Việc nghiên cứu nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Nghiên cứu tại một số quốc gia cho thấy:
Ở Đức:
Nước Đức được coi là một trong những chiếc nôi trưởng thành của mô hình kinh tế HTX ở châu Âu. Từ những năm 40 của thế kỷ 19, Friedrich Wilhem và Schlulze-Delitz, đã có ý tưởng mô hình kinh tế HTX và thành lập, phổ biến mô hình này. Từ sau chiến tranh thế giới thứ II, cơ cấu kinh tế của CHLB Đức đã có những thay đổi mạnh. Các ngành công nghiệp và dịch vụ đã thay thế và áp đảo kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Tuy vậy, cho đến ngày nay CHLB vẫn còn có một hệ thống kinh tế HTX vững mạnh, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp và nông thôn, HTX đóng góp một phần đặc biệt quan trọng vào kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế quốc dân nói chung của CHLB Đức (Liên Minh HTX Việt Nam, 2014).
Gần tương tự như Việt Nam, số lượng các HTX dịch vụ nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao với 3.188 HTX trong tổng số 5.324 HTX hiện có, chiếm 60%. Tổng doanh thu của tất cả các HTX dịch vụ nông nghiệp và 26 liên hiệp HTX dịch vụ nông nghiệp năm 2007 là hơn 38,3 tỷ Euro. Các HTX dịch vụ nông nghiệp đã thu hút tổng cộng 2,2 triệu thành viên. Ngoài ra còn có rất nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động kinh doanh, dịch vụ ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như dịch vụ quản lý chợ, dịch vụ vệ sinh, dịch vụ vật liệu xây dựng, dịch vụ sấy khô, đóng gói sản phẩm, dịch vụ than, dầu đốt,... Trong số các HTX dịch vụ nông nghiệp hiện nay vẫn còn có 214 HTX đang thực hiện đồng thời hoạt động tiết kiệm - tín dụng nội bộ theo giấy phép của cơ quan chức năng ngành ngân hàng. Ngoài dịch vụ cung cấp cho thành viên, các HTX dịch vụ nông
nghiệp tạo ra khoảng 150.000 việc làm trực tiếp. Tính trung bình mỗi HTX dịch vụ nông nghiệp sử dụng 46 lao động.
Để có được những thành tựu trên là cả một sự nỗ lực lớn, sự quan tâm đúng mức của các nhà lãnh đạo. Việc áp dụng triệt để những sáng chế khoa học đưa vào quá trình sản xuất đã làm năng suất lao động, sản xuất được nâng cao, giảm bớt lao động trong nông nghiệp tuy nhiên vẫn đáp ứng được nhu cầu về lương thực thực phẩm và nguyên liệu cho các ngành sản xuất công nghiệp chế biến phát triển. Bên cạnh đó là sự sáng tao, đổi mới và học hỏi không ngừng của đội ngũ cán bộ quản lý HTX trong việc đưa thêm nhưng dịch vụ mới vào hoạt động, thích ứng với nhu cầu của thị trường tránh được sự đào thải của thị trường trong công cuộc công nghiệp hóa.
Ở Nhật Bản:
Là nước đầu tiên thực hiện công nghiệp hoá ở các vùng Châu Á, công nghiệp hoá ở Nhật được bắt đầu xuất hiện ở cuối thế kỷ thứ XIX và phát triển ở thế kỷ thứ XX. Tiến hành CNH - HĐH từ một nền nông nghiệp cổ truyền tự cấp tự túc sản xuất manh mún với những hộ nông dân quy mô nhỏ. Chính phủ Nhật đã quan tâm đến đội ngũ cán bộ KHKT. Họ có những chính sách sử dụng cán bộ và cơ cấu ngành nghề hợp lý, luôn quan tâm đến quá trình bồi dưỡng KHKT. Do đó, Nhật đã nhanh chóng trở thành cường quốc thứ 2 về kinh tế trên thế giới với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, kinh tế giữa thành thị và nông thôn đều phát triển thành công của công nghiệp hoá nói chung và công nghiệp hoá ở Nhật nói riêng đã áp dụng quá trình công nghiệp hoá cổ điển mà các nước phương Tây đã trải qua nhưng có sáng tạo. Đi đôi với việc xây dựng các khu công nghiệp lớn ở đô thị, họ còn coi trọng thích đáng đến việc hình thành các HTX, các xí nghiệp, vừa và nhỏ ở các thị trấn, thị xã và đặc biệt mở ra các ngành nghề mới, dịch vụ kinh tế kỹ thuật ở nông thôn nhằm tập trung những lao động dư thừa và hoạt động ngoài nông nghiệp để nâng cao thu nhập của họ, thúc đẩy công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn.
