2.4. Đánh giá chung về thực trạng quản lý nhà nước đối với công tác thi đua,
2.4.2. Những hạn chế, bất cập
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng cũng như quản lý nhà nước đối với công tác này trong thời gian qua ở địa phương trong đó có tỉnh Bắc Ninh cũng còn yếu kém, tồn tại đó là thực hiện
quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng không đồng đều và chưa phát huy hết hiệu lực quản lý, cụ thể:
- Trước hết nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa được đầy đủ và sâu sắc. Nhất là thi đua, khen thưởng trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, nhiều nơi xem nhẹ thi đua, nặng về khen thưởng, một số nơi lại chú trọng tổ chức thi đua, xem nhẹ công tác khen thưởng.
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa đi vào nề nếp. Nhiều nơi khi tổ chức phát động thi đua làm rầm rộ nhưng sau đó lại không tích cực triển khai thực hiện dẫn đến tình trạng phong trào "có phát mà không động". Việc kiểm tra đôn đốc phong trào chưa thực hiện thường xuyên, sơ kết, tổng kết chưa sâu, còn nặng nề về hình thức. Một số đơn vị địa phương có phong trào thi đua tốt nhưng lại chưa thực sự quan tâm đến tổng kết, rút kinh nghiệm để phát triển phong trào mạnh hơn. Phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến còn lúng túng. Tại một số cơ quan, đơn vị, việc chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng còn buông lỏng, chưa tập trung, thiếu cụ thể, vẫn còn mang tính hình thức coi nhẹ phong trào thi đua, chỉ trú trọng khen thưởng cuối năm, làm mất đi ý nghĩa thực của công tác thi đua - khen thưởng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua - khen thưởng của nhà nước chưa được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện kịp thời theo yêu cầu của tình hình mới.
- Hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở các Sở, Ban, Nghành, các Huyện, Thị xã, Thành phố, chưa thống nhất, đa số còn kiêm nhiệm nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn không có cán bộ làm công tác thi đua vì vậy chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chưa thực hiện tốt chức
năng tham mưu cho cấp ủy chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng.
- Tổ chức phong trào thi đua chưa đều, chưa hoàn thiện, rộng khắp trên các lĩnh vực, thành phần kinh tế. Các phong trào thi đua ở khối sản xuất, kinh doanh, đoàn thể được phát động, duy trì và đạt kết quả rõ rệt. Khối hành chính sự nghiệp, một số cơ quan đảng, chính quyền trong phong trào thi đua chưa được thường xuyên phát động và duy trì. Nội dung thi đua còn chung chung, thiếu những chi tiết và giải pháp cụ thể. Trong sản xuất, kinh doanh khu vực dân doanh và khu vực đầu tư nước ngoài chưa được chú ý đúng mức còn nhiều lúng túng về cả nội dung và cách thức tổ chưc thi đua. Một số địa phương, đơn vị ít tổ chức phong trào thi đua riêng biệt, mà chỉ tham ra những chương trình trọng tâm, trọng điểm được tổ chức trên toàn tỉnh. Trong công tác khen thưởng, đối tượng khen thưởng còn chưa chú trọng đến kinh tế hộ gia đình, công nhân, nông dân, người lao động sản xuất trực tiếp, các lĩnh vực khó khăn độc hại, khen thưởng đột xuất, ...; ngoài các hình thức khen thưởng các quy định của luật Thi đua - Khen thưởng và nghị định của chính phủ, Bắc Ninh chưa có hình thức khen thưởng khác để động viên các tập thể, cá nhân và làm đa dạng thêm công tác khen thưởng của tỉnh. - Tuyên truyền về các nội dung trong công tác thi đua, khen thưởng; tuyên truyền và nhân rộng mô hình, nhân tố mới, điển hình tiên tiến rất hạn chế, chưa liên tục và chưa có sức thuyết phục cao. Phần lớn là công việc của các cơ quan báo trí tham gia tuyên truyền với mức độ khác nhau, mới dừng lại ở mức độ phản ánh thông tin; chưa đi sâu vào bản chất, qua trình vận động, nét mới và sáng tạo của gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới, mô hình mới. Đặc biệt sự hấp dẫn, lôi cuốn thuyết phục trong thông tin tuyên truyền chưa được hiệu quả.
