Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi đông bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Sông Hồng. Tỉnh Thái Nguyên hiện có 46 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc sinh sống tại Việt Nam, trong đó 8 dân tộc đông dân nhất là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông…Chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS luôn là nhiệm vụ được chính quyền tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Một số bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện CSVL cho đồng bào DTTS mà tỉnh Thái Nguyên có thể tham khảo đó là:
Một là, hỗ trợ, cho đồng bào DTTS vay vốn để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh;
Hai là, lựa chọn nghề phù hợp và đào tạo nghề cho người lao động DTTS gắn với khả năng và nhu cầu việc làm trong khu công nghiệp;
Ba là, tổng kết rút kinh nghiệm nhân rộng các điển hình tiên tiến trong giải quyết việc làm, phát triển sinh kế;
Bốn là, khuyến khích thanh niên DTTS khởi nghiệp;
Năm là, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp nhận người DTTS vào làm việc nhằm giúp đồng bào DTTS có việc làm ổn định.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Ở chương 1, tác giả đã khái quát về cơ sở lí luận của thực hiện chính sách việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số là toàn bộ quá trình đưa chính sách vào đời sống xã hội theo một quy trình, thủ tục chặt chẽ và thống nhất nhằm giải quyết vấn đề lao động và việc làm đang diễn ra đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong một phạm vi không gian và thời gian nhất định. Thực thi chính sách việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tạo cơ hội về việc làm, chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân; góp phần xóa đói giảm nghèo. Quy trình thực hiện chính sách việc làm hiện nay gồm 5 bước Bước 1. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách việc làm; Bước 2: Phổ biến, tuyên truyền chính sách việc làm; Bước 3. Phân công, phối hơp thực hiện chính sách việc làm; Bước 4. Đôn đốc thực hiện chính sách việc làm; Bước 5. Tổng kết thực thi chính sách việc làm.
Trên cơ sở lý luận về thực hiện chính sách việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở chương 1, chương 2 tác giả sẽ phân tích thực trạng thực hiện chính sách việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, chỉ ra những mặt đạt được, những hạn chế và nguyên nhân hạn chế.
Chương 2:
THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH VIỆC LÀM CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN 2.1. Khái quát về tỉnh Thái Nguyên
2.1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên Vị trí địa lý:
Thái Nguyên là một tỉnh ở đông bắc Việt Nam, Tỉnh Thái Nguyên có diện tích 3.562,82 km² phía bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía nam tiếp giáp với thủ đô Hà Nội.
Tỉnh Thái Nguyên được tái lập ngày 1/1/1997 với việc tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên.
Tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính: 2 thành phố (Thành phố Thái Nguyên; TP. Sông Công) và 7 huyện: Phổ Yên, Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương. Tổng số gồm 180 xã, trong đó có 125 xã vùng cao và miền núi, còn lại là các xã đồng bằng và trung du.
Tỉnh có giao thông thuận lợi, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Việc giao lưu đã được thực hiện thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt mà thành phố Thái Nguyên là đầu nút. Tỉnh Thái Nguyên trung bình cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 75 km và cảng Hải Phòng 200 km.
Về điều kiện tự nhiên:
Về địa hình, Thái Nguyên có nhiều dãy núi cao chạy theo hướng bắc- nam và thấp dần xuống phía nam. Cấu trúc vùng núi phía bắc chủ yếu là đa
phong hóa mạnh, tạo thành nhiều hang động và thung lũng nhỏ. Là một tỉnh trung du miền núi nhưng địa hình Thái Nguyên lại không phức tạp lắm so với các tỉnh trung du, miền núi khác, đây là một thuận lợi của Thái Nguyên cho canh tác nông lâm nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội nói chung so với các tỉnh trung du miền núi khác.
Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 10 đến tháng 5. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.000 đến 2.500 mm; cao nhất vào tháng 8 và thấp nhất vào tháng 1. Nhiệt độ trung bình của Thái Nguyên là 25 °C; chênh lệch giữa tháng nóng nhất (tháng 6: 28,9 °C) với tháng lạnh nhất (tháng 1: 15,2 °C) là 13,7 °C. Tại thành phố Thái Nguyên, nhiệt độ cao nhất và thấp nhất từng được ghi nhận lần lượt là 41,5 °C và 3 °C.
Sông ngòi: Sông Cầu là con sông chính của tỉnh, ngoài ra còn còn có một số sông suối khác nhưng hầu hết đều là phụ lưu của sông Cầu. Tỉnh cũng có Hồ Núi Cốc là hồ nhân tạo được hình thành do việc chặn dòng sông Công, đây vừa hằm các mục đích cung cấp nước, thoát lũ cho sông Cầu vừa là điểm du lịch hấp dẫn du khách.
