3.2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý Nhà nước về giảm nghèo
3.2.6. Huy động các nguồn lực tài chính để giảm nghèo bền vững
Nguồn ngân sách của Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cốt yếu trong thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo. Nguồn ngân sách từ trung ương đến địa phương là căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã lập kế hoạch, triển khai thực hiện những dự án thiết thực, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, thay đổi mức sống của người nghèo trên địa bàn. Với xu thế hiện nay, cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, các nguồn lực từ cộng đồng đang trở thành một nguồn lực lớn, có vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo tại địa phương.
Để huy động tối đa nguồn lực giảm nghèo cần xem xét, tích hợp các chính sách, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trong chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu có nội dung trùng lặp, nhằm tập trung nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho các xã nghèo, hộ nghèo có khả năng thoát nghèo bền vững, hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực, hiệu quả đạt được thấp và chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đối tượng trong thực thi các chương trình trên địa bàn.
Tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế trên địa bàn, đặc biệt là phát triển kinh tế hàng hóa tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Để tạo ra bước chuyển biến rõ rệt, nâng cao mức sống của người nghèo, cần tập trung nguồn lực, tăng nguồn vốn cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, đầu tư theo từng địa bàn cụ thể, từng vùng sản xuất theo thực tế, đặc trưng của địa phương để thúc đẩy sản xuất hàng hóa gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện làm giàu, phát triển kinh tế cho người nghèo và người dân ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Chú trọng đầu tư cải tạo, làm mới hệ thống giao thông liên huyện, liên xã tại huyện. Tập trung các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, sự ủng hộ sức người và tiền của của nhân dân để có một hệ thống giao thông kiên cố, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và tăng mức độ tiếp cận thông tin, các dịch vụ công cộng của người dân.
Tích cực xã hội hóa công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ giúp đỡ người nghèo. Xây dựng và phát huy các chương trình hỗ trợ, ủng hộ như “nối vòng tay lớn”, “quỹ tình thương”, “nhà đại đoàn kết”, thu hút đông đảo cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia ủng hộ, hỗ trợ người nghèo tại địa phương. Ngoài ra, cần duy trì và phát triển các quỹ như: “quỹ vì người nghèo”, “xóa nhà tạm, dột nát cho người nghèo”, thực hiện mô hình tín dụng - tiết kiệm, nông dân sản xuất giỏi, thanh niên làm kinh tế... của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... để góp phần cải thiện điều kiện sống của các hội viên, chú trọng hội viên nghèo, cận nghèo.