Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội còn có những hạn chế, khó khăn:
- Do chính sách bảo trợ xã hội có sự thay đổi nhiều, liên tục, việc triển khai thực hiện còn lúng túng. Các văn bản về chế độ chính sách vẫn còn chưa đồng bộ và một số nội dung hướng dẫn còn chưa cụ thể khiến cho công tác xét duyệt đối tượng hưởng chính sách còn gặp khó khăn.
Việc thực hiện thủ tục chuyển mức và hệ số tương ứng của các đối tượng BTXH theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP; Thông tư Liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 và Thông tư Liên tịch số 06/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 12/5/2016 gặp rất nhiều khó khăn. Đối tượng BTXH đầu năm 2015 đến nay chính sách, chế độ của đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên thay đổi và điều chỉnh nên việc thực hiện tại các phường/xã vẫn còn lúng túng. Đồng thời, hàng tháng việc điều chỉnh chế độ của các đối tượng (ví dụ: từ trẻ em khuyết tật sang người khuyết tật, người khuyết tật sang người cao tuổi khuyết tật, hay từ người cao tuổi từ đủ 80 tuổi sang người khuyết tật…) cũng được thực hiện thường xuyên nên việc điều chỉnh nhiều lúc chưa được kịp thời.
- Trang thiết bị, cơ sở vật chất (như phòng, máy vi tính, bàn ghế làm việc,…), kinh phí thực hiện nhiệm vụ công tác BTXH ở các phường, xã còn khó khăn, thiếu và không đảm bảo.
Chưa có hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội chung toàn quốc. Việc quản lý bằng sổ sách ở địa phương còn một số hạn chế: cập nhật các thông tin liên quan đến đối tượng chưa kịp thời, lọc dữ liệu thủ công khó khăn trong công tác báo cáo, kiểm tra đối tượng trợ giúp xã hội.
Phần mềm quản lý đối tượng Bảo trợ xã hội của thành phố đang trong giai đoạn hoàn thiện nên việc cập nhật và quản lý dữ liệu còn nhiều vướng mắc và lúng túng.
- Số đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội ngày càng gia tăng, đặc biệt là nhóm đóm tượng người cao tuổi, người khuyết tật,... mà biên chế cho công tác xã hội rất hạn chế. Vì vậy, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Đội ngũ cộng tác viên Công tác xã hội có trình độ chuyên môn nhưng đa số chưa đúng chuyên ngành về Công tác xã hội nên trong thực hiện nhiệm vụ còn nhiều lúng túng. Kinh phí chi phụ cấp cộng tác viên CTXH còn thấp nên một số cộng tác viên ở cơ sở chưa nhiệt tình và có trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, trình độ tin học không đồng đều, còn hạn chế.
- Đối tượng BTXH hiện nay ngày càng nhiều nên việc theo dõi, quản lý các đối tượng rất khó khăn cho ngành để tránh sự trùng lặp, một đối tượng có thể hưởng nhiều chế độ khác nhau, ở nhiều địa phương khác nhau. Đặc biệt, đối tượng người cao tuổi tuy có hộ khẩu tại địa phương này nhưng thực tế lại sống với con cái tại địa phương khác nhưng người nhà không báo cáo điều chỉnh việc lưu trú nên việc quản lý tăng, giảm đối tượng chưa được kịp thời.
- Công tác xác định đối tượng là người khuyết tật còn nhiều bất cập, vì đối tượng người khuyết tật rất đa dạng trong khi các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, đặc biệt là phiếu đánh giá mức độ khuyết tật chưa rõ ràng và sát với thực tế nên rất khó cho địa phương trong công tác xét duyệt cũng như thẩm định hồ sơ. Đối với những trường hợp đối tượng bị bệnh mãn tính, tai biến mạch máu não, tim bẩm sinh, chạy thận nhân tạo, ung thư hoặc bị bệnh hiểm nghèo Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của phường/xã khi đánh giá theo Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT ngày 28/12/2012 và Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2019 thì đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật nhưng chỉ quan sát trực tiếp thực tế nên việc xác định mức độ khuyết tật và dạng khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn nên đối tượng thường đề nghị được giám định Hội đồng giám định y khoa (Nhưng trên thực tế, việc bố trí kinh phí giám định y khoa tại các phường, xã
là không có). Hội đồng giám định y khoa xác định mức độ khuyết tật dựa vào cả khuyết tật và bệnh tật nên tỉ lệ khuyết tật thường trên 61% (mức độ khuyết tật nặng hay đặc biệt nặng).
- Một số đối tượng chưa hiểu rõ chính sách hoặc một số đối tượng tuy được hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ nhưng do khuyết tật, sức khoẻ yếu, hoàn cảnh gia đình nghèo, khó khăn, điều kiện đi giám định sức khoẻ và làm các giấy tờ khác hạn chế, dẫn đến việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ để được hưởng chế độ đôi khi còn chậm.
- Công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các qui định chính sách đã đi vào cuộc sống cộng đồng, đến các vùng, tuy nhiên nhận thức của cộng đồng, gia đình và đối tượng bảo trợ xã hội một số nơi chưa thật đúng mức, còn có tư tưởng trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước.
- Công tác báo cáo của một số phường, xã chỉ mang tính chung chung, không có phân tích cũng như không có đánh giá, nhận xét..., một số biểu mẫu báo cáo làm mang tính có số liệu, chưa hết nội dung, chưa đúng so với yêu cầu báo cáo của đơn vị quản lý cấp trên, chưa thể hiện hết trách nhiệm của người làm báo cáo, cũng như đơn vị, cơ sở.