Đất đai: Tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích là 356.282 ha, Đất núi chiếm 48,4%, Đất đồi chiếm 31,4%, Đất ruộng chiếm 12,4%. Nơi đây đất đai phù hợp đối với cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm, đặc biệt là cây chè được coi là một đặc sản của Thái Nguyên.
Về khoáng sản: Thái Nguyên có tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại, là một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng. Thái Nguyên được đánh giá là tỉnh có trữ lượng than lớn thứ 2 trong các cả tỉnh thành cả nước bao gồm than mỡ, than đá. Tiềm năng than mỡ có khoảng trên 15 triệu tấn, trong đó trữ lượng tìm
kiếm thăm dò khoảng 8,5 triệu tấn. Than đá với tổng trữ lượng tìm kiếm và thăm dò khoảng 90 triệu tấn[28]. Thái Nguyên cũng là nơi có nhiều khoáng sản kim loại màu có thiếc, chì, kẽm, vonfram, vàng, đồng, niken, thuỷ ngân…và khoáng sản phi phi kim loại: Có pyrít, barít, phốtphorít... trong đó đáng chú ý là phốtphorít ở một số điểm quặng: Núi Văn, Làng Mới, La Hiên với tổng trữ lượng khoảng 60.000 tấn. Đây là lợi thế rất lớn của tỉnh trong việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng.
2.1.2. Kinh tế - Xã hội Về kinh tế:
Thái Nguyên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên là một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực đông bắc hay cả vùng trung du và miền núi phía bắc. Thái Nguyên có nền kinh tế phát triển, trong đó công nghiệp đóng vai trò chủ yếu. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Năm 2015, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sảnchiếm tỷ trọng 16,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 49,4%; khu vực dịch vụ chiếm 34%.
Năm 2018 kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giữ được đà tăng trưởng; các chỉ tiêu kinh tế cơ bản như: Giá trị sản xuất công nghiệp duy trì quy mô cao và đạt tốc độ tăng khá, tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa; xuất khẩu và thu ngân sách trên địa bàn đều đạt cao; cung cầu hàng hóa được đảm bảo; sản xuất nông nghiệp nhìn chung phát triển tốt do dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc gia cầm không phát sinh, giá bán sản phẩm chăn nuôi đang duy trì ở mức cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn năm 2018 ước đạt 10,44%. GRDP bình quân đầu người
ước đạt 77,7 triệu đồng, tăng 9,6 triệu đồng/người/năm so với năm 2017. Nếu tính theo Đô la Mỹ, năm 2018 đạt 3.375 USD/người/năm.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2018 trên địa bàn ước đạt 14 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2017.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 so với năm 2017 là 4,1% trong đó ngành trồng trọt tăng 1,8%; ngành chăn nuôi tăng 5,3%.
Giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 25,06 tỷ USD, tăng 10,2% so cùng kỳ.
Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 670,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so cùng kỳ [29].
Về xã hội:
Dân số trung bình năm 2018 tỉnh Thái Nguyên ước tính sơ bộ là khoảng 1.268 nghìn người, trong đó, dân số khu vực thành thị chiếm khoảng 35,3% và dân số khu vực nông thôn khoảng 64,7%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2018 ước đạt 7%, giảm 2% so với năm 2017.
Về giáo dục, đào tạo: Mạng lưới trường lớp của các cấp, bậc học tiếp tục được sắp xếp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Năm học 2018-2019, trên địa bàn toàn tỉnh có 678 trường (bao gồm cả 01 trường nội trú thuộc Trung ương quản lý; công lập 660 trường, ngoài công lập 17 trường) trong đó, mầm non có 230 trường; Tiểu học có 224 trường; trung học cơ sở có 191 trường; trung học phổ thông có 33 trường; 01 trường nội trú thuộc Trung ương quản lý.
Về y tế: Công tác phòng chống dịch và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được duy trì triển khai. Ngành chức năng đã chỉ đạo thường xuyên
việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch năm 2018 tại các địa phương; đảm bảo công tác tiêm chủng và hệ thống bảo quản Vắc xin tại các tuyến đúng quy định.
Về văn hóa: Năm 2018 trên địa bàn tỉnh, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng các sự kiện chính trị, ngày lễ kỷ niệm được tổ chức thường xuyên như tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao tỉnh Thái Nguyên lần thứ VIII/2018; tổ chức Kỷ niệm 46 năm Ngày hy sinh của 60 Thanh niên xung phong Đại đội 915 Bắc Thái; công bố và đưa vào sử dụng công trình tu bổ, tôn tạo Nhà tưởng niệm các TNXP Đại đội 915 tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, công trình được xếp hạng Khu di tích lịch sử Quốc gia; tổ chức lễ hội "Hương sắc Trà xuân -Vùng chè đặc sản Tân Cương”.
