3.2.1.1. Hoàn thiện pháp luật về thay đổi, cải chính hộ tịch
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là đòi hỏi khách quan trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ mang tính lý luận chung về nhà nước và pháp luật, bất kỳ một hệ thống pháp luật, một ngành luật hay chế định luật nào cũng luôn cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với sự vận động, phát triển và biến đổi không ngừng của các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh. Pháp luật về thay đổi, cải chính hộ tịch cũng không nằm ngoài quy luật đó, sự hoàn thiện pháp luật về thay đổi, cải chính hộ tịch là cơ sở, tiền đề bảo đảm thực hiện các giải pháp khác trong việc nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện pháp luật về thay đổi, cải chính hộ tịch trên địa bàn huyện Trảng Bom.
Luật Hộ tịch 2014, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Thông tư số 15/2015/TT-BTP mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đến nay, điều chỉnh trực tiếp quan hệ pháp lý về hộ tịch nói chung, thay đổi, cải chính hộ tịch nói riêng; là văn bản pháp lý đầu tiên thống nhất điều chỉnh các quan hệ pháp lý thay đổi, cải chính hộ tịch trong nước và có yếu tố nước ngoài trong cùng một văn bản luật; là văn bản pháp lý được đánh giá có nhiều nội dung cải cách hành chính mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau 03 năm thực hiện cũng đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế, bất cập không phù hợp với thực tiễn quản lý, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện, không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân cần sửa đổi, bổ sung:
- Về điều kiện cải chính hộ tịch: Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định phải có sai sót khi đi đăng ký hộ tịch. Sai sót này có thể do công chức đăng ký hộ tịch hoặc sai sót do người dân khi đăng ký hộ tịch. Quy định như trên là chưa phù hợp, gây khó khăn cho người dân. Cần bổ sung điều kiện cải chính hộ tịch là do các quy định của pháp luật bất cập, không phù hợp hoặc do nhà nước thực hiện chia tách, sát nhập địa giới hành chính.
Các thông tin hộ tịch trong các giấy tờ hộ tịch: các thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc là cơ sở chủ yếu để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác. Vì vậy, không nên cứng nhắc trong việc quy định về không cho cải chính cải chính quê quán trong Giấy khai sinh như trong thời gian vừa qua.
- Về thẩm quyền cải chính Giấy chứng nhận kết hôn: cần hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền giải quyết việc cải chính hộ tịch có liên quan đến Giấy chứng nhận kết hôn; trước hết, Bộ Tư pháp cần có văn bản hướng dẫn thống nhất thẩm quyền đăng ký hộ tịch của UBND cấp huyện, UBND cấp xã, đồng thời kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết việc cải chính hộ tịch có liên quan đến Giấy chứng nhận kết hôn cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Về người có quyền yêu cầu cải chính Giấy chứng tử: cần có hướng dẫn cụ thể về những người có quyền yêu cầu theo hướng xác định việc đảm bảo thông tin cung cấp để thực hiện đăng ký khai tử đúng, chính xác thuộc về những người có quyền/trách nhiệm thực hiện việc khai tử cho người chết theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Hộ tịch. Do đó, những người này cũng là những người có quyền/ trách nhiệm yêu cầu cải chính các thông tin trong Giấy chứng tử.
- Cần có hướng dẫn các giấy tờ là cơ sở cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch để áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.
- Xuất phát từ đặc điểm của cải chính hộ tịch phát sinh khi có sai sót khi đăng ký hộ tịch nên không nên áp dụng quy định cho người có yêu cầu đăng ký cải chính hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung yêu cầu cải chính nếu quá thời hạn xác minh không nhận được kết quả xác minh.
- Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thay đổi, cải chính hộ tịch: Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã được ban hành trước khi Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành, có nhiều quy định không còn phù hợp cần ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch. Tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về đăng ký hộ tịch, đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch.
Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, việc hoàn thiện pháp luật về thay đổi cải chính hộ tịch theo hướng tăng cường, cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết số: 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011.
