Phần 2 Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn về phát triển sản xuất cây dược liệu
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản xuất cây dược liệu
2.1.4.1. Yếu tố về cơ chế chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Sự hỗ trợ của nhà nước cho việc phát triển ngành nông nghiệp nói chung và phát triển dược liệu nói riêng luôn là điều được các cá nhân, tổ chức kinh doanh mong muốn. Ngoài ra cây dược liệu là ngành truyền thống, có giá trị kinh tế cao, góp phần lớn vào sự phát triển của kinh tế nông thôn, vì thế sự hỗ trợ đó lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Phát triển khu trồng dược liệu tại địa phương gắn liền tới đất đai khu vực đó, nên những chính sách về đất đai rất quan trong cho việc phát triển dược liệu.
Chính sách vể chuyển đổi mục đích sử dụng đất kém hiệu quả sang trồng dược liệu, chính sách về đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuế đất nông nghiệp, chính sách về khuyến nông, khuyến công…. đều có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của loại cây trồng này.
Nói tóm lại, một chính sách được ban hành có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực sản xuất dược liệu nói riêng.
Việc quy hoạch vùng sản xuất dược liệu nói chung của Việt Nam phụ thuộc vào quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương và toàn huyện. Như vậy việc mở rộng, phát triển sản xuất cây dược liệu đều phụ thuộc rất lớn vào quy hoạch chung phát triển nông nghiệp địa phương. Quy hoạch cấp xã, huyện về dược liệu không được mâu thuẫn với quy hoạch chung của tỉnh và ngành về phát triển nông nghiệp (Khuyết danh, 2016).
2.1.4.2. Yếu tố về năng lực của các hộ sản xuất cây dược liệu
- Vốn: Bất kỳ một ngành sản xuất nào cũng cần đến vốn để đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất. Các hộ nông dân cũng không nằm ngoài quy luật này, đủ vốn họ sẽ có đủ điều kiện để đầu tư mua sắm các yếu tố đầu vào như giống, máy móc, trang thiết bị, đầu tư cho nhân công, nhà xưởng. Vốn mà hộ nông dân bỏ qua không nhất thiết là vốn hộ tự có mà đó có thể là vốn đi vay từ bạn bè, anh chị em hàng xóm, người thân; vốn chung với các thành viên khác hoặc hộ nông dân khác đối với các hộ liên kết với nhau cùng tiến hành sản xuất; vốn vay ngân hàng hoặc vốn được hỗ trợ từ các công ty mà hộ trực tiếp liên kết như công ty, cơ sở kinh doanh.
- Quy mô và phương thức sản xuất: Các hộ nông dân khác nhau có diện
tích, quy mô sản xuất khác nhau. Đất có thể là đất được giao, đất cho thuê giữa các hộ hoặc đất thổ cư được hộ nông dân san lấp, cải tạo nên. Diện tích đất càng lớn thì lượng vốn bỏ ra cho giống, trụ cột, nhân công lao động,… càng lớn nhưng đi cùng với đó là lợi nhuận cũng sẽ lớn theo. Do vậy quy mô sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển sản xuất cây dược liệu của hộ nông dân.
Một trong những nhân tố có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển sản xuất cây dược liệu đó là vị trí và chất đất. Vị trí có ảnh hưởng rất lớn tới việc có thể phát triển mô hình sản xuất dược liệu trên quy mô lớn được hay không, có thuận lợi trong việc mở rộng diện tích trồng cây dược liệu hay không. Chất đất có ảnh hưởng lớn tới việc chất lượng cây dược liệu so với nhu cầu của thị trường và nhà sản xuất dược liệu như thế nào.
- Kỹ thuật sản xuất: các hộ nông dân với kỹ thuật sản xuất áp dụng trong việc trồng dược liệu khác nhau sẽ đem lại kết quả và hiệu quả khác nhau. Nếu hộ áp dụng kỹ thuật sản xuất mới, tiến bộ, tuân thủ theo các quy chuẩn kỹ thuật mới, khắt khe của thị trường trong và ngoài nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cây dược liệu phát triển vươn ra thị trường rộng hơn và ngược lại.