- Mỗi năm công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về thi đua, khen thưởng toàn tỉnh chỉ có 01 lớp, so với nhu cầu thực tế thì quá ít để những cán bộ làm chuyên trách về thi đua khen thưởng nhận thức nhanh về các văn bản, chính sách mới về luật thi đua, khen thưởng để áp dụng vào nhiệm vụ thực tiễn lúc đó. - Ở một số đơn vị, đơn vị công tác sơ kết, tổng kết, bình xét, đánh giá kết quả, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng còn chung chung, hình thức, còn có biểu hiện nể nang, cào bằng, cá biệt có tình trạng xét, đề nghị “luân phiên” còn biểu hiện “tích điểm” để nhận khen thưởng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, hiệu quả công tác thi đua khen thưởng hạn chế: phát động phong trào thi đua hàng năm, giai đoạn chưa sâu, chưa tìm ra mục tiêu, hình thức và nội dung mới; chưa sử dụng các loại hình thi đua với phong trào thi đua. Cho nên khen thưởng còn tràn lan chưa đúng đối tượng. Hàng năm, chưa xác định được biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đổi mới công tác thi đua khen thưởng.
- Công tác khen thưởng chưa bám sát phong trào thi đua, vẫn còn tình trạng khen thưởng tràn lan, trùng lặp và chưa công bằng. Nhiều tiêu chuẩn hình thức, phương pháp khen thưởng duy trì quá lâu làm mất tính hấp dẫn, không động viên khích lệ được đông đảo quần chúng tham gia. Việc xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng ở một số cơ quan, đơn vị chưa đúng tiêu chuẩn quy định, có biểu hiện hình thức, làm giảm tác dụng và ý nghĩa của khen thưởng. Việc đề nghị khen thưởng nhân ngày truyền thống, ngày thành lập cơ quan, đơn vị có xu hướng gia tăng. Khi xét khen thưởng, các đơn vị phần lớn tập trung đề nghị khen thưởng chức danh lãnh đạo hoặc khen thưởng tập thể lớn mà ít chú ý tôn vinh tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp... dẫn đến sự động viên không thiết thực, giảm ý nghĩa của phong trào thi đua. Việc khen thưởng gương người tốt, việc tốt, tài năng trẻ chưa được quan
tâm đầy đủ, chưa chú ý đúng mức đến việc xây dựng điển hình tiên tiến trong thời kì đổi mới. Tỷ lệ khen thưởng đối với người không giữ chức vụ lãnh đạo còn thấp, đặc biệt đối với các hình thức khen thưởng cấp nhà nước và danh hiệu " Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh".
- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng là công việc quan trọng của quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên phần lớn mới triển khai thực hiện kiểm tra, thanh tra thường xuyên, chưa đi sâu kiểm tra, thanh tra tính chất chuyên đề, đột xuất. Nội dung thanh tra phần lớn tập trung vào các văn bản chỉ đạo thực hiện các quy định của luật thi đua khen thưởng; đối tượng thanh tra là tại các địa phương, cơ sở. Thậm trí, thanh tra, kiểm tra còn là tình trạng nể nang, cào bằng. Chưa phối hợp thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời vướng mắc những luật khác có liên quan tới công tác thi đua, khen thưởng.
- Việc kiểm tra, giám sát và phát triển môi trường thi đua còn chưa được quan tâm. Nhiều tập thể, cá nhân còn thơ ơ, thiếu trách nhiệm với phong trào thi đua yêu nước. Công tác thi đua, khen thưởng còn quá phụ thuộc vào chủ trương, chính sách, Tỉnh chưa có cơ chế đánh giá giám sát việc chỉ đạo, điều hành công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan chuyên môn về thi đua, khen thưởng.