Các tiêu chí đánh giá phát triển của tập đoàn kinh tế

Một phần của tài liệu 1_ LACV_K5_NguyenHoangManh (Trang 53 - 58)

Từ khái niệm và nội dung phát triển TĐKT đã trình bày, tiêu chí đánh giá phát triển của TĐKT được phân theo 3 nhóm: (1) Nhóm liên quan đến khía cạnh nội dung kinh tế; (2) nhóm liên quan đến khía cạnh nội dung xã hội; và (3) nhóm liên quan đến khía cạnh nội dung môi trường. Về nguyên tắc, các nhóm chỉ tiêu này có quan hệ tương tác với nhau, không phải là quan hệ độc lập; và trong quá trình biến đổi chúng đều bao hàm sự gia tăng và chất lượng gia tăng.

TĐKT về bản chất là tổ chức kinh tế hoạt động vì mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận, cho nên nhóm tiêu chí liên quan đến khía cạnh nội dung kinh tế là quan trọng nhất và được tập trung nghiên cứu trong luận án này. Hai nhóm tiêu chí còn lại cũng phản ánh chất lượng phát triển của TĐKT, song nó phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả kinh tế đạt được của tập đoàn. Hơn nữa, để duy trì được hoạt

động ổn định, TĐKT đã phải tuân thủ nghiêm túc các nghĩa vụ, trách nhiệm và quy định của nhà nước về các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Điều này có nghĩa quá trình hoạt động của TĐKT 02 nhóm chỉ tiêu xã hội và môi trường cũng đã đạt và được thực hiện theo yêu cầu ở mức tối thiểu cần thiết.

1.3.2.1 Nhóm tiêu chí kinh tế

(1) Nhóm tiêu chí liên quan đến chất lượng tăng trưởng tập đoàn kinh tế a) Năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP): Trong kinh tế, năng suất là tỷ số phản ánh mối quan hệ giữa đầu ra có ích và đầu vào được sử dụng. Đối với nền kinh tế hoặc địa phương, đầu ra thường là GDP và đối với cấp ngành hay DN, TĐKT là giá trị tăng thêm như doanh thu, lợi nhuận. Đầu vào có thể là số lao động, vốn hay thời gian lao động hao phí. Năng suất có thể đo lường cho từng nhân tố, nhóm hay toàn bộ các nhân tố tham gia vào quá trình sản xuất và có thể tính cho từng hoạt động, DN, ngành hay nền kinh tế.

NSLĐ của DN, TĐKT được tính bằng cách so sánh 2 chỉ tiêu doanh thu

(hoặc một đại lượng giá trị gia tăng nào đó) và lao động trung bình trong năm (hoặc có thể số giờ lao động). Từ kết quả tính toán NSLĐ và xu hướng phát triển của nó, cho phép đánh giá chất lượng tăng trưởng của TĐKT.

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) phản ánh tiến bộ của kỹ thuật và

công nghệ, qua đó phản ánh sự gia tăng đầu ra không chỉ phụ thuộc vào việc gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào (vốn, lao động) mà còn cả chất lượng của chúng. TFP tăng gắn liền với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức quản lý…; nó được coi là nguồn gốc tăng trưởng trong dài hạn. TFP tăng lên phản ánh mô hình phát triển theo chiều sâu, phù hợp với nền KTTT và hạn chế được những biến động từ bên ngoài. Về mặt định lượng, khi tính TFP thường sử dụng hàm sản xuất Cobb-Douglas: Y = A.f(KαLβ); trong đó: Y = đầu ra, K = vốn, L = lao động, A = TFP, α = hệ số đóng góp của vốn, β = hệ số đóng góp của lao động.

b) Hiệu quả đồng vốn đầu tư (lợi nhuận trên tổng tài sản): Chỉ tiêu hiệu quả đồng vốn đầu tư của TĐKT phản ánh việc sử dụng bao nhiêu nguồn lực để tạo ra một đơn vị đầu ra hay một đồng vốn đầu tư tạo ra bao nhiêu đồng lợi

nhuận (sức sinh lời của vốn). Chỉ tiêu này phản ánh đúng hiệu quả kinh tế của việc sử dụng tài sản tham gia vào quá trình SXKD trong việc tạo ra kết quả thực chất do TĐKT mang lại; và do đó, có ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của cả nền kinh tế. Ngoài yếu tố đặc thù ngành nghề, từ góc độ TC, QL tiêu chí này cũng nói lên được hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực đầu vào của TĐKT.

