Những hạn chế, tồn tại:

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) QUYỀN CON NGƯỜI TRONG GIẢI QUYẾT các vụ VIỆC hôn NHÂN và GIA ĐÌNH từ THỰC TIỄN tòa án NHÂN dân HUYỆN bố TRẠCH, TỈNH QUẢNG BÌNH (Trang 69 - 75)

- Một là, hạn chế trong việc bảo đảm quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình của công dân

Thực tiễn thụ lý cho thấy nhiều trường hợp do nhận thức, hiểu biết pháp luật của đương sự về các điều kiện khởi kiện còn hạn chế dẫn đến việc đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình không đúng, không đầy đủ. Chẳng hạn như nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhưng đơn khởi kiện không đầy đủ nội dung, thiếu những tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc khởi kiện hoặc đương sự nộp đơn khởi kiện không đúng Toà án có thẩm quyền, người khởi kiện không có tư cách khởi kiện. Khi gặp những trường hợp như thế, cán bộ nhận đơn đã phân tích, giải thích và hướng dẫn cụ thể cho đương sự, song trình độ nhận thức hoặc việc tiếp thu của một số người còn chậm, suy nghĩ máy móc, cứng nhắc, cố tình không hiểu. Bên cạnh đó, một số địa phương, đơn vị còn gây khó dễ cho đương sự khi họ đề nghị cung cấp tài liệu chứng cứ làm căn cứ khởi kiện như thông tin về hộ tịch, việc điều chỉnh thông tin về nhân thân…. Tất cả những điều này đã phần nào ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền khởi kiện, quyền yêu cầu của đương sự trong giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình.

Mặt khác, hạn chế trong việc bảo đảm quyền khởi kiện của công dân còn xuất phát từ trách nhiệm của cán bộ tiếp nhận đơn. Có trường hợp cán bộ

không hướng dẫn cụ thể và thái độ chưa đúng mực làm công dân phải đi lại nhiều lần. Cũng có trường hợp khi xem xét đơn khởi kiện thấy hình thức hoặc nội dung không theo đúng quy định của pháp luật nên cán bộ không nhận đơn là vi phạm về bảo đảm quyền khởi kiện của đương sự. Hoặc có trường hợp đương sự muốn giải quyết ly hôn thật nhanh vì mâu thuẩn quá trầm trọng, kéo dài dẫn đến theo nguyện vọng của đương sự và do họ kém hiểu biết về pháp luật, không lường trước được những hậu quả về sau này khi đã chấm dứt mối quan hệ hôn nhân. Vì vậy, cán bộ nhận đơn hướng đương sự yêu cầu giải quyết mối quan hệ hôn nhân và con chung trước, còn phần tài sản thì hoặc là không yêu cầu giải quyết hoặc là để lại giải quyết sau hoặc chỉ yêu cầu giải quyết tài sản có giá trị lớn còn tài sản nhỏ đương sự tự chia. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để giải thích trong những năm gần đây các vụ án hôn nhân và gia đình tăng về số lượng bởi lẽ thủ tục giải quyết đơn giản hoá, không tranh chấp về tài sản thì không tốn nhiều thời gian giải quyết. Tuy nhiên, về nguyên tắc của pháp luật tố tụng dân sự thì Tòa án phải tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, đương sự yêu cầu đến đâu, Tòa án giải quyết đến đó, Toà án cũng không được lạm quyền giải quyết ngoài nội dung yêu cầu của đương sự, thế nhưng vẫn còn một số trường hợp do người dân không hiểu pháp luật và cán bộ Tòa án giải thích, hướng dẫn không đến nơi đến chốn, dẫn đến Toà án giải quyết ly hôn nhưng chưa giải quyết toàn diện vụ án, chưa thoã mãn hết yêu cầu của đương sự.