Nội dung phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản bao gồm nhiều mặt cùng ứng dụng những thành tựu KHKT tiến bộ như giống cây trồng, vật nuôi, hoá chất phục vụ nông nghiệp, các công nghệ tiên tiến như thuỷ lợi hoá Nhật Bản đã nhanh chóng ứng dụng thiết bị và cơ giới hoá, họ tích cực du nhập máy móc nông nghiệp vào thử nghiệm rồi chế tạo máy móc vừa và nhỏ phù hợp với đặc
điểm ngành nông nghiệp của Nhật Bản. Hàng loạt các máy móc của Nhật ra đời cho lao động thủ công, rồi hầu hết toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất lúa, cây trồng chủ yếu của Nhật Bản (Phan Trọng An, 2004).
Ở Hàn Quốc:
Đã tiến hành phát triển kinh tế xã hội đất nước từ một ngành nông nghiệp lạc hậu nhưng Hàn Quốc lại tập trung phát triển công nghiệp lớn ở đô thị, rồi từ đó tiến hành CNH - HĐH, phát triển nông nghiệp nông thôn. Để làm được điều đó, Hàn Quốc đã quan tâm đến chất xám và tay nghề, có chính sách sử dụng đội ngũ cán bộ KHKT ở những ngành mũi nhọn, có chương trình quốc gia về bồi dưỡng cán bộ để đẩy mạnh công nghiệp hoá ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học, công nghệ hoá học, cơ điện và phát triển công nghiệp chế tạo máy móc nông nghiệp trong nước vào phát triển nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá nông thôn, cơ sở hạ tầng Hàn Quốc được phát triển theo hướng đô thị hoá. Đặc biệt mạng lưới giao thông rải nhựa nối liền các thị trấn, làng xã nhanh chóng giảm sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn. Trong tổ chức HTX của Hàn Quốc có tổ chức Suhyup có nhiệm vụ và vai trò là đào tạo cán bộ cho các HTX từ nông nghiệp, các cán bộ HTX chuyên ngành về nông nghiệp. Tổ chức này cũng đồng thời tuyển chọn những sinh viên xuất sắc từ các trường, trao học bổng cho họ và khuyến khích họ về làm việc tại các HTX.
Về bồi dưỡng, đào tạo cán bộ HTX, Chính phủ hỗ trợ theo từng mức thông qua các chương trình của khóa học, ví dụ các khóa học về quy trình chuyên môn hóa về nông nghiệp thì mức hỗ trợ là 90% tổng kinh phí bồi dưỡng, đào tạo với thời gian bồi dưỡng chuyên môn tối thiểu là 3 tuần và tối đa là 6 tháng.
Từ năm 1994 đến năm 2003, Chính phủ Hàn Quốc đã dành 48 tỷ USD thực hiện chiến lược phát triển HTX nông nghiệp và dự trù khoảng 110 tỷ USD chi cho giai đoạn 2004-2013 để tiếp tục cải tiến thuỷ lợi, cải cách ruộng đất, hiện đại hoá phương tiện marketing, nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất, cải tiến chất lượng cuộc sống của nông dân (Phan Trọng An, 2004).
