Theo số liệu của Sở NN-PTNT Đăk Lăk, trong niên vụ sắn 2013 – 2014 diện tích sắn trên địa bàn toàn tỉnh đã lên tới trên 30.000ha, tăng gần 30% so với niên vụ trước. Trong khi đó chủ trương của tỉnh này cũng chỉ duy trì diện tích cây sắn hàng năm khoảng 15.000 ha. Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám
đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk cho biết: Do trồng sắn dẫn đến nhiều nguy cơ
thoái hoá đất, xói mòn và phá rừng nên tỉnh đang ra sức vận động người dân không tăng thêm diện tích sắn. Các địa phương, ban, ngành chức năng trong tỉnh phối hợp ngăn chặn triệt để nạn phá rừng trồng sắn của nông dân, thế
nhưng vận động là một chuyện còn thực hiện hay không lại là chuyện của nông dân, theo đó diện tích sắn ngày một nổ tung vỡ hết quy hoạch.
Cũng như các địa phương khác của tỉnh Đăk Lăk, trong năm 2014 do giá sắn tăng cao nên người nông dân huyện Ea Kar đã đổ xô vào trồng loại cây này. Nếu như diện tích sắn năm 2013 chỉ có khoảng 4.021ha thì đến năm 2014 diện tích đã tăng lên trên 4.500ha. Sắn được trồng từ vùng đồng bằng ngược lên gò đồi, ngay cả núi cao chỉđể trồng rừng cũng được người dân tận dụng trồng sắn. Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ea Kar cho biết: Huyện đã có quy hoạch cho loại cây này từ nhiều năm trước và hằng năm chỉ duy trì tối đa 4.000ha tại các vùng đất thiếu nước, chất
đất xấu… Tuy nhiên do giá sắn cao nên người dân đã đổ xô vào trồng loại cây này khiến cho quy hoạch cơ cấu cây trồng của huyện bị phá vỡ, nhiều diện tích ngô, đậu đỗ bị thu hẹp, nhường chỗ cho cây sắn. Đặc biệt trong năm 2014 kế hoạch toàn huyện trồng 1.000ha rừng nhưng do người dân đổ xô trồng sắn
nên chỉ thực hiện được 50%.