Ví dụ: Bà Lê Thị Hoa Mai và ông Trương Thanh Bình đều trú tại xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch được Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch xử cho ly hôn vào năm 2013, theo đó Tòa án xác định về phần tài sản do các đương sự không yêu cầu nên Tòa án không giải quyết. Nhưng tại phiên Tòa phúc thẩm, ông Bình yêu cầu chia tài sản chung và cho rằng Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã không quan tâm đến yêu cầu này của ông. Theo lời trình bày của bà

Mai (nguyên đơn), trong đơn khởi kiện lần 1 bà có ghi: “đề nghị Tòa án giải quyết chia tài sản theo pháp luật”, nhưng vì muốn nhanh được ly hôn nên theo hướng dẫn của cán bộ Tòa án, bà viết đơn lại là chỉ yêu cầu giải quyết vấn đề hôn nhân và con chung, không yêu cầu chia tài sản. Do phạm vi giải quyết được giới hạn phụ thuộc vào yêu cầu của đương sự, vì vậy cấp phúc thẩm không có quyền xem xét yêu cầu của ông Bình, đành phải hướng dẫn cho ông Bình quyền khởi kiện vụ án khác.

- Hai là, hạn chế trong việc bảo đảm quyền của đương sự yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ và yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ

Một thực tế tại Toà án nhân dân huyện Bố Trạch cho thấy các vụ án hôn nhân và gia đình khi Tòa án thực hiện thụ lý còn thiếu các tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc thụ lý vụ án. Toà án đã yêu cầu đương sự bổ sung chứng cứ, tài liệu ban đầu để có thể thụ lý vụ án nhưng đương sự không thể bổ sung được do cá nhân, cơ quan, tổ chức khác lưu giữ các tài liệu, chứng cứ mà không có thiện chí cung cấp cho đương sự. Trong khi đó, theo pháp luật hiện hành thì đương sự chỉ có quyền yêu cầu Toà án can thiệp sau khi vụ án đã được Toà án thụ lý và đương sự phải xuất trình được cho Toà án văn bản trả lời của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó về lý do của việc không cung cấp chứng cứ, tài liệu cho đương sự. Thực tế này đã dẫn tới việc đương sự không thể thực hiện được quyền khởi kiện của mình, thậm chí không thể thực hiện được quyền đương sự yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ và yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ. Rất nhiều vụ án bị quá hạn phải tạm đình chỉ hoặc không thể giải quyết được vì đương sự không cung cấp được đầy đủ các chứng cứ, chứng minh.

Trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình theo trình tự sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Bố Trạch, một số Thẩm phán giải quyết vụ

án vẫn còn thụ động trong việc xác minh, thu thập chứng cứ làm cho việc giải quyết tranh chấp bị kéo dài ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của những người tham gia tố tụng.

Đối với các đương sự có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ nhưng muốn có đầy đủ tài liệu, chứng cứ phải phụ thuộc vào sự phối hợp của các cơ quan hữu quan khác, mới làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến vụ án. Tuy đã có các văn bản pháp luật quy định trách nhiệm cho các cơ quan khi có những việc liên quan đến Tòa án, nhưng thực tế trách nhiệm và việc phối hợp của các cơ quan với Tòa án chưa cao, còn chậm trễ, có những chứng cứ của vụ án và quyết định vụ án phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả xác minh hoặc giám định. Có những trường hợp khác khi Tòa án yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiến hành một số công việc như thực hiện ủy thác điều tra, tống đạt giấy báo, tống đạt quyết định, lấy lời khai, xác minh những vấn đề có liên quan đến vụ án... Một số trường hợp các cơ quan được ủy thác không tích cực phối hợp, họ không cho đây là nhiệm vụ được pháp luật quy định mà cho là việc của Tòa án, nên dẫn đến tình trạng việc làm qua loa, kéo dài, thậm chí kết quả chất lượng những văn bản xác minh, lấy lời khai rất thấp. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vụ án bị dây dưa, kéo dài, phải gia hạn thời hạn tố tụng.

- Ba là, hạn chế trong việc bảo đảm quyền thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình của đương sự.