Ở Ấn Độ:
Là một nước ở Châu Á giai đoạn đầu thực hiện phát triển kinh tế xã hội đất nước không mấy thành công. Họ tiến hành công nghiệp hoá theo mô hình
thay thế nhập khẩu, xây dựng các ngành then chốt ở các khu đô thị. Nền nông nghiệp không được chú ý nên luôn ở tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Đến năm 1970 Ấn Độ chú trọng đến công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn, liên tiếp qua các cuộc cách mạng “cách mạng xanh” sau đó là cuộc “cách mạng trắng” coi đây là một bước đột phá để phát triển đất nước. Trong những năm đầu của thập kỷ 90 Chính phủ Ấn Độ tiếp tục có chính sách cải thiện mức sống cho dân cư vùng nông thôn và phát triển nguồn nhân lực đó là xúc tiến công nghiệp nhỏ ở nông thôn theo chương trình công nghiệp hoá với một đất nước gần 1 tỷ dân trong đó 75% dân số sống bằng nghề nông. Nét mới trong phát triển công nghiệp nông thôn Ấn Độ là chỗ:
Chính phủ đầu tư sử dụng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ KHKT từ địa phương đến trung ương để phát triển CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn như sử dụng công nghệ ít vốn cần nhiều lao động, có chính sách cho người vay vốn để sản xuất, triển khai các chương trình của chính phủ tại các địa phương.
Nhà nước có chương trình bồi dưỡng và chính sách sử dụng cán bộ nhất là đội ngũ cán bộ KHKT nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nông thôn và tiến tới công nghiệp hoá nông thôn ở mọi mức độ từ doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ ở làng, xóm tới huyện, thị.
Điểm nổi bật của Ấn Độ là sự quan tâm của chính phủ đối với vấn đề giáo dục và bồi dưỡng kiến thức cho nhân dân về môi trường và sinh thái. Cuộc “cách mạng xanh” đã thực hiện ở mọi nơi kể cả nông thôn lẫn thành thị. Với những thành tựu nổi bật của công nghiệp hoá nông thôn đã đưa năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên rõ rệt (Liên minh HTX Việt Nam, 2014).
Một số kinh nghiệm về sử dụng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ KHKT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn ở một số nước Châu Á:
+ Cán bộ KHKT triển khai tập huấn các ứng dụng công nghệ cho sản xuất, phát triển ngành nghề khai thác tiềm năng sẵn có tại địa phương, hướng phát triển thành các làng nghề rồi dần dần hình thành các khu công nghiệp ngay tại địa phương..
+ Quá trình phát triển kinh tề xã hội nông thôn ở các nước thường xẩy ra mất cân đối giữa cán bộ KHKT ở nông thôn và trung tâm thành phố, thành thị nếu chúng ta không có chính sách đãi ngộ thích hợp thì chúng ta sẽ không thu hút được đội ngũ cán bộ KHKT đã qua đào tạo về làm việc tại nông thôn, đó là sự
lãng phí lớn về vật chất và ngày càng tạo ra khoảng cách lớn giữa thành thị và nông thôn, đồng thời cũng gây lãng phí nguồn nhân lực khi những người được đào tạo làm việc không đúng chuyên ngành.
