Đầu tư xây dựng cơ bản là nhiệm vụ của mọi chủ thể trong nền kinh tế, song Nhà nước vẫn là chủ thể quan trọng nhất trong việc đưa kế hoạch, chiến lược và quản lý hoạt động này. Đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước vốn có vai trò quan trọng đối với hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên do đặc thù kinh tế xã hội và mức phát triển và thể chế của mỗi nước là khác nhau nên quản lý Nhà nước về ĐTXDCB cũng có sự khác nhau.
2.2.1.1. Kinh nghiệm từ Trung Quốc
Trung Quốc là một trong các quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên về tổ chức ngân sách và Nhà nước, Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Trong nhiều thập niên qua, công tác quản lý Nhà nước về ĐTXDCB ở quốc gia này rất được chú trọng. Tại quốc gia này, tất cả các dự án đầu tư XDCB từ NSNN đều phải nằm trong quy hoạch đã được duyệt mới được chuẩn bị đầu tư. Trung Quốc xây dựng Luật riêng về Quy hoạch. Ủy ban Phát triển và Cải cách nhà nước Trung Quốc là cơ quan đầu mối tổ chức thẩm định, tổng hợp, lập báo cáo thẩm định về các quy hoạch phát triển, sau đó trình
Quốc Vụ viện (thuộc Chính phủ) phê duyệt; kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện các quy hoạch. Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư và danh mục các dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ NSNN căn cứ vào các quy hoạch đã được duyệt để đề xuất (Nguyễn Hữu Đông, 2016).
Trung Quốc luôn đặc biệt coi trọng khâu chủ trương đầu tư dự án. Tất cả các dự án đầu tư XDCB đều phải lập Báo cáo đề xuất dự án bao gồm cả các dự án đã có trong quy hoạch đã được phê duyệt. Việc điều chỉnh các dự án đầu tư nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt phải được sự chấp thuận của cơ quan phê duyệt quy hoạch đó (Nguyễn Hữu Đông, 2016).
Trung Quốc phân loại dự án quan trọng quốc gia trên cơ sở các tiêu chí về quy mô tổng mức đầu tư, quy mô tác động kinh tế - xã hội, môi trường của dự án và quy mô sử dụng các nguồn tài nguyên, khoáng sản của quốc gia. Quốc vụ viện Trung Quốc phê duyệt các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách nhà nước và có tổng mức đầu tư từ 5 tỷ nhân dân tệ trở lên, tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng (Nguyễn Hữu Đông, 2016).
Việc tổ chức kiểm tra giám sát các dự án đầu tư XDCB được thực hiện thông qua nhiều cấp, nhiều vòng giám sát khác nhau. Mục đích của kiểm tra giám sát đầu tư của Nhà nước là để đảm bảo đầu tư đúng mục đích, đúng dự án, đúng quy định và hiệu quả. Các địa phương hoặc cơ quan có dự án phải bố trí lực lượng thực hiện giám sát thường xuyên theo các quy định pháp luật (Nguyễn Hữu Đông, 2016).
Ủy ban phát triển và cải cách từng cấp thành lập bộ phận giám sát đầu tư riêng, bộ phận này có trách nhiệm tổ chức kiểm tra giám sát các dự án đầu tư XDCB do thuộc phạm vi quản lý của mỗi cấp. Trong một số trường hợp đặc biệt có thể thành lập tổ đặc nhiệm để thực hiện giám sát trực tiếp tại dự án. Ủy ban phát triển và Cải cách thành lập và chủ trì các tổ giám sát các dự án đầu tư XDCB kết hợp sự tham gia của các cơ quan tài chính, các ban ngành và các cơ quan, địa phương có liên quan (Nguyễn Hữu Đông, 2016).
2.2.1.2. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Trải qua một giai đoạn phát triển thần kỳ, hiện nay Hàn Quốc trở thành một trong những nước phát triển trên thế giới. Cho đến nay tại Hàn Quốc về cơ bản cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện và hiện đại, cũng chính nhờ đó mà Hàn Quốc đã đạt được sự phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua. Trung
tâm quản lý đầu tư hạ tầng công - tư thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc là cơ quan chính chịu trách nhiệm tiến hành lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án đầu tư XDCB có quy mô lớn (Nguyễn Hữu Đông, 2016). Bộ Chiến lược và Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định, thông qua và quyết định việc loại bỏ hoặc chuyển sang giai đoạn nghiên cứu khả thi các dự án này, bao gồm:
(1) Dự án dùng vốn ngân sách trung ương có tổng mức đầu tư từ 50 tỷ won (tương đương 50 triệu USD) trở lên, bao gồm cả dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và không xây dựng cơ sở hạ tầng như các chương trình đầu tư nghiên cứu phát triển và phúc lợi xã hội (Nguyễn Hữu Đông, 2016);
(2) Dự án dùng vốn ngân sách của địa phương và các dự án hợp tác công tư có nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương trên 30 tỷ won (khoảng 30 triệu USD) (Nguyễn Hữu Đông, 2016).
Sau khi Bộ Chiến lược và Tài chính thẩm định, Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án nêu trên sẽ được trình ra Quốc hội Hàn Quốc xem xét, quyết định.
Đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên phải lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan của ngân sách cấp trên trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Việc thẩm định các dự án đầu tư ở tất cả các bước từ lập dự toán, đấu thầu,… đều thông qua Hội đồng thẩm định của từng cấp và lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cùng cấp và cấp trên nếu có sử dụng vốn hỗ trợ của ngân sách cấp trên (Nguyễn Hữu Đông, 2016).
Hội đồng thẩm định của từng cấp do cơ quan được giao kế hoạch vốn đầu tư thành lập. Thành viên Hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia có chuyên môn sâu thuộc lĩnh vực dự án yêu cầu, được lựa chọn theo hình thức rút thăm từ danh sách các chuyên gia được lập, quản lý ở từng cấp theo từng phân ngành. Các chuyên gia này được xác định là có trình độ chuyên môn thích hợp, đáp ứng yêu cầu thẩm định của từng dự án cụ thể. Với quy trình và cách thức quản lý Nhà nước như trên, về cơ bản hoạt động đầu tư XDCB đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của quốc gia này (Nguyễn Hữu Đông, 2016).