4.1.1. Điều kiện tự nhiên
4.1.1.1. Vị trí địa lý và ranh giới địa chính:
Nho Quan nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Ninh Bình có tọa độ địa lý từ 22°10'00'' đến 22°27'30'' vĩ độ Bắc và từ 105°32'30'' đến 105°51'20'' kinh độ Đông.
-Phía Bắc giáp tỉnh Hòa Bình;
-Phía Đông và Đông Nam giáp huyện Gia Viễn và huyện Hoa Lư; -Phía Nam giáp thị xã Tam Điệp;
-Phía Tây giáp tỉnh Thanh Hóa
Nho Quan là cửa ngõ quan trọng của tỉnh trong việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh vùng Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc bộ và khu IV cũ. Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến giao thông quan trọng: Quốc lộ 12B chạy theo hướng Bắc ÷ Nam dài khoảng 24,0 km từ cầu Lập Cập đến cầu Vĩnh Khương, quốc lộ 45 dài 9 km từ ngã ba Rịa tới dốc Giang đi Thanh Hóa. Đường tỉnh lộ 477, 477C, 479, 479B, 479C, 491 chạy qua địa bàn nhiều xã trong huyện, ngoài ra trên địa bàn huyện còn có mạng lưới sông ngòi khá dày như: Sông Đập (Sông Na), sông Bôi, sông Lạng, sông Rịa, sông Bến Đang, ... chảy qua giúp cho Nho Quan có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội.
4.1.1.2. Địa hình:
Nho Quan nằm trên địa bàn trung chuyển của các hệ thống tự nhiên ở phía Tây Nam đồng bằng sông Hồng, giáp với đồng bằng sông Mã qua vùng núi Cúc Phương, là vùng cuối cùng của vùng núi Tây Bắc trong khu đệm Hòa Bình – Thanh Hóa. Địa hình nhìn chung không bằng phẳng được phân thành 03 vùng cụ thể:
* Vùng núi đá vôi
Tập chung chủ yếu ở phía Tây của huyện dọc theo ranh giới giữa Ninh Bình và Hòa Bình, Thanh Hóa, Vườn quốc gia Cúc Phương. Ở đây có nhiều núi cao trùng điệp và thung lũng hiểm trở, là vùng rừng nguyên sinh có nhiều giá trị về kinh tế và khoa học. Ngoài ra còn một số núi đá vôi độc lập phân bố rải rác
xen kẽ với đất canh tác ở hầu hết các xã trong huyện. Vùng này có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi đại gia súc đặc sản (hươu, dê, ...), phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và du lịch.
* Vùng bán sơn địa
Bắt đầu từ cửa rừng Cúc Phương đi ra theo hướng Đông Nam là giải núi đồi xen lẫn chạy qua nông trường Đồng Giao xuống đến xã Yên Lâm, huyện Yên Mô. Hình dạng đồi rất đa dạng: Đồi dài, cao, độ dốc đến 450 ở vùng Kỳ Phú, Quảng Lạc, Sơn Hà, Rịa, đồi lượn sóng thấp ở Quỳnh Lưu. Kế tiếp vùng đồi núi bắt đầu từ Rịa chạy theo hướng Bắc đến xã Gia Tường là vùng đồng bằng cao trước núi, tương đối bằng phẳng, hơi nghiêng về phía Đông, bị chắn ở phía Tây Bắc bởi một giải núi, đồi chạy từ Thạch Bình đến Xích Thổ. Hình dạng kiểu đồi dài, bát úp, đỉnh tròn xen kẽ, độ dốc thường lớn hơn 300. Vùng này có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế theo mô hình VRC trồng cây ăn quả theo quy mô lớn, phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch, ...
* Vùng đồng chiêm trũng
Nằm giữa vùng đồi núi và các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, thị xã Tam Điệp, vùng này có địa hình lòng chảo, độ cao trung bình từ 0,7 đến 0,9 m so với mực nước biển, vào mùa mưa thường bị ngập nước. Vùng này thuận lợi cho việc canh tác lúa nước, nuôi thả thủy sản.
4.1.1.3. Khí hậu thời tiết:
Nho Quan mang những đặc điểm của tiểu vùng khí hậu đồng bằng bắc bộ, đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm và mưa nhiều.
a. Nhiệt độ
Nhiệt độ trung bình năm từ 23,6oC. Tổng nhiệt độ trung bình năm từ 8.500 ÷ 8.600oC, mùa đông nhiệt độ trung bình là 20oC, tháng lạnh nhất là tháng 1 và tháng 2, nhiệt độ trung bình có thể dưới 10oC. Mùa hạ nhiệt độ trung bình là 27oC tháng nóng nhất là tháng 7 và tháng 8, nhiệt độ trung bình trên 30oC.
