3. Tình hình FDI tại Việt Nam
3.3. Định hướng 2022
Một số con số tích cực vào tháng 1/2022
Tính đến 20/01/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 1,61 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính lũy kế đến ngày 20/01/2022, cả nước có 34.642 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 415,6 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư
nước ngoài ước đạt trên 253,2 tỷ USD, bằng gần 61% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Năm 2022, Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi đà tăng trưởng khi các tổ chức quốc tế đều đưa ra những dự báo khá khả quan cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như: Ngân hàng Thế giới (dự báo tăng trưởng từ 6,5% đến 7%), Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tăng trưởng 6,5% và Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng 6,6%. Những dự báo khả quan đó sẽ hỗ trợ cho Việt Nam phục hồi lực thu hút luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2022. Tuy nhiên, để có thể tiếp tục thu hút dòng vốn này thì Việt Nam cần chú trọng thực hiện một số định hướng sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần chứng tỏ quyết tâm phục hồi nền kinh tế đối với các nhà đầu tư nước ngoài bằng các kế hoạch phòng, chống dịch trong giai đoạn tới một cách rõ ràng và phân chia biện pháp theo từng giai đoạn. Để làm được điều đó thì công tác dự báo khả năng bùng phát dịch và các kế hoạch phòng ngừa cần được xây dựng trên cơ sở các kịch bản phát triển của dịch. Kế hoạch phòng, chống dịch của Chính phủ rõ ràng, có lộ trình phù hợp sẽ hỗ trợ rất lớn cho các kế hoạch sản xuất, đầu tư mở rộng sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thứ hai, lộ trình mở cửa nền kinh tế đi kèm với các biện pháp phòng ngừa sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh cần được xác định rõ ràng và nghiêm chỉnh thực hiện. Việc mở cửa, kết nối lại với nền kinh tế các quốc gia khác trong khu vực và trên toàn cầu cũng cần được tính toán có lộ trình hợp lý để không chỉ bảo vệ người dân trước sự tấn công của đại dịch mà còn bảo đảm cơ hội kinh doanh, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ ba, bên cạnh cam kết mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế, Việt Nam cũng cần thúc đẩy tốc độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và kế hoạch phục hồi nền kinh tế. Mở cửa nền kinh tế, tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi nền kinh tế là những việc không thể trì hoãn lâu trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường. Tuy nhiên, việc không thể trì hoãn cũng không đồng nghĩa với việc thực hiện mà không có tính toán cẩn trọng và thực hiện từng bước hợp với theo phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Thứ tư, đại dịch COVID-19 có quy mô, tính chất toàn cầu kết hợp với bối cảnh diễn biến kinh tế, chính trị của thế giới càng bất định sẽ dẫn đến những hệ lụy lớn đối với việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên và liên tục lắng nghe doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để có thể giải quyết kịp thời các vướng mắc và những vấn đề mới phát sinh. Thông qua
đối thoại để hai bên hiểu rõ hơn về nhu cầu và kế hoạch của các bên; và cũng bằng đối thoại để có thể giúp được cả phía Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài giải quyết được các khó khăn trước mắt và nhanh chóng thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh và mở rộng sản xuất sau dịch.