Bên cạnh hạn chế trong việc xác minh hoặc yêu cầu thu thập, cung cấp chứng cứ thì việc hòa giải cũng chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thực tế như trong quá trình hòa giải Thẩm phán chưa nắm chắc được các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, việc giải thích pháp luật còn qua loa, thiếu trách nhiệm, khả năng động viên, hòa giải, thuyết phục các đương sự hướng đến giải quyết tranh chấp của một số Thẩm phán còn hạn chế. Do đó, kết quả hòa

giải chưa đạt được kết quả cao. Đối với các vụ án thuận tình ly hôn về cơ bản đã giải quyết tốt, nhưng còn một số ít do quá trình hòa giải thuận tình ly hôn sơ sài, không chú ý giải quyết triệt để từng mối quan hệ trong hôn nhân, khi quyết định có nội dung thiếu chính xác và đôi khi viện dẫn điều luật còn chưa đầy đủ, nội dung quyết định còn có sơ xuất về lỗi chính tả, câu văn chưa rõ ràng, đặc biệt có vụ do lỗi chủ quan khi tính thời hạn ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn chưa đảm bảo đủ thời hạn 07 ngày theo quy định (thời hạn này theo công văn hướng dẫn của Tòa án là phải tính theo giờ), nên dẫn đến việc quyết định công nhận thuận tình ly hôn các đương sự vẫn có đơn khiếu kiện đề nghị Tòa án cấp trên xem xét lại và dẫn đến tình trạng quyết định thuận tình ly hôn vẫn bị hủy theo trình tự giám đốc thẩm để điều tra giải quyết lại từ giai đoạn ban đầu.

Ví dụ: Vụ kiện xin ly hôn giữa anh Dương Đình Sinh, sinh năm 1987 và chị Nguyễn Thị Hồng Thắm sinh năm 1987 đều trú tại Tiểu khu 2, Thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch được Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch lập biên bản hòa giải thành vào lúc 10h ngày 12/4/2015, đến ngày 18/4/2015 Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn (số 97/STLH-QĐ ngày 18/4/2015). Do Tòa án tính thời hạn bắt đầu là ngày 12/4/2015 chứ không tính giờ nên thời hạn 7 ngày sẽ kết thúc vào ngày 18/4/2015 mà lẽ ra phải kết thúc vào ngày 19/4/2015 mới đúng và đảm bảo quyền của đương sự. Do bị đơn khiếu nại nên sau đó Tòa án phúc thẩm tại Đà Nẵng đã kháng nghị giám đốc thẩm hủy quyết định để giải quyết lại từ đầu.

Như vậy bản chất việc hòa giải thuận tình ly hôn trong trường hợp cụ thể nêu trên đã thể hiện sự tự nguyện thỏa thuận và quyền định đoạt của hai bên đương sự cùng thống nhất ly hôn, song việc tính thời hạn ra quyết định không chính xác, pháp luật còn quy định cho đương sự được quyền thay đổi ý kiến của họ trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản thỏa thuận cho nên

tuy không mong muốn đoàn tụ song sau khi nhận được quyết định của Tòa án, bị đơn đã được tư vấn về pháp luật và đã dùng kẻ hở này để khiếu nại đến nhiều cơ quan làm kéo dài việc chấm dứt hôn nhân nhằm không cho nguyên đơn được giải phóng hôn nhân. Vụ việc này sau đó Tòa án Bố Trạch thụ lý lại và các đương sự thống nhất thỏa thuận thuận tình ly hôn như quan điểm lần đầu. Rõ ràng, việc áp dụng thiếu chính xác về thời hạn ra quyết định của Tòa án đã làm ảnh hưởng đến quyền thỏa thuận của nguyên đơn mà lẽ ra nếu không có vi phạm về thời hạn tố tụng thì hôn nhân của họ đã chấm dứt sớm hơn.