Tổng nhiệt độ của Nho Quan khá dồi dào, nhưng sự phân bố theo hai mùa lại lệch nhau khá lớn, tổng nhiệt độ vụ chiêm xuân chỉ bằng 70% tổng nhiệt độ vụ mùa. Với tổng nhiệt độ này vẫn đảm bảo đủ nhiệt độ cho cây trồng vụ đông xuân phát triển, nếu bố trí giống và thời vụ thích hợp.
b. Lượng mưa
Tổng lượng mưa trung bình năm từ 1.850 – 1.970 mm (trung bình năm có 129 ÷ 161 ngày mưa), lượng mưa tập trung chủ yếu vào 6 tháng mùa mưa
(từ tháng 5 đến tháng 10) chiếm 80 ÷ 85% tổng lượng mưa cả năm, lũ lụt cũng thường xuyên xảy ra trong thời gian này. Vào mùa đông lượng mưa thấp khoảng 15 ÷ 20% tổng lượng mưa cả năm, chủ yếu là dạng mưa nhỏ, mưa phùn.
c. Độ ẩm
Do chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên huyện Nho Quan có độ ẩm không khí tương đối cao, bình quân độ ẩm cả năm từ 84 ÷ 86%, chênh lệch về độ ẩm giữa các tháng không nhiều. Tháng có độ ẩm cao nhất là 90% (tháng 02), thấp nhất là 81% (tháng 10).
d. Lượng bốc hơi
Trung bình năm từ 850 ÷ 870 mm, trong đó mùa hạ chiếm 60% lượng bốc hơi cả năm, tháng 7 có lượng bốc hơi lớn nhất là 105 mm, tháng 2 có lượng bốc hơi nhỏ nhất là 45 mm.
e. Gió
Hướng gió thịnh hành thay đổi theo mùa, mùa đông hướng gió thịnh hành là hướng Đông Bắc, những tháng giữa và cuối mùa đông gió có xu hướng lệch đần về hướng Đông. Mùa hè hướng gió thịnh hành từ Đông hoặc Đông Nam.
Huyện Nho Quan còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của gió lục địa, hướng Tây hoặc Tây Nam; gió biển theo hướng Đông Nam. Vào các tháng 7, 8 ,9 thường có bão làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn.
4.1.1.4. Thủy văn:
Là huyện trung du miền núi, cho nên hệ thống sông ngòi của Nho Quan không có nhiều. Toàn huyện có 05 con sông lớn chảy qua:
a. Sông Bôi
Bắt nguồn từ Hòa Bình đi qua bốn xã của huyện là Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Thủy và Đức Long dài 18,5 km. Đây là nguồn nước ngọt chủ yếu cung cấp cho các xã phía Đông và Đông Bắc của huyện.
b. Sông Hoàng Long
Bắt nguồn từ Hòa Bình chảy vào Nho Quan (tại xã Thạch Bình) và đổ ra sông Bôi tại xã Đức Long, dài 12,5km. Đây là con sông khá lớn, chảy cắt ngang huyện, là nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu cho khu vực trung tâm huyện và các xã lân cận.
c. Sông Rịa
Bắt nguồn từ khu vực xã Phú Long, đi qua một số xã của Nho Quan như Sơn Thành, Quỳnh Lưu, Sơn Lai.
d. Sông Bến Đang
Được bắt nguồn từ sông Rịa (khu vực xã Quỳnh Lưu) chảy qua xã Quỳnh Lưu , Sơn Hà dài 8 km. Đây là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho xã Sơn Hà và một phần xã Quỳnh Lưu.
e. Sông Đập (Sông Na)
Được bắt nguồn từ tỉnh Hòa Bình và đổ vào sông Bôi, cung cấp nước tưới cho xã Gia Tường và xã Gia Lâm. Đây là nguồn tài nguyên quý giá của huyện, không những đảm bảo cung cấp nước ngọt cho sản xuất và đời sống dân sinh của nhân dân trong khu vực mà còn là tiềm năng để khai thác phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản.
4.1.2. Các nguồn tài nguyên
4.1.2.1. Tài nguyên đất
- Diện tích đất tự nhiên của huyện là 45.052,52 ha.
Theo kết quả xây dựng bản đồ đất huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, đề tài thống kê được 11 loại đất chính trong huyện bao gồm:
+ Đất bạc màu đất xám bạc màu trên phù sa cổ.
Diện tích 2.063,99 ha, phân bố ở các xã Thạch Bình, Phú Sơn, Lạc Vân, Đồng Phong, Phú Lộc, Sơn Hà, Quỳnh Lưu.
