết như “hiệp hội di sản”, “mạng lưới du lịch cộng đồng”, “mạng lưới DLST”, “mạng lưới du lịch lễ hội”... các mạng lưới này hoạt động nhằm trao đổi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm trực tuyến và hỗ trợ kinh doanh bán hàng...
Thứ sáu, sửa đổi các quy định về thủ tục cấp giấy phép cho các loại hình sở hữu của các đơn vị tổ chức du lịch.
4.4.3. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở huyện Mai Châu