c) Hiệu quả kinh tế theo quy mô: Dễ nhận thấy 03 tiêu chí trên đây phản

ánh chung về phương thức tăng trưởng của TĐKT dựa trên việc gia tăng các yếu tố chiều sâu là vốn, công nghệ, trình độ kỹ năng tay nghề của lao động…; nhưng nó chưa phản ánh rõ nét về việc sử dụng những yếu tố này như thế nào, “chế biến” chúng ra làm sao để đạt được hiệu quả kinh tế tối ưu nhất. Nói cách khác DN, TĐKT hay một địa phương, một quốc gia sở hữu nhiều những yếu tố chiều sâu có lợi như kể trên, nhưng không được tổ chức, quản lý để sử dụng thích hợp và khoa học thì cũng không thể tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao và ngược lại.

Vì vậy, để làm nổi bật vai trò của công tác TC, QL của TĐKT, tức chất lượng mối quan hệ liên kết của TĐKT – một đặc trưng quan trọng của TĐKT như đã luận giải – luận án sử dụng tiêu chí hiệu quả theo quy mô kinh tế EOS (Economies of Scales). Trong kinh tế học, EOS có ý nghĩa phản ánh phương thức sản xuất ở quy mô lớn, sự phân công và hiệp tác tức liên kết ở trình độ cao dẫn đến chi phí trên một đơn vị sản phẩm là tối thiểu và do đó mang lại hiệu quả kinh tế cao và tối ưu. Điều này hàm ý, mặc dù DN, TĐKT đang hoạt động hiệu quả với một mức số lượng nhất định các yếu tố nguồn lực đầu vào, thì khi gia tăng thêm quy mô về mặt số lượng đối với chúng sẽ đòi hỏi công tác TC, QL phải bắt kịp được với sự gia tăng đó để tiếp tục duy trì và tạo ra được sự gia tăng lớn hơn, có hiệu quả hơn, khi đó DN có hiệu quả kinh tế theo quy mô. Ngược lại công tác TC, QL không đáp ứng được sự gia tăng của các nguồn lực đầu vào thì sẽ dẫn đến vấn đề nan giải là phát sinh chi phí, hiệu quả kinh tế thu được sẽ giảm dần, DN không có quy mô kinh tế.

Trên quan điểm vĩ mô, TĐKT có quy mô kinh tế nghĩa là việc sử dụng các yếu tố nguồn lực đầu vào hiệu quả, và vì vậy là vấn đề cốt lõi sự phát triển của nền kinh tế [1, tr. 11]. Việc đánh giá các TĐKTNN có hiệu quả kinh tế theo quy mô hay không có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho CSH nhà nước giải được bài toán hiệu quả đầu tư cho các TĐKTNN với mục tiêu làm nòng cốt trong nền kinh tế và dẫn dắt các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Như đã trình bày, luận án sử dụng mô hình hàm sản xuất Cobb-Douglas để đánh giá TĐKT có quy mô hay không, tức vấn đề tăng trưởng có chất lượng hay không.

(2) Tiêu chí phản ánh khả năng cạnh tranh của tập đoàn kinh tế

Đối với TĐKT chỉ tiêu thường được sử dụng bao gồm: chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn SXKD hoặc doanh thu. Trong sự so sánh giữa các TĐKT với nhau, tỷ suất lợi nhuận càng cao nghĩa là TĐKT càng có hiệu quả hay có khả năng cạnh tranh cao. Thực chất đây cũng là tiêu chí phản ánh chất lượng tăng trưởng, nhưng được nhìn dưới góc độ cạnh tranh của TĐKT trên thị trường. Để đáp ứng quy định, chúng ta nghiên cứu tiếp bộ tiêu chí hiện hành do Nhà nước ban hành để tích hợp với 2 nhóm tiêu chí nêu trên và đưa ra tiêu chí đánh giá trong nghiên cứu này như sau:

Theo Điều 28, khoản 1, Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06-10-2015 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai tài chính của DNNN và DN có vốn nhà nước [7]; các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động DN gồm có:

- Tiêu chí 1. Doanh thu.

- Tiêu chí 2. Lợi nhuận sau thuế và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn CSH.

- Tiêu chí 3. Nợ phải trả quá hạn, khả năng thanh toán nợ đến hạn;

- Tiêu chí 4. Chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại DN, pháp luật về thuế và các khoản thu nộp ngân sách khác, quy định về chế độ báo cáo tài chính và báo cáo để thực hiện giám sát tài chính.

