Thứ tư, cần phải kiện toàn chỉnh đốn tổ chức; lựa chọn đội ngũ cán bộ chuẩn về trình độ và phẩm chất; kiên quyết nghiêm trị những cán bộ biến chất, lợi dụng chức vụ để vụ lợi; thi hành những biện pháp có hiệu lực nhằm ngăn chặn và loại trừ tệ tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, gây phiền hà, nhũng nhiễu. Bên cạnh đó chúng ta phải có nhiệm vụ khuyến khích, bảo vệ những người trung thực, thẳng thắn dám đấu tranh bảo vệ pháp luật.
3.2.6. Đẩy mạnh việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm thực hiện chính sách thi đua, khen thưởng đua, khen thưởng
Sơ kết, tổng kết phong trào thi đua là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Mục đích của công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả công tác thi đua khen thưởng là nhằm nhìn nhận những mặt đã làm được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém từ đó chỉ ra nguyên nhân và nêu lên giải pháp nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trong thời gian tiếp theo. Vì vậy, để công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện chính sách thi đua, khen thưởng đối với công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Phú Thọ được thực hiện một cách kịp thời, chính xác; các cơ quan chuyên môn cùng với Ban Thi đua – Khen thưởng, Sở Nội vụ và các ban ngành cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, đổi mới công tác phát động, chỉ đạo thực hiện, sơ kết, tổng kết và khen thưởng các phong trào thi đua yêu nước
Hằng năm Hội đồng Thi đua, khen thưởng các cơ quan chuyên môn phải tổ chức đăng ký, ký giao ước thi đua, phát động. Các phong trào thi đua phải đặt các nhiệm vụ chính trị cụ thể của cơ quan, đơn vị làm nội dung thi đua, tập trung vào mục tiêu hoàn thành toàn diện, vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao. Trong phong trào thi đua cần xác định mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá và các biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể, rõ ràng, thiết thực, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị. Cần xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí để đánh giá chính xác kết quả phong trào thi đua, thành tích của mỗi tập thể, cá nhân. Khi phát động
phong trào thi đua, cần vận động, tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị, để mọi người chủ động, nhiệt tình, tự giác tham gia. Các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên cần phối hợp làm tốt công tác vận động, tổ chức, triển khai thực hiện phong trào thi đua. Kết thúc đợt thi đua phải tổ chức sơ kết, tổng kết kịp thời để đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc tổ chức các phong trào thi đua tiếp theo…
Cùng với việc tổ chức phát động phong trào thi đua hàng năm, căn cứ nhiệm vụ, có thể phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề để giải quyết những vấn đề khó khăn, cấp bách của từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan, tổ chức trong những thời điểm, giai đoạn cụ thể.
Việc phát động phong trào thi đua được tổ chức vào dịp đầu năm và được tổ chức dưới nhiều hình thức như: Mở hội nghị phát động thi đua riêng biệt, của năm sau gắn với hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng của năm trước với việc phát động phong trào thi đua hoặc gắn với các cuộc mít tinh kỷ niệm ngày lễ lớn của dân tộc, ngày truyền thống hoặc sự kiện quan trọng của địa phương, đơn vị...
Nội dung tổ chức phong trào thi đua cần xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung, khẩu hiệu và thời hạn thi đua; đề ra những biện pháp để tổ chức phong trào thi đua, đồng thời tổ chức phát động, đăng ký thi đua. Cần kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua yêu nước, tập trung chỉ đạo phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để cổ vũ, động viên mọi người học tập và làm theo.
Nâng cao chất lượng công tác sơ kết, tổng kết phải hướng tới tính thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Tăng cường khen thưởng đột xuất, khen thưởng chuyên đề hơn là khen thưởng định kỳ cuối năm, chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp, đặc biệt những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua tại các cơ quan, đơn vị. Công tác khen thưởng cần lấy kết quả thi đua làm căn cứ xem xét, đảm bảo khách quan, công bằng, dân chủ, chính xác; khen thưởng theo hướng thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó, không cộng dồn thành tích, không lấy danh hiệu thi đua làm căn cứ xét khen thưởng nhằm tránh khen thưởng trùng lặp, chỉ tập trung vào đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thống nhất thực hiện nguyên tắc một thành tích không đề nghị nhiều hình thức khen thưởng khác nhau trong cùng một thời điểm, cũng như không đề nghị các cấp khác nhau cùng khen thưởng cho một thành tích, như vậy mới nâng cao chất lượng công tác khen thưởng đúng người, đúng thành tích và giá trị khen thưởng mới thực sự được nâng lên.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng:
Thông qua các phong trào thi đua, các cơ quan chuyên môn phải tăng cường phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Công tác xây dựng điển hình tiên tiến phải được thực hiện từ cơ sở và thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến. Các cơ quan, đơn vị có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và trong từng giai đoạn; phấn đấu mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương lựa chọn được các điển hình tiêu biểu, xuất sắc toàn diện để phổ biến, nêu gương và nhân rộng.
Tổ chức đăng ký thi đua cùng các điển hình tiên tiến để các phong trào thi đua thực sự phát huy tác dụng và đi vào chiều sâu. Xác định đây là nội dung trọng tâm trong đổi mới phương thức tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua hiện nay, qua đó đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành và từng địa phương, đơn vị.
Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, tham quan, học tập kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của điển hình tiên tiến. Tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua, các gương điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác và phong trào thi đua yêu nước. Tổ chức tốt các hình thức, biện pháp tuyên truyền những gương sáng người tốt, việc tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống truyền thanh, bảng tin, trang thông tin điện tử tại cơ quan, đơn vị…
Thứ ba, bảo đảm các điều kiện vật chất, hạ tầng kỹ thuật khoa học công nghệ thực hiện chính sách thi đua khen thưởng
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong Cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các chính sách về thi đua, khen thưởng và xây dựng, triển khai phần mềm
“Hệ thống quản lý hồ sơ khen thưởng điện tử trong Thi đua - Khen thưởng” các trang Web về thi đua, khen thưởng là một quá trình tất yếu. Phần mềm quản lý thi đua, khen thưởng ra đời sẽ khiến cho việc cập nhật, lưu trữ dữ liệu được an toàn và thuận tiện trong tra cứu, đáp ứng được phần lớn nhu cầu của công tác thi đua, khen thưởng, giúp cho các cơ quan, đơn vị, nắm được thông tin đầy đủ, kịp thời, cũng như phục vụ việc nâng lương trước hạn, xem xét khen thưởng, kỷ luật đúng, đủ theo quy định về thành tích trong hoạt động nghiệp vụ...