2.2. Sự phát triển của các khu công nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên
Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi về địa lý, kinh tế, chính trị để thu hút đầu tư, phát triển bền vững các KCN, phục vụ mục tiêu CNH, HĐH Đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 5 có 6 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung theo văn bản 1854/TTg-KTN ngày 8-10-2009 (có quy mô 1.420 ha) bao gồm:
- KCN Sông Công 1, diện tích 220 ha (phường Bách Quang, Thị xã Sông Công);
- KCN Sông Công 2, diện tích 250 ha (xã Tân Quang, thị xã Sông Công); - KCN Nam Phổ Yên, diện tích 200 ha (xã Trung Thành và xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên);
- KCN Tây Phổ Yên, diện tích 200 ha (xã Minh Đức, huyện Phổ Yên); KCN Điềm Thụy, diện tích 350 ha (xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình và xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên);
- KCN Quyết Thắng, diện tích 200 ha (xã Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên). Trong đó có 5 KCN đi vào hoạt động; cuối năm 2018, các KCN đã thu hút được 200 dự án đầu tư, với vốn đăng ký là 7,55 tỷ USD, đạt 97,2% vốn FDI đăng ký [4].
Bản đồ các KCN tỉnh Thái Nguyên
(Nguồn: Trang thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên)
Các KCN đã có nhiều đóng góp tích cực trong thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI, giải quyết việc làm, góp phần hiện đại hoá kết cấu hạ tầng, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Các KCN đã nộp ngân sách đạt 6.900 tỷ đồng, chiếm 48% so với tổng thu ngân sách toàn Tỉnh…Bên cạnh đó, các KCN
cũng đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn người dân. Các doanh nghiệp KCN trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho gần 120.000 người lao động, với mức thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Mục tiêu phát triển các KCN ở tỉnh Thái Nguyên đó là nhằm hình thành hệ thống các khu, cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn, đảm bảo sự phát triển bềnvững và thật sự trở thành động lực cho sự phát triển chung của toàn tỉnh, tạo hạt nhân đểphát triển đồng đều các tiểu vùng và các địa phương trong tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân số và lao động, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tăng tỷ lệ đóng góp của công nghiệp trong pháttriển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vì thế định hướng quy hoạch các KCN tỉnh Thái Nguyên là phải Quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ với quy hoạch nguồn nhân lực gắn vớicác cơ sở dạy nghề, các công trình hạ tầng xã hội như nhà ở, trường học, cơ sở y tế, văn hoá, thể thao...tạo điều kiện cải thiên đời sống cho người lao động, nhất là lao động tại các khu côngnghiệp tập trung;Chú trọng hiệu quả kinh tế - xã hội trong phát triển công nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sử dụng nhiều lao động, tạo giá trị gia tăng lớn; Nâng cao trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp tỉnh phù hợp với Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành công nghiệp; Chú trọng đào tạo đội ngũ lao động công nghiệp trình độ cao, có tác phong công nghiệp, hiện đạiphù hợp với nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và xu thế phát triển xã hội thông tin và kinh tế tri thức [27].
Có thể thấy, sự phát triển của các KCN tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây đòi hỏi lực lượng lao động rất lớn, trong số đó có cả lực lượng lao động là đồng bào DTTS. Các KCN cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực để đáp ứng sự phát triển nhanh của các ngành nghề, các nhà máy sản xuất tại KCN.
2.3. Thực trạng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại các KCN trên địa tỉnh Thái Nguyên tỉnh Thái Nguyên
2.3.1. Hình thức định cư và điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Thái Nguyên
Tỉnh Thái Nguyên có nhiều dân tộc cùng sinh sống, theo số liệu điều tra dân số nhà ở năm 2009, Tỉnh Thái Nguyên hiện có 46 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc sinh sống tại Việt Nam, trong đó người Kinh có 821.083 người, chiếm tỉ lệ 73,1% so với tổng dân số tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 45 dân tộc thiểu số trên tổng số 54 dân tộc tại Việt Nam sinh sống, trong đó 7 dân tộc thiểu số đông dân nhất là: Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa, theo điều tra tra dân số nhà ở năm 2009 các dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên là 302.039 người chiếm tỷ lệ 27%.
Bảng 2.1. Cơ cấu dân số của đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Thái Nguyên
Dân tộc Dân số (người) Tỉ lệ so với tổng dân số tỉnh
Tày 123.197 11%
Nùng 63.816 5,7%
Sán Dìu 44.134 3,9%
Sán Chay 32.483 2,9%
Mông 7.230 0,6%
Hoa 2.064 0,18%
DT khác 3755 0,32%
(Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2009)
Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số Việt nam 01/7/2015, số lượng người dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên có 339.036 chiếm 28% dân số toàn tỉnh (tăng 1% so với năm 2009). Cụ thể: