Các yếu ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng trường Đại học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tại trường đại học hùng vương, tỉnh phú thọ (Trang 31 - 34)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.1. Một số vấn đề lý luận về nâng cao chất lượng đào tạo tại trường đại học

2.1.5. Các yếu ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng trường Đại học

2.1.5.1. Chủ trương, chính sách về nâng cao chất lượng đào tạo của Bộ giáo dục và đào tạo

Bất kỳ một đơn vị nào cũng hoạt động trong một môi trường nhất định, trong đó môi trường pháp lý với những cơ chế, chính sách, chế độ của Nhà nước có tác động trực tiếp và to lớn đến việc tạo ra và nâng cao chất lượng sản phẩm của các cơ sở giáo dục đại học. Cơ chế, chính sách, chế độ của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo đại học có sự tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Trong thời vừa qua, lĩnh vực giáo dục - đào tạo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước bằng việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách về giáo dục, đào tạo như Quốc hội (2005), Quốc hội (2009), Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005), Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006). Điều này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của toàn ngành nói chung cũng như của các cơ sở giáo dục đại học nói riêng. Điều này được thể hiện ở một số nội dung sau:- Các cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học hoạt động.

- Các cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo ra một sức ép buộc các cơ sở giáo dục đại học (gồm cả cơ sở công lập và ngoài công lập) phải nâng cao chất lượng đào tạo của mình. Với chủ trương xã hội hoá giáo dục trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều trường đại học dân lập được thành lập. Các cơ sở này muốn tồn tại và phát triển được thì vấn đề trước tiên và quan trọng nhất là phải đảm bảo được chất lượng đào tạo (Nguyễn Đức Chính, 2002).

- Các cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi giúp các cơ sở giáo dục đại học trong nước có thể trao đổi, hợp tác, học hỏi kinh nghiệm với các trường trong khu vực và trên toàn thế giới trong lĩnh vực đào tạo đại học như trao đổi chương trình đào tạo, trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên, trao đổi trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học…

2.1.5.2. Quy mô đào tạo của nhà trường

Hàng năm trên cơ sở về nhu cầu của thị trường lao động thì chỉ tiêu tuyển sinh cũng tăng theo. Mặt khác do nhu cầu của người học cũng sẽ tăng theo dẫn tới quy mô đào tạo sẽ gia tăng. Do vậy có thể thấy quy mô đào tạo có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Khi nhu cầu của người học tăng cao các trường sẽ

tăng quy mô đào tạo. Mặt khác để tăng them thu nhập cho đội ngũ giáo viên cũng như cải thiện nguồn thu các trường cũng sẽ tăng quy mô đào tạo. Việc tăng quy mô đào tạo sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo bởi vì khi đó số lượng học sinh của mỗi lớp sẽ rất đông điều đó làm cho người giáo viên sẽ không thể bao quát hết cũng như không thể đánh giá chính xác kết quả học tập của mỗi thành viên trong lớp (Nguyễn Văn Điềm và Nguyễn Ngọc Quân, 2004).

2.1.5.3. Tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập

Đầu tư mua sách và tài liệu là để phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập của thầy và trò. Đối với trường trung cấp chuyên nghiệp hiện nay học sinh rất ít cơ hội mượn sách để học tập, tham khảo. Trang bị sách được đến đâu là tùy thuộc vào khả năng của mỗi trường. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.

Đèn chiếu, máy chiếu đa năng, máy tính, phòng học chuyên dùng chưa phải là phổ biến đối với nhiều trường hiện nay. Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ và đặc biệt là công nghệ thông tin, đã trang bị cho giáo dục đào tạo những phương tiện, thiết bị giảng dạy rất hiệu quả, góp phần rất lớn vào việc thay đổi phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo. Trường nào biết trang bị và khai thác tốt các phương tiện đó thì sẽ thu hút học sinh học tập hào hứng, hăng say hơn và có chất lượng hơn.

Hệ thống giáo trình, bài thực hành là những tài liệu cần thiết, tối thiểu để tạo điều kiện cho học sinh học tập đạt chất lượng. Đây là cơ sở để chống "dạy chay, học chay" theo cách dạy truyền thống.

Tóm lại, cơ sở vật chất có vai trò quan trọng không kém trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy. Phòng học ổn định với trang thiết bị giảng dạy hiện đại có thể giúp cho giảng viên áp dụng được nhiều phương pháp giảng dạy sinh động và thu hút người học. Phòng thí nghiệm và thực hành có đủ những trang thiết bị cơ bản và hiện đại sẽ dễ dàng giúp cho sinh viên ứng dụng lý thuyết đã học vào thực tế, và phát huy tốt khả năng tư duy sáng tạo của sinh viên. Hệ thống thư viện với các phòng đọc rộng rãi và cung cấp nhiều tài liệu học tập và tham khảo sẽ giúp cho người học phát huy khả năng tự học và nghiên cứu khoa học.

2.1.5.4. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên

Công tác kiểm tra, đánh giá sinh viên, một mặt giúp Nhà trường thấy được thực trạng kết quả học tập của sinh viên, trên cơ sở đó giúp Nhà trường, các cán

bộ quản lý và giảng viên đánh giá lại chất lượng của công tác quản lý, giáo dục của Nhà trường; một mặt, giúp sinh viên thấy được kết quả học tập của mình, trên cơ sở đó là nguồn động lực để sinh viên phấn đấu, tạo phong trào thi đua học tập trong Nhà trường (Nguyễn Đức Chính, 2002).

Việc đánh giá sinh viên của Nhà trường được tiến hành trên hai mặt: kết quả học tập và kết quả rèn luyện về đạo đức, lối sống, tham gia các hoạt động đoàn thể trong trường của sinh viên. Trong đó, việc đánh giá kết quả học tập được thực hiện dưới sự phối hợp của giảng viên bộ môn - tổ bộ môn - khoa chuyên ngành - phòng đào tạo - trung tâm quản lý chất lượng đào tạo của trường; còn việc đánh giá kết quả rèn luyện được thực hiện thông qua sự phối hợp giữa tập thể sinh viên trong lớp - giảng viên chủ nhiệm - Khoa chuyên ngành - phòng công tác học sinh sinh viên. Cuối mỗi học kỳ, việc xét thi đua khen thưởng cho sinh viên và tập thể lớp được dựa trên kết quả học tập và kết quả rèn luyện. Nếu sinh viên có kết quả học tập cao nhưng ý thức tổ chức kỷ luật kém thi cũng không được xét thi đua khen thưởng.

2.1.5.5. Tài chính và quản lý tài chính phục vụ đào tạo

Tài chính trong giáo dục là sử dụng chính sách tiền tệ, quản lý tiền tệ theo mục đích của giáo dục mà nhà nước có trách nhiệm. Nhà trường, các cơ sở đào tạođều do nhà nước thống nhất quản lý nên phải tuân thủ các quy định do nhà nước ban hành. Với mục tiêu là hình thành “Nhân cách – sức lao động” với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đồng tiền vận động vào hoạt động giáo dục đào tạo nó góp phần củng cố hình thái ý thức xã hội và thúc đẩy sự hình thành và phát triển sức lao động để có thể tham gia vào thị trường lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa. Người ta thượng minh họa luận đề: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” qua công thức: Giáo dục là quốc sách hàng đầu = Chính sách giáo dục về mặt tổ chức sư phạm + Ngân sách giáo dục Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nguồn lực tài chính. Đây là nhân tố gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Nếu không có nguồn lực tài chính dồi dào chắc chắn không thể đầu tư cho việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ cho quá trình đào tạo (Lê Đức Ngọc, 2005).

Mặt khác muốn có đội ngũ giáo viên giỏi, có trình độ, có năng lực thực sự thì nhà trường phải đưa ra mức thù lao hấp dẫn, cũng như chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Tuy nhiên thực tế hiện nay mức thù lao cho giáo viên là rất thấp, do đó không thể thu hút được đội ngũ tri thức có trình độ chuyên môn thực sự. Hơn nữa khi không đủ

nguồn lực tài chính chắc chắn vật tư, trang thiết bị máy móc phục vụ cho quá trình đào tạo cũng thiếu. Với hiện trạng này dễ hiểu vì sao chất lượng đào tạo còn chưa cao. Như vậy, tăng nguồn kinh phí là điều cần thiết để tăng chất lượng đào tạo hiện nay. Nhưng tăng nguồn lực bằng cách nào thì không hề đơn giản. Tăng mức học phí là khả thi để tăng nguồn thu nhưng mức học phí là cố định, được Bộ Tài chính quy định nên xem ra giải pháp này không thể thực hiện được (Nguyễn Duy Bắc, 2011).

Để đa dạng các nguồn lực tài chính các trường chỉ còn cách liên doanh, liên kết trong đào tạo, vay mượn từ các tổ chức. Trong tương lai gần có thể tiến hành việc cổ phần hóa các đơn vị trường học. Có như vậy mới tăng được nguồn thu bổ xung vào việc mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ cho quá trình đào tạo. Để quản lý vấn đề tài chính và quản lý tài chính phục vụ đào tạoĐại học Hùng Vương, Tỉnh Phú Thọ (2017b) đã đưa ra quy chế chi tiêu nội bộ tại trường Đại học Hùng Vương, Tỉnh Phú Thọ.

2.1.5.6. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn nâng cao chất lượng đào tạo

Qua những phân tích trên để thấy rõ những thuận lợi khó khăn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, những hạn chế trên là những nguyên nhân khiến cho chất lượng đào tạo giảm sút. Việc phân tích chỉ ra những yếu tố gây nên những hạn chế trên sẽ là căn cứ quan trọng giúp học viên đề xuất xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại chương 4.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tại trường đại học hùng vương, tỉnh phú thọ (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)