Đất hình thành từ sản phẩm là phù sa cổ, phân bố ở địa hình cao, bậc thang, dốc nằm kề với núi. Do quá trình canh tác lâu đời và sự bóc lột đất tới mức tối đa đã làm cho đất mất dần các chất dinh dưỡng. Quá trình hình thành cơ bản của đất bạc màu là quá trình rửa trôi, xói mòn bề mặt và rửa trôi thẳng đứng. Các quá trình này xảy ra trong tự nhiên và được thúc đẩy bởi lịch sử lâu dài. Nguyên nhân thứ hai là do phân bố ở địa hình dốc nên quá trình rửa trôi, xói mòn đất diễn ra liên tục làm đất cũng bị mất các chất dinh dưỡng
+ Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ.
Đất hình thành ở những thung lũng thấp, nhỏ trong các vùng đồi núi, do sản phẩm phong hoá của đá mẹ sa thạch, phiến thạch, đá vôi đưa xuống bồi tụ thành.
+ Đất nâu vàng phát triển trên đá vôi
Diện tích 5.201,85 ha, phân bố chủ yếu ở xã Kỳ Phú, Quỳnh Lưu, Sơn Lai, Phú Long, Xích Thổ, vườn quốc gia Cúc Phương, xã Quỳnh Lưu, Đồng Phong, Phú Sơn ... Đất hình thành trên sản phẩm phong hoá của vôi ở địa hình cao.
+ Đất đỏ vàng trên đá sét
Diện tích 5.412,75 ha, phân bố ở các xã Quỳnh Lưu, Kỳ Phú, Sơn Lai, Quảng Lạc, Xích Thổ, Thạch Bình,...
Đất hình thành do sản phẩm phong hoá của phiến thạch sét trầm tích kỷ Tri-at. Quá trình phong hoá đá mẹ diễn ra mạnh mẽ ở độ cao 25m trở xuống nên đất có tầng rất dày. Ở độ cao >25m độ ẩm kém, mức độ phong hoá yếu, quá trình rửa trôi, xói mòn mạnh, độ che phủ kém nên tầng đất mỏng và xuất hiện đá lộ đầu.
+ Đất đỏ nâu trên đá vôi
Diện tích: 1.833,01 ha, phân bố ở các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Quỳnh Lưu, Sơn Lai, Quảng Lạc.
Đất hình thành do quá trình phong hoá của đá vôi, phiến thạch vôi ở địa hình cao nên thường bị hạn vào vụ chiêm. Độ che phủ của thảm thực vật thấp, quá trình bốc hơi nước cao. Từ đó thúc đẩy nhanh chóng quá trình hình thành kết von. Kết von chủ yếu ở dạng hình tròn đường kính từ 1 - 3 mm.
+ Đất phù sa được bồi trung tính, ít chua
Diện tích 156,25 ha, phân bố thành dải hẹp dọc theo phía ngoài đê của các sông thuộc xã Xích Thổ. Đất được hình thành do phù sa sông Đáy và sông Bôi bồi đắp.
Đất phù sa được bồi hàng năm phân bố ở bãi thấp, thường xuyên bị ngập trong mùa mưa lũ, đồng thời với quá trình bị ngập có quá trình bồi tích phù sa. Đất phù sa được bồi hàng năm thể hiện rõ đặc điểm phân lớp, phẫu diện đất cát có xen các tầng đất thịt và ngược lại các bãi bồi đất thịt có thể xen các tầng cát.
+ Đất phù sa không được bồi trung tính, ít chua
Diện tích 156,25 ha, phân bố ở địa hình thấp trong đê thuộc xã Xích Thổ, Gia Tường, Gia Thủy.... Đất được hình thành do sản phẩm bồi tích của sông Đáy,
sông Bôi nhưng hiện nay đã thoát ly quá trình bồi đắp của phù sa, do hình thành hệ thống đê ngăn lũ, một vài nơi do phân bố ở địa hình cao nên không còn chịu ảnh hưởng của chế độ ngập lụt, không còn bồi tụ thêm.
+ Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng
Diện tích 5.774 ha, phân bố thành một dải lớn dọc theo đường 12 từ xã Đồng Phong đến xã Sơn Lai, Quảng Lạc.
Đất được hình thành ở địa hình cao, tiếp giáp với vùng đồi núi bị bào mòn đưa xuống tạo thành. ảnh hưởng của chế độ nước và quá trình canh tác đã làm xuất hiện quá trình tích lũy Fe, Al hình thành kết von, đá ong
+ Đất phù sa glây
Diện tích 2.958 ha, phân bố ở các xã thuộc khu vực đồng bằng.
Đất cũng được hình thành do sự lắng đọng của phù sa sông nhưng phân bố ở địa hình thấp, trũng so với địa hình xung quanh. Do đặc điểm của địa hình và chế độ nước mà quá trình glây hoá trong đất diễn ra rất mạnh, tỉ lệ sét khá cao, đất chặt, bí, dẻo dính, quá trình khử xảy ra mãnh liệt, sắt 3 bị khử thành sắt 2 có màu xám xanh - đặc trưng của quá trình glây, gây độc hại cho cây trồng
+ Đất phù sa úng nước
Diện tích 4553,4 ha, phân bố ở hầu hết các xã đồng bằng của huyện Nho Quan.
