7. Kết cấu luận văn
1.2.2. Sự cần thiết phải quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động
Hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam đang ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn lao động của các nước, với đủ các loại hình lao động khác nhau. Đồng thời, hoạt động này đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, XKLĐ còn đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Tuy nhiên, xung quanh hoạt động XKLĐ đang tồn tại nhiều vấn đề. Vì vậy nó đòi hỏi Nhà nước phải quản lý hoạt động XKLĐ.
Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động XKLĐ, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt như hiện nay, do đó vai trò của Nhà nước đối với hoạt động XKLĐ lại càng thể hiện rõ nét. Nhà nước chính là chủ thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động XKLĐ thực hiện, Nhà nước có bộ máy nhân sự để vận hành tổ chức quản lý hoạt động XKLĐ. Đồng thời Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động XKLĐ phát triển. Vì vậy, QLNN về hoạt động XKLĐ là một tất yếu.
Thêm vào đó hoạt động XKLĐ còn đem lại hiệu quả lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia: XKLĐ góp phần giải quyết việc làm
và tăng thu nhập cho NLĐ. Đồng thời, XKLĐ còn đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế do vậy rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa các nước phát triển và nước đang phát triển. Vì vậy, nhà nước phải quản lý hoạt động XKLĐ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế góp phần vào việc phát triển chung của đất nước.
Hơn nữa, XKLĐ còn góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại, từ đó quan hệ giữa nước XKLĐ và nước NKLĐ trở nên gắn bó hơn, hiểu nhau hơn, tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động XKLĐ còn nhiều vấn đề như một bộ phận NLĐ khi hết hạn hợp đồng vẫn ở lại cư trú, làm việc bất hợp phát trên nước bạn; một số thực tập sinh bỏ trốn khỏi nơi làm việc, vi phạm pháp luật của nước sở tại…Vì vậy, Nhà nước phải sử dụng các công cụ quản lý nhà nước nhằm giảm thiểu những vấn đề tồn tại nêu trên.
Bên cạnh những lý do trên thì hiện nay, chất lượng nguồn lao động xuất khẩu của Việt Nam còn gặp phải một số hạn chế như: số lượng LĐXK có tay nghề và trình độ cao còn ít đa phần là lao động phổ thông; khả năng giao tiếp của lao động Việt Nam kém dẫn đến khó khăn trong việc truyền đạt nội dung công việc và gặp nhiều hạn chế trong quá trình đào tạo; ý thức chấp hành kỷ luật của một số lao động còn chưa cao. Vì vậy, Nhà nước cần quản lý để nâng cao chất lượng nguồn lao động đảm bảo đáp ứng nhu cầu lao động trên TTLĐ quốc tế.