Công tác quản lý công chức có nhiều nội dung, trong đó đánh giá công chức được coi là khâu khó và nhạy cảm vì có ảnh hưởng đến tất cả các khâu khác, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức cũng như giúp công chức phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, tiến bộ không ngừng trong việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả công tác của công chức; đánh giá đúng sẽ tạo điều kiện cho công chức phát huy được năng lực, sở trường, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đánh giá công chức khách quan là thực hiện tốt các nội dung sau:
Đánh giá công chức được dựa trên các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của công chức theo quy định cảu pháp luật về công chức. Cụ thể căn cứ vào: Vị trí công việc, yêu cầu và trách nhiệm cơ quan, đơn vị phân công rõ ràng, cụ thể cho công chức; sản phẩm công tác cụ thể của mỗi một chức danh, mỗi công chức trong thời gian đánh giá (tháng, quý, năm).
Đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ được giao, thể hiện ở khối lượng, chất lương, tiến độ, hiệu quả công việc của từng vị trí, từng thời gian (bao gồm cả nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ đột xuất). Tinh thần trách nhiệm trong công tác, trong việc cải tiến phương pháp làm việc để nâng cao hiệu quả về khối lượng, chất lượng công việc; đánh giá về sáng kiến và kinh nghiệm công tác được áp dụng trong thực tiễn. Tinh thần tự nghiêm cứu, học tập để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, đối với công chức lãnh đạo ngoài những nội dung được đánh giá như công chức thừa hành còn phải đánh giá thêm về hiệu quả kinh tế - xã hội, về xây dụng cơ quan, đoàn kết nội bộ, mức độ tín nhiệm của cấp dưới, đồng nghiệp và nhân dân; về môi trường và điều kiện công tác, hiệu quả công tác của đơn vị, về việc chỉ đạo và ban hành các văn bản quản lý và hiệu quả tác động đối với xã hội.