- Bốn là, hạn chế trong việc bảo đảm quyền tranh tụng tại phiên tòa của các đương sự

Việc đổi mới tranh tụng tại phiên tòa đã được Toà án nhân dân huyện Bố Trạch tích cực đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa thật sự đổi mới toàn diện do thiếu hướng dẫn cụ thể về nội dung, phương thức thực hiện để áp dụng thống nhất.

Mục đích, ý nghĩa của phần tranh tụng giữa các bên đương sự tại phiên tòa là nhằm làm sáng tỏ những tình tiết khách quan của vụ án nhất là các tình tiết mà những người tham gia tranh tụng còn có ý kiến khác nhau. Đồng thời thông qua phần tranh tụng để giúp hội đồng xét xử đánh giá, nhận định đầy đủ khách quan về nội dung vụ án, làm căn cứ khi nghị án và ra bản án hoặc quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục. Tuy nhiên, với các quy định của Luật tố tụng dân sự và thực tiễn hoạt động xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình tại Toà án nhân dân huyện Bố Trạch cho thấy về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa chưa bao hàm được mục đích, ý nghĩa của phần tranh tụng tại phiên tòa. Mặc dù về nguyên tắc trong tố tụng dân sự nguyên đơn và bị đơn khi tham gia quan hệ dân sự là bình đẳng, tự nguyện nhưng thực tiễn chất lượng của phần tranh tụng của phiên tòa xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình rất

hạn chế, không đạt được ý nghĩa làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án, dẫn đến việc chưa bảo đảm yêu cầu về chất lượng xét xử.

- Năm là, hạn chế trong việc bảo đảm các quyền của đương sự nhờ người khác bảo vệ

Mặc dù tại tỉnh Quảng Bình đã có rất nhiều các Văn phòng Luật sư, các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Hội Luật gia… nhưng việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp trong các vụ án hôn nhân và gia đình như phụ nữ, trẻ em, người nghèo còn rất ít. Mặc dù pháp luật khuyến khích sự tham gia tự nguyện, tích cực và chủ động đối với hoạt động trợ giúp pháp lý nhưng thực tiễn cho thấy sự tham gia ở mức độ rất hạn chế của đội ngũ luật sư vào hoạt động trợ giúp pháp lý lĩnh vực này. Thêm nữa, phần lớn các luật sư tập trung chủ yếu ở trung tâm tỉnh Quảng Bình và theo nhận thức suy nghĩ của đa số đương sự thì khái niệm nhờ luật sư, trợ giúp viên pháp lý chỉ có trong vụ án hình sự; vậy nên đối với đương sự vùng nông thôn, sự tiếp cận đối với hỗ trợ pháp lý còn rất hạn chế dẫn đến đương sự không thể biết rằng mình được trợ giúp pháp lý toàn bộ, miễn phí và có quyền nhờ người khác bảo vệ quyền công dân của mình khi tham gia hoạt động tố tụng tại Toà án.

- Sáu là, hạn chế trong việc thanh tra kiểm tra về bảo đảm quyền con người trong hoạt động giải quyết các vụ, việc hôn nhân và gia đình

Mặc dù hàng năm Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình đều thực hiện công tác giám đốc kiểm tra thường xuyên đối với hoạt động xét xử của Toà án nhân dân huyện Bố Trạch. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa có cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề nào về vấn đề bảo đảm quyền con người trong hoạt động giải quyết các vụ, việc hôn nhân và gia đình. Mà vấn đề trên được thực hiện lồng ghép vào các cuộc kiểm tra khác nên chưa phát hiện, rút kinh nghiệm đối với những sai phạm điển hình để uốn nắn nhắc nhở.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) QUYỀN CON NGƯỜI TRONG GIẢI QUYẾT các vụ VIỆC hôn NHÂN và GIA ĐÌNH từ THỰC TIỄN tòa án NHÂN dân HUYỆN bố TRẠCH, TỈNH QUẢNG BÌNH (Trang 69 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)