3.2.1.2. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện pháp luật về thay đổi, cải chính hộ tịch
Nếu hoàn thiện pháp luật về thay đổi, cải chính hộ tịch là điều kiện cần thì tăng cường sự lãnh đạo của Cấp ủy, Chính quyền các cấp là điều kiện đủ đảm bảo thực hiện pháp luật về thay đổi, cải chính hộ tịch trên địa bàn huyện Trảng Bom được hiệu quả. Công tác lãnh chỉ đạo kịp thời của Cấp ủy, Chính
quyền luôn là cơ sở đảm bảo công tác thực hiện pháp luật về hộ tịch được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Sự quan tâm, chỉ đạo của Cấp ủy, Chính quyền đối với công tác hộ tịch phụ thuộc việc nhận thức đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa của thay đổi, cải chính hộ tịch trong công tác quản lý nhà nước về hộ tịch ở địa phương. Nội dung của công tác chỉ đạo, điều hành được biểu hiện bằng các chủ trương, chính sách quản lý phù hợp, chi phối tới các giải pháp cụ thể về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và các nội dung khác của hoạt động thực hiện pháp luật về thay đổi, cải chính hộ tịch như sau:
- UBND huyện thống nhất quản lý nhà nước về hộ tịch nói chung, thay đổi, cải chính hộ tịch nói riêng tại địa phương; chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn thực hiện pháp luật về thay đổi, cải chính hộ tịch đến UBND các xã, thị trấn trên địa bàn; tổ chức đăng ký các việc thay đổi, cải chính hộ tịch có yếu tố nước ngoài; thay đổi cải chính, hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú trong nước từ đủ 14 tuổi trở lên phát sinh trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật về thay đổi, cải chính hộ tịch; Có chính sách quản lý, sử dụng công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn huyện theo đúng đề án vị trí, việc làm và nhu cầu thực tế của địa phương. Thực hiện nghiêm quy định công chức hộ tịch tại Phòng Tư pháp huyện, công chức tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn không được giải quyết các yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch cho bản thân hoặc người thân thích theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Nâng cao chất lượng các cuộc họp giao ban giữa Phòng Tư pháp huyện và công chức tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn, tổ chức giao ban chuyên đề về công tác hộ tịch, công tác thay đổi, cải chính hộ tịch để trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ nhất là các kỹ năng trong việc giải quyết, xử lý các tình huống thay đổi, cải chính hộ tịch; việc thực hiện đăng ký trên phần mềm hộ tịch; kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong công tác này.
- UBND các xã, thị trấn thực hiện quản lý nhà nước về hộ tịch tại địa phương; tổ chức đăng ký các việc thay đổi, cải chính hộ tịch theo thẩm quyền;
Cải thiện, nâng cấp điều kiện làm việc đáp ứng yêu cầu thực hiện pháp luật về thay đổi, cải chính hộ tịch ở địa phương.
Công tác quản lý, đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cần được coi là công tác quan trọng của cấp uỷ, chính quyền địa phương, không phải là công tác của riêng ngành Tư pháp. Phòng Tư pháp huyện, công chức tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn cần xác định vai trò nòng cốt của mình, chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham mưu, đề xuất với UBND huyện, UBND các xã, thị trấn, cũng như sự phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện; sớm có giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý hoặc hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các cơ sở trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về thay đổi, cải chính hộ tịch, chấm dứt tình trạng thực hiện yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch để phù hợp với nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân; tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động thay đổi, cải chính hộ tịch, kịp thời uốn nắn các sai sót, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đăng ký và quản lý thay đổi, cải chính hộ tịch.
3.2.1.3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về thay đổi, cải chính hộ tịch trên địa bàn huyện Trảng Bom
Công tác tuyên truyền, PBGDPL có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do đó, công tác này phải mang tính thường xuyên, liên tục đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phối hợp của tất cả các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tư pháp hộ tịch. Thời gian qua, UBND huyện Trảng Bom đã quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác
tuyên truyền, PBGDPL được Sở Tư pháp đánh giá cao. Đó là cơ sở quan trọng để huyện tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác này trong việc nâng cao nhận thức của người dân về hộ tịch; giúp người dân hiểu được ý nghĩa quan trọng của công tác hộ tịch; quyền và nghĩa vụ của cá nhân trong việc đăng ký hộ tịch nhằm bảo đảm thực hiện, bảo vệ các quyền nhân thân của bản thân và gia đình để họ tự giác thực hiện. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn huyện, yêu cầu:
UBND huyện có chỉ đạo quyết liệt hơn trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện trong thực hiện công tác PBGDPL về thay đổi, cải chính hộ tịch. Nội dung, hình thức tuyên truyền PBGDPL về thay đổi, cải chính hộ tịch cần đa dạng, phong phú nhưng đảm bảo phù hợp với đối tượng được tuyên truyền, phổ biến; chú trọng tới các đối tượng là người dân tộc thiểu số ở vùng các xã, vùng sâu vùng xa của huyện, người lao động làm việc tại các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn huyện; phối hợp Đài truyền thanh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của huyện và các xã, thị trấn; biên soạn tài liệu hỏi đáp về thay đổi, cải chính hộ tịch đăng tải trên Trang thông tin điện tử của huyện;
Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên pháp luật của huyện, tuyên truyền viên pháp luật các xã, thị trấn; bồi dưỡng tập huấn kiến thức pháp luật hộ tịch cho các Báo cáo viên của huyện, tuyên truyền viên pháp luật các xã, thị trấn huyện để từ đây tiếp tục mở rộng phạm vi tuyên truyền, PBGDPL đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.