Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra theo quy luật là tỷ trọng của ngành nông nghiệp giảm xuống và tỷ trọng của các ngành phi nông nghiệp tăng lên trong cơ cấu. Chính sự phát triển ngày càng đa dạng hoá trong sản xuất nông nghiệp là cơ sở thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Khi năng suất lao động trong ngành nông nghiệp tăng lên, ngoài hoạt động trồng trọt và chăn nuôi, con người đã tìm kiếm và làm thêm nhiều công việc khác như phát triển nghề thủ công và đến một trình độ nhất định đã tách thành một ngành sản xuất độc lập (tiền thân của công nghiệp nông thôn ngày nay).
Quá trình phát triển của nông nghiệp và công nghiệp, đòi hỏi phải có sự trao đổi lẫn nhau, do đó có một bộ phận dân cư tách khỏi sản xuất chuyển sang lĩnh vực
lưu thông trao đổi hàng hoá và hình thành ngành thương mại - dịch vụ ở trên địa bàn. Như vậy, quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các ngành phi nông nghiệp ở trên địa bàn. Đó cũng chính là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời cũng là quá trình CNH, HĐH.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp... Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng: sự phát triển của nông nghiệp chỉ là tiền đề, điều kiện ban đầu cho sự phát triển các ngành phi nông nghiệp, bởi sự phát triển của các ngành phi nông nghiệp còn phụ thuộc và chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau như: tính đặc thù của địa phương, điều kiện tự nhiên, KT-XH khác chi phối.
Do vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ hơn, đòi hỏi phải có nhân tố chủ quan của con người tác động vào các nhân tố khách quan đó (cải biến điều kiện tự nhiên, KT-XH). Phát triển các ngành phi nông nghiệp đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động. Điều này càng có ý nghĩa hơn với điều kiện của Việt Nam khi bình quân đất nông nghiệp thấp, lao động dư thừa nhiều, công nghiệp đô thị chưa phát triển… Thực tế cho thấy: Việc phát triển các ngành nghề ở địa phương như là một giải pháp hữu hiệu, ngăn chặn làn sóng di cư lao động ra thành thị. Song vấn đề cơ bản là cần phải xem xét kỷ khi lựa chọn phương án phát triển các ngành phi nông nghiệp, trong đó có công nghiệp nông thôn phải hết sức thận trọng, nhằm đảm bảo phát triển hài hoà giữa ba yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái, đó cũng chính là sự phát triển bền vững mà mỗi quốc gia đang hướng tới.