- Trình độ chyên môn năng lực của các chủ thể sản xuất: Đây là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp quan trọng đến quá trình và quyết định sản xuất của hộ nông dân. Năng lực của các chủ thể quản lý được thể hiện qua: trình độ quản lý tài sản, nhân công lao động; khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ; khả năng ứng xử trước các biến động về thị trường, các rủi ro; khả năng về vốn và trình độ trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật…
Trình độ chuyên môn của các hộ nông dân sản xuất dược liệu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như về việc hộ có tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của xã về trồng và chế biến bảo quản cây dược liệu hay không ? kinh nghiệm sản xuất của hộ ,… Đây là yếu tố ảnh hưởng “tỷ lệ thuận” với việc phát triển sản xuất dược liệu của hộ, trình độ càng cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật càng tốt thì hộ càng có cơ hội và khả năng phát triển sản xuất mô hình của mình và ngược lại.
2.1.4.3. Yếu tố về năng lực của cán bộ địa phương và cơ sở về tổ chức thực hiện các giải pháp
Từ những chính sách của Đảng và nhà nước đã đề ra nhằm hỗ trợ sự phát triển ngành nghề thì năng lực của các cán bộ địa phương là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới hoạt động giải pháp phát triển sản xuất dược liệu cũng như những lĩnh vực Nông nghiệp- Thủy sản khác.
Đội ngũ cán bộ địa phương có tuổi đời trẻ, có trình độ văn hóa và chuyên môn cao cũng là một yếu tố rất quan trọng trong việc học hỏi và nâng cao kinh nghiệm quản lý, sáng tạo đổi mới cách làm phù hợp với xu thế chung, và đặc điểm của địa phương.
Năng lực của cán bộ khuyến nông: đây là bộ phận luôn đi đầu về việc tuyên truyền, vận động cũng như giải đáp các thắc mắc của người dân trong quá trình sản xuất. Họ là người sẽ chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng tiến bộ mới tới người dân, vì vậy yêu cầu đối với cán bộ khuyến nông là rất cao, đặc biệt trong thời đại mới này, khi mà công nghệ đổi mới từng ngày thì nhiệm vụ của họ
càng quan trọng là cập nhật những công nghệ phù hợp giúp người dân trong việc sản xuất, sơ chế.
Do vậy, việc đào tạo bồi dưỡng năng lực tổ chức, quản lý cho đội ngũ cán bộ địa phương là cực kỳ quan trọng, đây là đội ngũ thường trực tại địa phương, hiểu rõ hơn cả thực trạng của vùng, vì vậy cần có sự đào tạo, nâng cao trình độ cho họ để việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa phương có hiệu quả.
2.1.4.4. Yếu tố về nguồn lực của địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp
Việc triển khai thực hiện các giải pháp phát triển dược liệu thành công hay không trên địa bàn các xã, thị trấn phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực tài chính của các địa phương. Nguồn lực này phụ thuộc vào hai nguồn chính: ngân sách địa phương và khoản đầu tư của các doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động cho sản xuất nông nghiệp nói chung cũng như cho việc phát triển sản xuất dược liệu nói riêng trong địa bàn nghiên cứu. Nhân tố này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong triển khai thực hiện các giải pháp ở các xã, thị trấn bởi vì nếu nguồn lực tài chính dồi dào, nhân lực triển khai giải pháp có hiểu biết về phát triển cây dược liệu thì sẽ giúp cho việc triển khai thực hiện các giải pháp diễn ra nhanh hơn, thuận lợi hơn và ngược lại.
2.1.4.5. Các yếu tố khác
Nhóm các yếu tố khác ảnh hưởng tới việc triển khai các giải pháp phát triển cây dược liệu gồm rất nhiều yếu tố có ảnh hưởng khác nhau tới sự phát triển cây dược liệu như điều kiện tự nhiên khí hậu, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng cho phát triển dược liệu…ngoài ra còn các nhân tố khác như phong tục tập quán trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất dược liệu nói riêng, việc tham gia vào các tổ chức hợp tác trên địa bàn để chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh dược liệu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.