Hệ thống tiêu chí hiện hành này cho thấy, các tiêu chí 1, 2 phản ánh khả năng cạnh tranh của TĐKT, tiêu chí 3, 4 phản ánh hoạt động sự vụ của DN; hoặc nghĩa vụ tuân thủ luật pháp kinh doanh nói chung mà bất kỳ một DN nào cũng phải tuân thủ không phân biệt loại hình và quy mô tính chất ngành nghề. Tiêu chí 5 phản ánh một phần nội dung mục tiêu xã hội mà DNNN hay TĐKTNN phải thực hiện theo yêu cầu của CSH nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Hệ thống tiêu chí theo quy định của Chính phủ trên đây là tương đối đầy đủ và cô đọng, tập trung vào việc phục vụ mục tiêu quản lý của nhà nước với tư cách vừa là quản lý chung và vừa là CSH. Như vậy, tích hợp với các nhóm tiêu chí đánh giá sự phát triển của TĐKT như luận giải ở trên, trong nghiên cứu này, theo quan điểm của luận án chỉ cần sử dụng những tiêu chí như sau: Tiêu chí 1, 2 của Nghị định số 87/2015/NĐ-CP; ngoài ra, bổ sung thêm (1) Tiêu chí lợi nhuận trên tổng tài sản, nhằm phản ánh hiệu quả đầu tư của TĐKT, (2) Tiêu chí lợi nhuận trên doanh thu, nhằm phản ánh năng lực cạnh tranh của TĐKT, (3) Tiêu chí Lao động, nhằm phản ánh công tác quản trị, sử dụng nguồn lực và việc ứng dụng khoa học công nghệ của TĐKT, và (4) Tiêu chí hiệu quả kinh tế theo quy mô.

1.3.2.2 Nhóm tiêu chí xã hội

Phản ánh sự ảnh hưởng của tăng trưởng của TĐKT đến các đối tượng hưởng lợi từ sự tăng trưởng đó. Trên khía cạnh vĩ mô nền kinh tế, các tiêu chí liên quan đến khía cạnh xã hội thường được sử dụng bao gồm: tiêu chí phát triển con người như chỉ số phát triển con người (HDI) và hệ số tăng trưởng vì con người (GHR), tiêu chí giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo… Như đã trình bày, hiệu quả xã hội phụ thuộc vào hiệu quả kinh tế. Hiệu quả xã hội có thể định lượng được nhưng một số dấu hiệu chỉ có thể được định tính.

Với tư cách là tổ chức kinh tế hoạt động vì lợi nhuận, tiêu chí xã hội đánh giá phát triển của TĐKT được hiểu là việc tuân thủ nghiêm ngặt và tối thiểu nhất trong hoạt động của TĐKT đối với luật pháp và những quy định, nhằm đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Mở rộng hơn, ngoài các tiêu chí mang tính nghĩa vụ, thì các vấn đề như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tăng số người ăn theo nhờ thu nhập của người lao động trong TĐKT (trực tiếp

góp phần giảm nghèo), mức độ đóng góp cho xã hội thông qua các chương trình từ thiện, xây dựng kết cấu hạ tầng cho khu vực xung quanh DN… cũng được hiểu là những tiêu chí xã hội mở rộng. Tuy nhiên, trong phạm vi giới hạn nghiên cứu, luận án không đi sâu vào phân tích nhóm tiêu chí xã hội, mà chỉ đề cập nhóm tiêu chí này với tư cách là một yếu tố của phát triển. Từ góc độ TC, QL, nhà nước cần tách nhiệm vụ thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích khỏi nhiệm vụ SXKD đối với TĐKT, để qua đó đánh giá đúng thực chất hiệu quả kinh tế do TĐKT mang lại.

1.3.2.3 Nhóm tiêu chí môi trường

Được thể hiện thông qua nhiều tiêu chí về chất lượng các thành phần môi trường không khí, nước, đất, sinh thái; mức độ duy trì các nguồn tài nguyên tái tạo; việc khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên không tái tạo… Đối với TĐKT, tiêu chí đánh giá liên quan đến khía cạnh môi trường thường được thể hiện qua việc đạt và tuân thủ các quy định và yêu cầu về luật môi trường, luật hóa chất; sự đạt được các loại chứng chỉ ISO trong hoạt động SXKD phù hợp với ngành nghề, ví dụ như ISO 14000. Tương tự như nhóm tiêu chí xã hội, trong phạm vi giới hạn nghiên cứu, luận án không đi sâu phân tích nhóm chỉ tiêu môi trường, mà chỉ đề cập nhóm tiêu chí này với tư cách là một yếu tố của phát triển.

Một phần của tài liệu 1_ LACV_K5_NguyenHoangManh (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w