Quản lý nhà nước về đấu tranh phòng chống tội phạm là một bộ phận trong QLNN về trật tự an toàn xã hội.
Thứ nhất, hoạt động quản lý Nhà nước trong phòng ngừa tội phạm góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển về mọi mặt tại địa bàn cơ sở.
Sự phát triển về mọi mặt ở các địa bàn cơ sở phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó vấn đề đảm bảo tình hình an ninh, trật tự, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội là một nhiệm vụ mang tính chất chiến lược. Thực tiễn tiến hành hoạt động quản lý nhà nước trong phòng ngừa tội phạm cho thấy vai trò quan trọng của hoạt động này trong việc đảm bảo cho sự hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan, tổ chức, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn, góp phần tích cực trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và các diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự, từ đó thắt chặt thêm sự đồng thuận, thống nhất trong cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn.
Thứ hai, hoạt động quản lý Nhà nước trong phòng ngừa tội phạm vừa mang hiệu quả kinh tế cao vừa mang tính nhân đạo sâu sắc.
Lực lượng Công an với chức năng nhiệm vụ tiến hành các hoạt động phòng ngừa không để tội phạm xảy ra không chỉ bảo vệ được tài sản của nhà nước và nhân dân; hạn chế những thiệt hại vật chất trong quá trình đấu tranh, xử lý tội phạm mà còn đảm bảo sự ổn định xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn cơ sở. Mặt khác phòng ngừa tội phạm là nhằm không để một công dân nào trên địa bàn phải chịu hình phạt của pháp luật bởi những hành vi phạm tội. Đối với toàn xã hội, điều quan trọng hơn cả là không để các hành vi phạm tội xảy ra. Mặt khác, một người khi đã có hành vi phạm tội thì cần phải có
các biện pháp xử lý, giáo dục, cải tạo để họ trở thành người có ích - đó cũng chính là một biện pháp phòng ngừa tích cực và nhân đạo.
Thứ ba, hoạt động quản lý nhà nước trong phòng ngừa tội phạm góp phần tích cực vào việc phát hiện, ngăn chặn tội phạm và làm giảm tội phạm trong cộng đồng dân cư.
Tuyên truyền, vận động mọi người hiểu và tự giác chấp hành pháp luật; xây dựng nếp sống văn hóa, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc góp phần làm giảm tội phạm.