2.2.2. Kinh nghiệm nâng cao năng lực CB HTXNN tại một số địa phương trong cả nước
2.2.2.1. Năng lực CB HTX dịch vụ nông nghiệp Thụy Liên II, tỉnh Thái Bình
HTX dịch vụ nông nghiệp Thụy Liên II, tỉnh Thái Bình là HTX tiền thân là HTX chuyên độc canh cây lúa, diện tích cây rau màu phát triển không đáng kể nên thu nhập bình quân trên một đầu người rất thấp. Đến năm 1996 HTX xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất hàng hóa, theo đó HTX đã có cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ ban đầu như hỗ trợ 50% giống vốn, hỗ trợ 30% số tre dóc, hỗ trợ 100% diện tích nước bơm, ứng trước chậm trả, thuốc BVTV…với chính sách hỗ trợ này các hộ nông dân đã tiếp thu và từng bước diện tích cây màu hàng năm được phát triển, thu nhập năm sau cao hơn năm trước khá nhiều. Điều đặc biệt nữa là HTX đứng ra làm bao tiêu sản phẩm cây xuất khẩu cho xã viên như: cây dưa chuột XK, dưa gang XK và xà lách XK, bình quân hàng năm tiêu thụ được khoảng 1.000 tấn hàng hóa. Có được kết quả hoạt động tốt như trên là do CB HTX luôn coi trọng giữ vững thị trường, giữ uy tín sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm, áp dụng tốt các biện pháp KHKT trong sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hóa có số lượng và chất lượng cao. Xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng vụ sản xuất, dự kiến sát số lượng sản phẩm, có thông tin kịp thời theo khách hàng trong quá trình hợp tác tiêu thụ sản phẩm. HTX luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, HTX và khách hàng. Luôn có tích cực kịp thời bổ khuyết những tồn tại, rút kinh nghiệm để các bên cùng nhau khắc phục. CBHTX thường gặp khách hàng (DN xuất nhập khẩu) trước một vụ để biết được mặt hàng mà khách hàng cần về số lượng – chất lượng…về giá cả, phương thức giao nhận hàng, thanh lý hợp đồng….từ đó HTX họp bàn phương án sản xuất chủ động. Các hợp đồng đều được ký kết trước khi vào sản xuất, quy rõ trách nhiệm cho từng bên vì vậy mà hạn chế được tối đa rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. HTX luôn coi trọng việc mở rộng quy mô sản xuất, tạo khối lượng hàng hóa lớn. HTX luôn gắn vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ từ ban quản lý HTX đến ban cán bộ cấp thôn (Nguyễn Văn Nghiêm, 2012).
2.2.2.2. Năng lực CB HTX nông nghiệp Thành Đạt tỉnh Bắc Kạn
HTX Thành Đạt được thành lập từ năm 2013 gồm 15 thành viên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến năm 2015, HTX thực hiện chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới và vẫn duy trì số lượng thành viên. Đến nay hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh của HTX đã đi vào nền nếp, có hiệu quả.
Trên cơ sở Luật HTX năm 2012, HTX Thành Đạt đã chia tổ hoạt động theo từng mô hình để có thể khai thác thế mạnh của từng hộ thành viên. Mỗi tổ đều bầu ra tổ trưởng để quản lý trên cơ sở tự nguyện. Trong tổ trồng trọt, các thành viên đóng góp tiền và đất khoảng 1.000m2/hộ trong đó, trên 1,5ha trồng mía, 1,5ha trồng khoai lang, 1,2ha trồng ớt cung cấp cho cho thị trường trong và ngoài huyện. Tổ chăn nuôi thực hiện mô hình nuôi ong, nuôi dê, bò, lợn thịt, lợn nái.
HTX duy trì hoạt động theo phương thức mô hình của hộ thành viên nào, hộ thành viên đó tự quản lý và hưởng lợi. HTX đứng ra tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây con giống được HTX liên kết với các đại lý, cơ sở có uy tín cung ứng với chất lượng đảm bảo, giá mua thấp. Sau khi tiêu thụ sản phẩm, các thành viên trích một phần lập quỹ để HTX hoạt động và một phần để thực hiện các hoạt động hỗ trợ đầu vào.
Nhờ làm tốt công tác quản lý, năng động trong việc tìm kiếm đầu ra của sản phẩm, áp dụng KHKT trong sản xuất, HTX Thành Đạt hoạt động ngày càng có hiệu quả. Vốn hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay của HTX là 1,350 tỷ đồng. Doanh thu hàng năm tăng dần, năm 2014 đạt hơn 900 triệu, năm 2016 đạt 2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 1 tỷ đồng. Thu nhập bình quân hộ thành viên hơn 6 triệu đồng/người/tháng (Hương Lan, 2016).