Đất phù sa úng nước cũng được hình thành trên sản phẩm bồi tích của phù sa sông nhưng do phân bố ở địa hình trũng, dạng lòng chảo, không có khả năng thoát nước, mạch nước ngầm nông, đọng nước quanh năm, được coi là dạng địa hình tích đọng điển hình, đất giàu chất hữu cơ, giàu sét, nhão, dẻo dính, yếm khí, glây mạnh.
+ Đất đen trên sản phẩm bồi tụ của cacbonat
Diện tích 1190,35 ha, phân bố ở các xã như: Văn Phương, Cúc Phương, Kỳ Phú
Đất hình thành ở địa hình thấp, độ dốc <3o trên sản phẩm bồi tụ của đá vôi.
4.1.2.2. Tài nguyên nước
a. Tài nguyên nước mặt
Ngoài hệ thống: Sông Đập (Sông Na), sông Bôi, Hoàng Long, sông Rịa, huyện Nho Quan còn có 30 hồ chứa nước với diện tích 586,51 ha. Hiện nay đang
được cải tạo, nâng cấp để phục vụ tốt hơn yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân trong huyện.
b.Tài nguyên nước ngầm
Theo kết quả nghiên cứu của liên đoàn II – Cục địa chất Việt Nam cho thấy, tại vùng Rịa (Phú Lộc) có tổng lượng nước ngầm đạt 361,391 m³/ngày (Cấp công nghiệp 44,691 m³/ ngày). Qúa trình tìm kiếm và thăm dò tại đây cũng chỉ rõ nguồn nước ngầm dưới đất bị nhiễm mặn. Bên cạnh trữ lượng nước ngầm để cung cấp cho sinh hoạt thì huyện Nho Quan còn một số nguồn nước khoáng có chất lượng tốt, có thành phần Magedecacbonat cao, có thể khai thác sử dụng làm nước giải khát, chữa bệnh và phục vụ sinh hoạt trong vùng.
4.1.2.3. Tài nguyên rừng
Do quá trình khai thác lâu dài, rừng ở Nho Quan đã bị tàn phá. Ngoài Cúc Phương, rừng tự nhiên ở Nho Quan không còn nhiều. Trên các sườn núi đá vôi là thảm rừng nghèo, thứ sinh, phần lớn là các cây bụi nhỏ. Diện tích rừng của Nho Quan hầu hết là rừng đặc dụng thuộc phạm vi Vườn Quốc gia Cúc Phương. Diện tích rừng trồng rất ít chủ yếu là thông nhựa, keo, bạch đàn. Hiện nay Nho Quan đang đẩy mạnh công tác khoanh nuôi bảo vệ và trồng mới rừng.
4.1.2.4. Tài nguyên khoáng sản
Nho Quan có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, trong đó có các loại đã được khai thác sử dụng, có loại đã hoặc đang được thăm dò, cũng có loại vừa được phát hiện mới qua tìm kiếm hoặc điều tra sơ bộ. Kết quả điều tra khảo sát và thăm dò về tài nguyên khoáng sản của đoàn 207 và liên đoàn II- Cục Địa chất Việt Nam cho thấy tại huyện Nho Quan có những loại đất như: đá vôi, đô lô mít, đất sét, than bùn. Ngoài ra trên địa bàn Nho Quan còn có một số loại khoáng sản khác có triển vọng như thủy ngân, Antinon, Firit, phốt pho rít và các loại khác … nhưng trữ lượng nhỏ, phân bố rải rác.
4.1.3 Thực trạng phát triển kinh tế-xã hội
4.1.3.1. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
a. Tăng trưởng kinh tế
- Kinh tế từ năm 2013 - 2017 liên tục tăng trưởng ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP của huyện năm 2013 đạt 11,35%, năm 2014 đạt 13,26%, năm 2015 là 16,96%, năm 2016 đạt 15,03%, năm 2017 kế hoạch đạt 16,02%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng Công nghiệp - xây dựng, Thương mại - dịch vụ, trong đó:
Cơ cấu thành phần kinh tế:
+ Nông nghiệp - lâm nghiệp - thuỷ sản: 35,0%. + Công nghiệp - xây dựng: 33,5%.
+ Thương mại - dịch vụ: 31,5%.
- Bình quân lương thực đầu người năm 2017 là: 565kg. - Thu nhập bình quân đầu người trên năm là 13,5 triệu đồng.
- Giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản bình quân 1,0 ha canh tác năm 2013 đạt 22,0 triệu đồng, năm 2017 đạt 46,0 triệu đồng.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,0%.
b. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế