Lệ Thuỷ là huyện vùng chiêm trũng của tỉnh Quảng Bình. Nằm vào khoảng 16055’ đến 17022’ vĩ độ bắc và kinh độ 106025’ và 106059’. Phía Bắc giáp huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; phía Nam giáp huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; phía Tây giáp biên giới Việt - Lào, có đường biên giới dài 42,8 km, phía Đông giáp biển Đông có đường bờ biển dài hơn 30 km. Diện tích tự nhiên của huyện là 141.413 ha, với 26 xã, 2 thị trấn.
Về địa hình, huyện Lệ Thủy nằm ở sườn Đông của dãy Trường Sơn, có địa hình phía Tây là núi cao và thấp dần từ Tây sang Đông; huyện Lệ Thủy có địa hình đa dạng được chia thành vùng núi cao, vùng đồi trung du, vùng đồng bằng chiêm trũng và vùng cát ven biển.
Khí hậu huyện Lệ Thủy mang đặc trưng của chế độ khí hậu Nhiệt đới gió mùa, lắm nắng nhiều mưa; một năm được chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa bắt đầu vào giữa tháng 9 và kết thúc vào tháng 2 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm là 24,60C. Nhiều năm về mùa mưa thường có lũ lụt trên diện rộng và bão lốc; mùa khô nắng gắt có gió Tây Nam khô nóng với lượng nước bốc hơi lớn, độ ẩm không khí thấp, gây hạn hán nghiêm trọng. Đây là những yếu tố gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Hệ thống sông ngòi, hồ đập, đầm phá huyện Lệ Thủy khá phong phú, phân bố khá đều trong huyện với có tổng diện tích 1.496 ha, chiếm khoảng 1,06 % diện tích tự nhiên. Sông suối ở Lệ Thuỷ có đặc điểm là chiều dài ngắn, dốc nên tốc độ dòng chảy lớn và có sự phân bố dòng chảy theo mùa rõ rệt.
Tài nguyên đất: Toàn huyện có 8 nhóm đất với 33 đơn vị đất, trong đó nhiều nhóm thuận lợi cho đến sản xuất nông nghiệp như: Nhóm đất phù sa chiếm 4,28% diện tích tự nhiên, nhóm đất xám chiếm 71,72% diện tích tự nhiên; nhóm đất đỏ chiếm 0,16% diện tích tự nhiên; nhóm đất cát chiếm 11,46% diện tích tự nhiên.
Tài nguyên nước: Nhờ có hệ thống sông ngòi, ao hồ, đầm phá nên huyện Lệ Thủy có lượng nước mặt và nước ngầm khá phong phú, đảm bảo tưới tiêu cho hơn 13.000 ha vùng đồng bằng của huyện. Toàn huyện có 28 hồ đập chứa nước nhân tạo với dung tích trên 235 triệu m3 nước, đầm phá tự nhiên diện tích gần 7,8 km2. Ngoài ra còn có nguồn nước từ cát chảy ra vùng Quốc lộ 1A có thể phục vụ tưới từ 550 ha-600 ha.
Tài nguyên biển và đầm phá: Huyện Lệ Thuỷ có đường bờ biển với chiều dài hơn 30 km; vùng biển rộng có trữ lượng hải sản tương đối lớn và phong phú về loài (hầu hết các loại có ở Việt Nam) có giá trị kinh tế. Diện tích đầm phá khoảng 1.300 ha, trong đó có Bàu Dum, Bàu Sen xã Sen Thuỷ, phá Hạc Hải. Tại các đầm phá còn có nhiều loài tôm cá có trữ lượng lớn và điều kiện phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản.
Tài nguyên rừng: Tổng diện tích đất có rừng toàn huyện năm 2016 là 104.611,91 ha, Rừng tự nhiên có nhiều loại gỗ quý như: lim, táu, sến, gụ, huỳnh, trầm hương,... Đặc sản dưới tán rừng khá đa dạng, phong phú và có giá trị kinh tế cao như: song mây, lá nón... và các loại dược liệu quý, chim thú ở trong rừng khá phong phú như công, trĩ, gà lôi, nai, sơn dương, khỉ, vượn, báo, sóc....
Tài nguyên khoáng sản: Theo các tài liệu điều tra hiện có, trên địa bàn huyện Lệ Thủy tập trung một số loại khoáng sản có thể khai thác phục vụ phát triển kinh tế như vàng, bạc, sắt, titan, chì, kẽm (được phân bố chủ yếu ở phía Nam huyện); đá Ngọc Bích, đá vôi ở phía Tây huyện. Đặc biệt, huyện Lệ Thủy có suối nước khoáng nóng Bang có nhiệt độ tại điểm phun sôi 1050 C, được khai thác để sản xuất nước khoáng và điểm du lịch nghĩ dưỡng và có khả năng xây dựng nhà máy địa nhiệt điện.
Nhìn chung, các điều kiện về tự nhiên cho phép huyện Lệ Thủy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng, quy mô lớn, đặc biệt với tài nguyên khá phong phú có điều kiện để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng…