Chủ thể tham gia thực thi chính sách bảo trợ xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực thi chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố quy nhơn, tỉnh bình định (Trang 31 - 34)

1.2.3.1. Cơ quan nhà nước ở trung ương

- Chính phủ:

Chính phủ thống nhất quản lý về chính sách bảo trợ xã hội trên phạm vi cả nước. Chính phủ quy định cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác quản lý hoạt động bảo trợ xã hội.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan thực hiện chính sách về bảo trợ xã hội. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao cho Cục bảo trợ xã hội là lực lượng chuyên trách trực tiếp thực hiện chính sách về bảo trợ xã hội. Cục bảo trợ xã hội có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về người tàn tật, người cao tuổi, trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, giảm nghèo trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

1.2.3.2. Cơ quan nhà nước ở địa phương

- Cấp tỉnh:

a) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các quận, huyện tổ chức quản lý, thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong việc quản lý đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.

c) Hằng năm, tại thời điểm lập dự toán ngân sách địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, lập dự toán kinh phí đảm bảo cho việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội của các đơn vị theo phân cấp quản lý gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

d) Tổng hợp, báo cáo định kỳ trước các ngày 15/01 và 15/7 hằng năm và báo cáo đột xuất về tình hình thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Cấp huyện:

Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm:

a) Có biện pháp quản lý tốt các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn. Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát cấp xã, phường trong việc xác định và quản lý đối tượng.

b) Tổ chức thực hiện chính sách trợ cấp, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn. Tiếp nhận và thẩm định phê duyệt hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội của cấp xã, phường.

c) Tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình và kết quả thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

d) Hằng năm, tại thời điểm lập dự toán ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân các quận, huyện lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội theo phân cấp gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Ủy

ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo quy định và gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, phối hợp thực hiện.

đ) Thực hiện chi trợ cấp đúng đối tượng, đúng chế độ và quyết toán theo quy định hiện hành của Nhà nước.

1.2.3.3. Các chủ thể tham gia

Nhà nước là chủ thể hoạch định chính sách và đồng thời cũng là chủ thể triển khai thực thi chính sách. Thực thi chính sách BTXH, nhà nước đã sử dụng bộ máy từ Trung ương xuống đến các địa phương mà chủ yếu là bộ máy hành chính nhà nước với lực lượng nòng cốt là đội ngũ CBCC hành chính nhà nước được trao thẩm quyền nhất định trong việc sử dụng các công cụ quản lý nhà nước như: quyền lực chính trị, được ban hành các chính sách, xây dựng các kế hoạch, xây dựng và thẩm định, phê duyệt các đề án, dự án,... để điều tiết, định hướng các hoạt động nhằm đảm bảo chính sách đi đúng mục tiêu đã định. Bên cạnh đó, Nhà nước còn nắm giữ vai trò chủ đạo trong điều phối và tạo điều kiện, môi trường để các chủ thể khác: tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cá nhân,… với mong muốn, mục đích khác nhau cùng tham gia thực thi chính sách BTXH nhưng phải hướng đến và đạt được mục tiêu chung. Là chủ thể chịu trách nhiệm chính trong triển khai thực thi chính sách BTXH, nhà nước có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và điều chỉnh kịp thời khi chính sách BTXH chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn theo hướng tích cực nhất để giải quyết các vấn đề trong đời sống KT - XH.

Ngoài những cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thực thi chính sách nêu trên, quá trình thực thi chính sách BTXH còn có sự tham gia của các chủ thể bên ngoài nhà nước đã góp phần giải quyết được bài toán về nguồn lực. Có thể kể đến một số chủ thể khác như:

Các tổ chức Chính trị - Xã hội: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như: Công đoàn, Hội Nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn

Thanh niên, Hội Cựu chiến binh. Các tổ chức này đóng vai trò khá trung tâm và có tác động rất mạnh đến các chủ thể khác trong quá trình thực thi chính sách.

Các hiệp hội nghề nghiệp - xã hội ở trung ương và địa phương, các hiệp hội nghiên cứu khoa học, công nghệ,…

Các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức đa phương, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, người dân.

Ngoài ra còn có các chủ thể khác với tư cách là cá nhân cũng tham gia vào quá trình thực thi chính sách BTXH như: các nhà khoa học, các chuyên gia, các đối tác (trong và ngoài nước) và cá nhân. Các cá nhân này cùng với sự hiểu biết, kinh nghiệm sẽ tư vấn, đưa ra các kịch bản mà các chính sách BTXH sẽ gặp phải trên thực tế để giúp nhà nước đưa ra được các sáng kiến, giải pháp phù hợp nhằm rút ngắn được thời gian triển khai thực hiện các chính sách trong thực tế. Đồng thời, họ đưa ra những ý kiến phản biện giúp cho việc xây dựng chính sách hoàn chỉnh hơn cũng như tham gia vào việc tìm kiếm và hỗ trợ nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách BTXH.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực thi chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố quy nhơn, tỉnh bình định (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)